Chuyện nhóm Thiên Địa hội đánh Mãn Thanh dưới cờ Tây Sơn
- Vương Hồng Sển
- •
Trong bài văn tế của đức Gia Long tế ông Bá Đa Lộc, có câu: “… Nghĩ lúc lưng gầy bước ngặt, đình Nam Vang, bầu Tân lữ, phiêu lưu cho khỏi bạo tàn; Tưởng khi mặt ủ gan phiền, trời cố quốc, bến Hậu Giang, tìm hỏi chẳng từ hiểm yếu. Cực đến nỗi cha con khôn giữ, gởi gia nhi trao quốc bảo, trời Tây Dương muôn hộc ai hoài; may vừa đâu nhà nước mới về, đưa ấu tử cầu lương bằng, đất Đông Phố một đoàn vĩnh hiếu…”
Và trong một văn tế khác, tương truyền do tiền quân Nguyễn văn Thành tế chiến sĩ trận vong ngoài Bắc Hà, cũng hai chữ Đông Phố được nhắc lại: “Trời Đông Phố vận ra sốc cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay…”
Truy ra, vốn không phải chữ “đông” mà thật đó là chữ “giản”, vì hai chữ nầy rất giống nhau trong Hán tự, duy chữ “đông” có một nét ngang ở giữa, còn chữ “giản” viết y chữ “đông” duy thế hai chấm vào nét ngang nên trông rất dễ lầm. Và “Giản-phố-trại” là danh từ xưa do người Trung Hoa dùng để gọi đất Cao Miên cổ mà họ đọc “Kam-put-jai” (phiên âm ra Việt là Giản-phố-trại), sau nầy trở nên “Kampuchia”, rồi “Cambodge” vậy.
Ngày nay trên Nam Vang còn một tờ báo tên gọi “La-cà-dột Cam-bù-chia” tức là phiên âm ba chữ Pháp “la gazette cambodgienne” (tờ báo Cao Miên) chớ không chi mới lạ. Biết thì biết vậy, nhưng không lẽ nay cải chính, lại thêm nối giáo cho giặc vốn sẵn tánh tìm duyên cớ tranh giành đất đai.
Cũng như nếu nay chịu khó lấy sách sử ra đọc lại thì trong bộ Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim, bản Tân Việt, 1949, nơi chương 329-330, còn ghi rành rạnh:
“Nguyên nước Chân Lạp ở vào quãng dưới sông Mê kông, có lắm sông nhiều ngòi, ruộng đất thì nhiều mà nước Nam ta thường hay mất mùa, dân tình phải đói khổ luôn, và lại vào lúc chúa Nguyễn chúa Trịnh đánh nhau, cho nên nhiều người bỏ vào khẩn đất, làm ruộng ở Nô xoài (Bà Rịa) và ở Đồng Nai (nay thuộc Biên Hòa).
Năm mậu tuất (1658) vua nước Chân Lạp mất rồi, chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3000 quân sang đánh ở Mỗi xúy (nay thuộc huyện Phúc chánh, tỉnh Biên Hòa) bắt được vua nước ấy là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người An Nam sang làm ăn ở bên ấy.
Năm giáp dần (1674), nước Chân Lạp có người Nặc Ông Đài đi cầu viện nước Xiêm la để đánh Nặc Ông Nộn. Nặc Ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa). Chúa Hiền bèn sai Cai cơ đạo Nha trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Bình Phái làm tham mưu đem binh chia ra làm hai đạo sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Côn rồi tiến quân lên vây thành Nam Vang.
Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết trong rừng. Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu là chính dòng con trưởng cho nên lại lập làm chánh quốc vương đóng ở Long Úc, để Nặc Ông Nộn làm đệ nhị quốc vương, đóng ở Sài Côn, bắt hằng năm phải triều cống.
Năm kỷ vị (1679) có quan nhà Minh là tổng binh trấn thủ đất Long Môn (Quảng Tây) Dương Ngạn Địch, phó tướng Hoàng Tiến, tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm (thuộc Quảng Tây) là Trần Thượng Xuyên, phó tướng Trần An Bình, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân An Nam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (tức là đất Gia Định). Bọn Địch chia nhau ở đất Lộc Dã (tức là đất Đồng Nai thuộc Biên Hòa), ở Mỹ Tho (thuộc Định Tường), ở Ban Lân (nay là Bến Gỗ thuộc Biên Hòa) rồi cày ruộng làm nhà lập ra phường phố có người phương Tây, người Nhật Bản, người Chà Và đến buôn bán đông lắm.
Năm mậu thìn (1688), những người khách ở Mỹ Tho làm loạn, Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch, rồi đem quân đóng đồn ở Nan khê, làm tàu đúc súng để chống nhau với người Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu cũng đào hào đắp lũy để làm kế cố thủ và bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa.
Bấy giờ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn sai quan đem quân sang đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp phải theo lệ triều cống.
Năm mậu dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố ra làm dinh làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức là Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức là Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những kẻ lưu dân từ Quảng bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên (Biên Hòa) thì lập làm xã Thanh Hà, những người ở đất Phiên Trấn (Gia Định) thì lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta.
Bây giờ lại có người khách Quảng Đông tên là Mạc Cửu, trong khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu, bỏ sang ở Chân Lạp, thấy ở phủ Sài Mạt có nhiều người các nước đến buôn bán, bèn mở sòng đánh bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ những lưu dân lập ra bảy xã, gọi là Hà Tiên. Năm mậu tí (1708), Mạc Cửu xin thuộc về chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng binh, giữ đất Hà Tiên.
Đến khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn lại phong cho con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tử làm chức đô đốc, trấn ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tú đắp thành xây lũy, mở chợ làm đường và rước thầy về dạy học để khai hóa đất Hà Tiên.”
Ấy là những trang sử hiển hách, về việc khai khẩn đất Miền Nam nầy, chứng tỏ then chốt cuộc Nam tiến có thể gồm các cơ hội đặc biệt là:
a) Bên Trung quốc, nhà Minh đã đổ, di thần nhà Minh vốn có tục để tóc dài, và sẵn không phục nhà Thanh, nên kéo quân lính qua nước Việt xin làm tôi chúa Nguyễn vì dân ta vẫn để tóc dài (trường phát) như họ;
b) Nước Chân Lạp có sự chia rẽ, giữa anh em vua tranh giành ngôi báu, sanh ra cảnh nồi da xáo thịt;
c) Người Việt ta trước sai binh tướng Minh xuống khai phá đất Thủy Chân Lạp rồi vì binh tướng Minh không thuận nhau và sát hại lẫn nhau, khi đó binh sĩ của chúa Nguyễn kéo xuống dẹp an giặc loạn Tàu và lấy được đất nầy trên tay người Minh, tức là sau một chiến công hẳn hoi chớ nào phải cướp đất của lân bang Tần quốc.
Nhưng có những chi tiết nhỏ trong sử không nêu ra nhưng cần phải biết mới mau hiểu và mau nhớ đoạn sử đặc biệt nầy. Đó là:
a) Tuy cuộc Nam tiến đã bắt nguồn từ lâu, nhưng đất Miền Nam chỉ bắt đầu được để ý từ năm mậu tuất (1658), khi xảy ra cuộc tranh ngôi và cuộc bất hòa giữa anh em vua Cao Miên, và như vậy chỉ vừa được ba trăm năm;
b) Đất Hà Tiên có từ năm mậu tí (1708) tức vừa lối hai trăm năm chục năm. Và người có công đầu vào Nam đồng thời với Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ là Nguyễn Hữu Kính, đem binh vào Nam năm mậu dần (1698) cũng lối hai trăm bảy chục năm đây thôi. Vì kiêng húy tên ông mà luôn luôn chúng tôi dân Miền Nam gọi người là ông Chưởng (chưởng dinh, chưởng trấn), và gọi trại Nguyễn Hữu Kiểng chớ ít ai dám gọi Nguyễn Hữu Cảnh, chớ đừng nói chi tên thật là Nguyễn Hữu Kính;
c) Đến như đất Sài Gòn được đổi làm huyện Tân Bình thì cũng từ năm mậu dần (1698) tức lối hai trăm bảy chục năm mà thôi.
Một chi tiết khác tuy nhỏ nhặt nhưng rất hệ trọng là ông Mạc Cửu bày ra sòng đánh bạc để lấy tiền chiêu mộ dân tử chiếng lập ra chợ phố Hà Tiên.
Về đoạn này trong môn cánh chúng tôi còn nhắc một giai thoại để tự bào chữa cái tật ghiền á phiện và tật ưa thích đổ bác. Trừ ra ông thân tôi người triệt để không dám rớ ả phù dung và chỉ thỉnh thoảng đánh chơi vài chến thín cẩu, và như vậy chưa phải là người si mê tứ đổ tường, ngoài ra trong dòng họ đều được khá nhiều người từng góp mặt trong Thiên Địa hội, trong làng kèo dù bạn với phù dung và trong giới đổ bác. Vì có chân trong hội kín Thiên Địa hội mà tôn chỉ là lật đổ nhà Thanh xây dựng nhà Minh, nên nội tổ tôi khi mất vào năm ất tị (1895), một bạn đồng chí là ông Hương Khoa từng khóc bằng hai câu điếu:
“Lục bát xuân thu nhẫn vi thiên địa khách,
Nhứt triệu huynh đệ phân tác cổ kim nhơn”.
Câu liễn nầy nói được người mãn phần có chân trong Thiên Địa hội và tuổi tuy 48 nhưng ở đây dùng hai chữ “lục bát” mới nghe như tuổi cao 68 có thừa. Thêm nữa, ông nội tôi bởi cầm đầu, được phong làm “tùa hia” trong hội, tức Đại Ca, cho nên câu “huynh đệ” có phần thâm thúy.
Trong họ lại có lắm người nghèo vì ham đánh me đánh bài và lắm người gió thổi gần bay vì rất thạo nghề đi mây về gió với phù dung.
Chính ngày nay tôi còn tiếc không giữ được bàn đèn chụp pha ly và nhứt là cây xe điếu bằng trúc Hạ Châu, di tích của ông nội tôi để lại. Nghĩ cho cùng: khi nào bắt được tại trận mình lên đèn có lửa, nằm vắt chân chữ ngũ, phì phà có khói, khi ấy lính đoan hay kiểm tục có bắt có phạt cũng ưng tình, chớ theo tôi tưởng một nhà chơi đồ cổ như tôi, dẫu nay có bày binh bố trận giữa đại thính đường mà không đốt đèn, thì mấy ai dám nói, ông Đô ông Tòa đều biết tôi là cò-lét-xio-nơ kia mà! Tội nghiệp, vậy mà năm ông nội tôi mất, ba tôi đành ôm trụm và ký thác cho người dượng tôi ở Nhu Gia gìn giữ, nào ống trúc Hạ Châu lên nước đen huyền, nào cái tẩu Lương Hữu Hương lưu truyền từ nhiều tay, khiến cho ngày nay dầu tôi muốn có vài di vật chứng minh tỷ như trong buổi diễn thuyết nhắc lại đoạn sử vẻ vang buổi Nam tiến xưa kia thì cũng đà quá muộn.
Cứ theo lời tổ tiên truyền lại trong nhà, từ buổi lìa Trung Hoa di cư vào Nam, người di thần nhà Minh, ghét nạn đầu thắt đuôi bím theo tục Mãn Thanh (cũng gọi đuôi bín, đuôi sam, đuôi chệc, hay thắt bì bi) nên đều xin thần phục chúa Nguyễn vì dân xứ Việt vẫn để tóc dài và giữ đạo Khổng Mạnh y như họ. Phần đông những người Tàu di cư buổi nầy đều thuộc dân tử chiếng một phần vì ghiền á phiện nặng, một phần vì có máu mê cờ bạc nay muốn đổi không khí đổi chỗ ở để mặc sức hút đánh bài hốt me cho sướng tay. Khỏi nói vấn đề chánh là không thần phục quân Mãn Thanh để đuôi bín. Trong đám di cư, một đoàn lên Nam Vang ẩn thân lập nghiệp, một đoàn ở lẩn quẩn vùng Sài Gòn Chợ Lớn, một đoàn khác lãng mạn hơn, chọn qua Xiêm La, và có đoàn nữa đóng đô ở Cần Vọt (Kampot) mượn canh bài quên vận nước và mượn thuốc phiện chống ngăn sơn lam chướng khí nước độc rừng thiêng.
Ba tôi thì nhứt định không tin á phiện và đổ bác có năng lực hay ho, giúp người ly hương thất thổ gầy dựng cơ đồ, nhưng riêng tôi thì vẫn tin ba bó một gia rằng trong bốn cửa tứ đổ tường, cửa nào cũng ẩn tàng một cái hay duy mình chưa để ý đến: Không nhờ sắc của Tây Thi làm sao rửa được cái nhục vua Việt nếm phẩn vua Ngô? Chính quan tiền quân Nguyễn văn Thành đời trước, tuy dưới trướng nức mùi chung đỉnh chớ cũng còn sực nhớ “khi chén rượu đầu ghềnh”. Đến phiên ông Mạc Cửu không nhờ me và bài, làm sao ăn được vô số vườn tiêu vườn đậu khấu và cũng vì giàu quá sợ giặc biển giặc Xiêm cướp bóc mới có vụ đi cầu đi mua chức tổng binh và xin sự chở che của chúa Nguyễn Nam triều. Và gương hiển hiện là các thổ quân lãnh chúa nước Tàu như Trương Tác Lâm, Trương Phác Khuê và gần hơn nữa như nhiều vị đại tướng còn sanh tiền, ông Tưởng là một, vẫn vận trù quyết sách và đồ mưu thiết kế chung quanh bàn đèn thuốc phiện lại mấy có sao? Các tay giang hồ mã thượng đời đó lập được nhiều kỳ công bất hủ, từ cha con Mạc lịnh công gầy dựng bờ cõi đất Hà Tiên cho đến những tay hảo hán đục đá phá rừng đuổi voi cọp lấy chỗ làm ruộng, khai hoang miệt Hậu Giang Ba Thắc, đều nhờ sức phù dung giúp sự dẻo dai khỏe mạnh và nhờ chén bả hốt me mà giải muộn tiêu sầu, đời đó thuốc men không đủ sức và chỉ có hai thứ đó là đủ chống cự với giặc rét rừng giặc kiết lỵ, giặc bịnh hoạn sanh ra bởi sơn lam chướng khí và một thứ giặc giết người không cần gươm đào là giặc u sầu phiền muộn vì thất thổ ly hương.
Tóm lại trong đám lập cơ đồ sự nghiệp to lớn để lại cho con cháu ngày nay, đừng quên công dân làng bẹp và đám hư thân vì mê say tứ đổ tường.
Còn một giai thoại, không dám nhận đó là một kỳ công, nói ra đây có người sẽ hiểu lầm là làm nhụt nhuệ khí của binh đội Tây Sơn bách chiến bách thắng, và ông bà chúng tôi chỉ nhắc kín buổi trà dư tửu hậu mà cũng không dám hở môi ra ngoài buổi trước, vì sợ tai vách mạch rừng, là có rất nhiều tay võ nghệ thuộc Thiên Địa hội nhập trà trộn theo binh Tây Sơn và nếu trong chiến công vĩ đại của vua Quang Trung, chỉ nội mấy ngày mà kéo đạo binh thần tốc ra Thăng Long đánh tan đạo binh Mãn Thanh không còn manh giáp, đành rằng đó là chiến công bất hủ của đạo binh thần nhà Tây Sơn, nhưng một phần nào cũng nhờ một đạo binh thứ năm (cinquième colonne) ám trợ bên trong cho vua Quang Trung, ấy là đám Thiên Địa hội di thần nhà Minh, theo hội binh Tây Sơn đánh quân Thanh để phục hận (sử còn nhắc những Lý Tài, Tập Đình và những “người mọi to lớn, ai nấy cổi trần ra, đội khăn đỏ cầm phạng đeo khiên, đánh thật là hung mạnh”) ấy đó là nhóm Thiên Địa hội trá hình. Vì theo lời tổ tiên tôi nói lại để đủ nghe trong nhà là nếu cây súng tre nha phiến cả thắng con ma bịnh tật đất Miên thì chỉ có “giáo Tàu mới đâm chệc” trúng phong phốc và chỉ có người Tàu với nhau mới dễ biết chỗ nhược của nhau, mà đánh những đòn độc thủ và sở dĩ miễn được trả chút thù truyền kiếp, thì tội gì không “tả lớ”!(*)
Vương Hồng Sển
Bài đã đăng trên Chọn Lọc số 11 ngày 6-2-1966
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
(*) “Tả lớ”, tiếng Quảng Đông, có nghĩa là “Đánh nó”!
Xem thêm:
Mời xem video “Có bao giờ bạn tự hỏi nhà tù nào lớn nhất đời người?”:
Từ khóa mở rộng lãnh thổ thời chúa Nguyễn nhà Tây Sơn Thiên Địa hội