Chuyện xưa: “Người gỗ tim đá”, không bị ngoại vật làm động tâm
- An Hòa
- •
Thành ngữ “Mộc nhân thạch tâm” (người gỗ tim đá) được dùng để hình dung về một người có ý chí kiên định, không bị ngoại vật hấp dẫn mà động tâm. Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu chuyện về một người tài năng xảy ra vào thời Tây Tấn.
Theo “Tấn thư. Hạ Thống truyện” ghi lại, Hạ Thống là người Vĩnh Hưng, Hội Kê, mất cha từ nhỏ, gia cảnh bần cùng nhưng sống rất hòa mục với anh em và vô cùng hiếu thảo đối với mẹ. Từ nhỏ ông đã hiếu học và biết làm việc kiếm cái ăn để giúp đỡ mẹ. Người trong dòng họ thấy Hạ Thống đọc rất nhiều kinh sách lại có tài cán hơn người nên đã nhiều lần khuyên anh ta đi ra ngoài tìm kiếm một chức quan nhưng Hạ Thống một mực không thích điều đó.
Một lần mẹ của Hạ Thống bị ốm nặng nên anh ta phải đến thành Lạc Dương mua thuốc. Vừa hay, ngày Hạ Thống trở về lại đúng vào ngày mồng 3 tháng 3, là ngày tết Thượng tị. Vào ngày này, các vương tôn quý tộc, tài tử giai nhân của kinh đô Lạc Dương tụ tập ở hai bờ sông Lạc tổ chức yến tiệc vui xuân. Thái uý Giả Sung cũng đến.
Giả Sung đang vui hội, bỗng phát hiện một chiếc thuyền bên bờ sông, trên thuyền có một người thần thái rất trang trọng, ngồi ngay ngắn trên thuyền, không quan tâm gì đến cảnh náo nhiệt xung quanh. Giả Sung hiếu kỳ liền đích thân đến hỏi, mới biết đó là Hạ Thống.
Giả Sung hỏi về phong tục và lễ nghĩa của con người nơi quê nhà của Hạ Thống. Hạ Thống nghiêm nghị đáp rằng: “Nơi quê nhà tôi, mọi người theo khuôn phép cũ, còn có di phong của Đại Vũ, có lễ nghĩa lễ nhượng của Thái Bá, có chí khí cao thượng của Nghiêm Tuân, có đạo đức tốt đẹp của Hoàng Công”.
Giả Sung lại hỏi: “Nhà anh ở nơi miền sông nước, thế anh có biết chèo thuyền bơi sóng không?”
Hạ Thống bèn bơi thuyền trên sông qua lại ba lần. Bản lĩnh bơi thuyền lão luyện cao siêu khiến người hai bên bờ kinh ngạc, Giả Sung cũng rất kinh ngạc.
Giả Sung lại nói thêm: “Xưa kia, đế Nghiêu biết ca xướng, đế Thuấn cũng biết ca xướng, bậc hiền nhân đều có tình cảm bất tận với ca xướng. Anh có thể hát một bài dân ca của quê mình không?”
Hạ Thống liền dùng chân gõ thuyền và cất tiếng hát liền ba bài ca tụng Đại Vũ, hiếu nữ Tào Nga và nghĩa sĩ Ngũ Tử Tư. Tiếng ca của anh ta hùng hồn, khẳng khái khiến mọi người vô cùng cảm động và hết lời khen ngợi.
Giả Sung thấy Hạ Thống là một nhân tài hiếm có, lập tức muốn tiến cử anh ta ra làm quan. Thật không ngờ Hạ Thống không bằng lòng. Giả Sung đã điều đội nghi trượng đến ra oai, biểu thị sự vinh diệu trước mặt Hạ Thống hy vọng có thể hấp dẫn được Hạ Thống nhưng Hạ Thống vẫn ngồi ngay ngắn như cũ, làm như không nghe không nhìn thấy gì cả. Giả Sung lại cho gọi một đoàn mỹ nữ đến vừa hát vừa múa để hấp dẫn Hạ Thống nhưng Hạ Thống vẫn ngồi yên trên thuyền, nghiêm cẩn và lạnh lùng.
Nhóm người đi theo Giả Sung thấy hoàn toàn không đả động được đến tâm của Hạ Thống, đã nói rằng: “Thiên hạ lại có người kỳ quái như vậy! Thật đúng là người gỗ tim đá!”.
Các bậc tiên hiền thời cổ đại khi khởi xướng đức liêm đã đặc biệt nhấn mạnh “định lực” và tầm quan trọng của việc phòng ngừa sự biến đổi của tâm cảnh. Trong “Trinh Quán chính yếu” viết: “Những nhân tố gây tổn hại cho bản thân không phải là những thứ bên ngoài bản thân, mà phần lớn là những tai họa do các ham mê và dục vọng bất lương tạo thành”. Một người trong tâm có định lực sẽ có thể “tước đắc thái căn hương” (nghèo đến thế nào cũng an bần lạc đạo), vui vẻ chịu đựng được hết thảy. Chính vì có định lực ấy cho nên họ mới bảo trì được phong thái nhân sinh cao thượng, tìm được nơi nương tựa thanh tịnh cho tinh thần, càng dễ dàng trân quý nhân sinh và sự nghiệp mà mình có.
Hạ Thống đối mặt với vinh hoa phú quý mà vẫn giữ được tâm thái ngạo nghễ, giữ mình trong sạch, hàm dưỡng được tố chất hạo nhiên. Ông ở giữa chốn ồn áo huyên náo mà vẫn cự tuyệt được hấp dẫn, thể hiện ra định lực kiên cố vững chắc. Sách “Tấn Thư” có lời khen về cảnh giới “người gỗ tim đá” này như vậy: “Giữ gìn được nguyên tắc của thanh liêm chính trực, làm ra được những việc vượt quá thế tục, tuy rằng không đáp ứng lời kêu gọi ra làm quan của triều đình nhưng cũng đủ để răn người đời về lòng tham và sự tranh đấu”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng đạo đức danh lợi