Cổ nhân nhìn xa trông rộng, xem nhẹ lợi ích trước mắt
- An Hòa
- •
Một trong những đại trí tuệ của cổ nhân thể hiện ở tầm nhìn xa trông rộng, nghĩ đến hậu quả của mỗi hành vi và lời nói, xem nhẹ lợi ích trước mắt, tiết chế dục vọng, sống thuận theo thiên lý, làm việc thiện tích đức. Họ tin rằng sống trên thế gian cho dù phải chịu khổ, chịu thiệt nhất thời cũng không có gì đáng để buồn, bởi vì tương lai nhất định sẽ có phúc báo tương xứng.
Trong cuốn “Cựu ngũ đại sử. Tiễn Mâu truyện” ghi lại: Tiễn Mâu xây dựng một dinh thự rất sang trọng và xa hoa ở vùng Lâm An, quê hương của mình. Dinh thự này được giao cho cha của ông là Tiễn Khoan sinh sống. Tiễn Mâu thường xuyên trở về đó dạo chơi. Mỗi lần trở về, theo sau Tiễn Mâu là một đoàn tùy tùng cùng với rất nhiều người, tiền hô hậu ủng, vừa rầm rộ vừa khoa trương.
Cha của Tiễn Mâu mỗi lần nghe tin con trai sắp về thì đều lánh tạm đến chỗ khác vài ngày để không phải gặp mặt. Sau nhiều lần như vậy, Tiễn Mâu đã tìm kiếm cha về và hỏi rõ nguyên nhân vì sao.
Tiễn Khoan nói: “Nhà của chúng ta nhiều đời nay lấy cày ruộng bắt cá làm nghề sinh sống, chưa bao giờ đạt được phú quý hiển hách như bây giờ. Con hiện giờ trị cả 13 châu, trong ánh mắt của mọi người, không biết có bao nhiêu ánh mắt là đố kỵ và thù hận. Con tranh quyền đoạt lợi với người ta, chỉ e mối họa sớm sẽ ập đến nhà chúng ta thôi. Cho nên, cha không muốn gặp mặt con.”
Tiễn Mâu nghe xong những lời này, biết trong tâm cha luôn lo lắng về mình, nhìn xa trông rộng, thì thập phần chấn động. Ông lập tức nhận sai trước mặt cha, đồng thời thay đổi cách sống của bản thân mình.
Lại có một câu chuyện khác trong “Tống sử” như vậy. Tào Bân là tướng lĩnh nhà Tống, đối xử nhân từ và khiêm nhường với tất cả mọi người. Mặc dù là tướng lĩnh thường xuyên dẫn quân chinh chiến nhưng Tào Bân hạn chế giết chóc, không giết bừa một người nào, cũng không nhân cơ hội vơ vét cho bản thân. Ngay sau khi tấn công vào Toại Châu, Tào Bân cấm tất cả tướng lĩnh và quân lính không được cướp bóc, ức hiếp dân lành. Để tránh thuộc hạ hãm hiếp phụ nữ, ông đưa tất cả phụ nữ và trẻ em tập trung lại một nơi rồi bí mật phái người canh gác bảo vệ. Đợi đến lúc tình thế yên ổn trở lại, ông lại cho người tìm kiếm gia đình của những người này rồi trả về. Ông còn làm lễ nghi đầy đủ để gả chồng cho những cô gái không có người nhà đến nhận.
Trước khi Tào Bân dẫn quân thảo phạt Kim Lăng, ông đã dâng hương phát lời thề rằng: “Ngày phá thành, thề không giết một người nào!”
Tào Bân là ngốc nghếch hay là nhìn xa trông rộng đây? Bảy người con của Tào Bân là Tào Xán, Tào Hu, Tào Vĩ, Tào Huyền, Tào Kỷ, Tào Tuần, Tào Tông đều là những người danh tiếng hiển hách. Trong đó, Tào Vĩ, Tào Tông, Tào Xán đều lần lượt làm chủ tướng. Tào Hu cưới con gái của Tần vương Triệu Đình Mỹ là Hưng Bình quận chúa, được làm đến Chiêu tuyên sứ. Tào Huyền được làm đến Tả tàng khố phó sứ. Tào Kỷ được làm đến Thượng thư Ngu bộ Viên ngoại lang. Tào Tuần được làm đến Đông thượng các môn sứ.
Đời cháu của Tào Bân vẫn quan vinh và phồn thịnh vô cùng. Tào Xán có con trai là Tào Nghi, được làm đến Diệu Châu quan sát sứ. Tào Tông có con trai là Tào Toàn, được làm đến Gia Châu phòng ngự sứ. Tào Kỷ có con gái là Từ Thánh Quang Hiến hoàng hậu, nên được truy tặng làm Ngô vương, thụy là An Hi. Tào Kỷ còn có con trai là Tào Phó là anh của hoàng hậu, được làm đến Vinh Châu thứ sử, thụy là Cung Hoài.
Cùng thời Tào Bân, có một vị tướng khác cùng họ Tào là Tào Hàn, vì đánh thành Giang Châu đã lâu mà không được, nên khi phá được thành liền tức giận tàn sát dân chúng cả thành. Thời gian Tào Hàn làm quan ở địa phương đã sử dụng các biện pháp để bóc lột tàn nhẫn dân chúng, sưu cao thuế nặng, buông lỏng việc chính sự. Về sau, Tào Hàn bị phát hiện tự bán vũ khí, làm nhiều việc trái pháp luật nên bị cách chức. Sau khi Tào Hàn mất, trong các con cháu của ông có những người phải đi ăn xin kiếm sống, lang bạt khắp nơi.
Ngày nay, người ta thường cho rằng người thông minh là người không để bản thân và gia đình chịu thiệt thòi, biết giành cái lợi trước mắt về mình. Kỳ thực, theo cách nhìn nhận của cổ nhân thì đó là cái nhìn rất nông cạn, chỉ coi trọng lợi ích và thỏa mãn dục vọng nhất thời mà không biết nghĩ đến kết quả tương lai về sau.
Người xưa cho rằng người có đạo đức coi trọng tiền tài của cải nhưng nhận phải phù hợp với đạo, không có công thì không nhận. Con người ngày nay cho rằng tiền tài là một phần quan trọng của sinh mệnh, vì tiền tài quyền thế mà dám làm chuyện xấu, ngay cả chuyện buôn thần bán thánh họ cũng dám làm. Kỳ thực, những cách làm như vậy cuối cùng đều là hại chính mình, cái được không bù nổi cho cái mất.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dục vọng Nhân quả trí tuệ cổ nhân