Cổ nhân và chữ Lễ
- Thiên Cầm
- •
Nền văn hoá Á Đông có truyền thống hiếu Lễ, học Lễ, tuân thủ Lễ, trọng Lễ. Trong xã hội cổ đại lễ nghi quy phạm đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng cho sự văn minh, thể hiện sự ưu tú trong văn hóa. Lễ nghi không ngừng được sửa đổi, hoàn thiện, kế thừa và hồng dương suốt chiều dài lịch sử.
Ba bộ trước tác kinh điển miêu tả về Lễ là “Chu Lễ”, “Lễ Nghi”, “Lễ Ký” đã có được vị thế vững chắc trong văn hoá Á Đông. Lễ bao hàm sự kính sợ sâu sắc của nhân loại trước trời đất, vũ trụ. Lễ giúp con người tìm kiếm đức hạnh, truy cầu sự hài hoà, kỳ vọng và khoan dung với bản thân, kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp, coi trọng và bồi đắp tình cảm, thẩm mỹ và điều tiết trật tự của xã hội.
Trong “Tả Truyện Chiêu Công nhị thập ngũ niên” có viết: “Lễ, thượng hạ chi kỉ, thiên địa chi kinh vĩ dã, dân chi sở dĩ sinh dã, thị dĩ sinh vương thượng chi”, nghĩa là: “Lễ chế là chuẩn tắc trên từ vua dưới cho đến thứ dân đều phải tuân theo, là đạo lý không cần phải luận bàn giữa trời đất. Chúng sinh phải dựa vào nó mà sinh tồn, không có Lễ chế thiên hạ sẽ đại loạn. Do đó tiên vương đặc biệt tôn sùng Lễ.”
Lễ chính là biểu hiện phép tắc của trời đất tại xã hội con người, cho nên mới nói rằng: “Lễ dĩ thuận thiên, thiên chi đạo dã”, Lễ là thuận theo trời, theo đạo trời (Tả truyện – Văn Công thập ngũ niên). Lễ đã trở thành mốc giới để phân định sự mông muội và văn minh. Lễ quy phạm nghiêm khắc về trật tự xã hội và mối quan hệ tôn ti trên dưới. Lễ là phép tắc của quốc gia.
Lễ cũng là chuẩn tắc trong cuộc sống đời thường. Nó căn cứ theo yêu cầu Nhân, Nghĩa, Văn, Hành, Trung, Tín. Lễ không chỉ phân biệt giữa con người và động vật, mà còn được nâng cao thành trạng thái chung sống giữa người với người.
Người xưa cũng tổng kết được những điều rất đáng suy ngẫm về Lễ:
- “Lễ thượng vãng lai, vãng nhi bất lai, phi lễ dã. Lai nhi bất vãng, diệc phi Lễ dã”.
Diễn nghĩa: Chịu nhận ân huệ của người khác, cũng phải báo đáp ân huệ của họ. Nếu nhận ân huệ mà chẳng báo đáp thì không hợp với Lễ. Nếu nhận sự báo đáp của người khác mà không ban ân huệ cho người thì cũng không hợp với Lễ.
Mối quan hệ giữa người với người, nhờ tác dụng của Lễ mà có thể chung sống hài hoà. Nếu không có Lễ, sẽ sản sinh những nguy cơ tiềm ẩn. Giữa người với người đều cần đối đãi với nhau bằng Lễ. Lễ giúp con người biết kính yêu người khác, coi trọng Lễ tâm mới an mà thân cũng an, nếu không ắt sẽ gặp điều nguy hiểm. Cho nên mới nói rằng học vấn về lễ không thể không học.
- “Nhân hữu Lễ, tắc thiên an, vô lễ tắc nguy, cố vấn: Lễ giả bất khả bất học dã.”
Diễn nghĩa: Nhân loại coi trọng lễ nghi thì thân tâm có thể an định. Không có Lễ ước thúc, xã hội sẽ hỗn loạn. Do vậy mới nói: “Lễ, không thể không học”.
- “Phu lễ giả, tự ti nhi tôn nhân. Tuy phụ phiến giả, tất hữu tôn dã.”
Diễn nghĩa: Người hiểu lễ nghi mới có thể khiêm nhường và tôn trọng người khác. Dẫu là người gánh gồng buôn bán, cũng nhất định có chỗ đáng tôn kính.
- “Phú quý nhi tri hiếu lễ, tắc bất kiêu bất dâm. Bần tiện nhi tri hiếu lễ, tắc chí bất nhiếp.”
Diễn nghĩa: Người phú quý vui vẻ học Lễ, giữ Lễ, sẽ không ngạo mạn, phóng túng. Người bần tiện vui vẻ học Lễ, giữ Lễ thì dẫu trong bất kỳ trường hợp nào tâm trí bản thân cũng không bị mê hoặc, không sợ hãi, khiếp nhược.
- “Bác văn cường thức nhi nhượng, đôn thiện hành nhi bất đãi, vị chi quân tử.”
Diễn nghĩa: Những người học nhiều hiểu rộng mà có thể giữ lễ khiêm nhường, tu thân hành thiện không trễ nải, thì có thể gọi đó là bậc quân tử.
- “Ngạo bất khả trường, dục bất khả tòng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực.”
Diễn nghĩa: Kiêu ngạo chẳng thể dài lâu, dục vọng chẳng thể phóng túng, chí hướng không thể tự mãn, cao hứng không thể quá đà.
- “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân tử tất thành kỳ ý.”
Diễn nghĩa: Tài phú có thể trang trí phòng ốc, đạo đức có thể tu dưỡng nhân phẩm. Tấm lòng rộng rãi, thân thể thư thái tự nhiên sẽ bình yên, an hoà. Cho nên người quân tử nhất định phải khiến ý niệm của mình trở nên chân thành.
Văn hoá lễ nghi cổ đại đã tạo nên rất nhiều hiền nhân chí sỹ, triển hiện sự huy hoàng của văn hoá Á Đông.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lễ nghi chữ Lễ Nho giáo