Cuộc đời Tần Lệ Vương Phù Sinh là một câu chuyện hết sức đặc biệt về một bạo chúa. Người ta có cảm giác rằng cuộc đời của bạo chúa này không chỉ là vô cùng tàn nhẫn, mà còn hết lần này đến lần khác ứng nghiệm vào các lời tiên tri, đồng dao, chiêm tinh hay báo mộng. Tất cả những chi tiết dưới đây đều được ghi chép trong cuốn chính sử “Tư Trị Thông Giám” do thừa tướng nổi tiếng thời Tống là Tư Mã Quang biên soạn.

Cuộc đời bạo chúa và sáu lần tiên tri ứng nghiệm
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Thời Ngũ Hồ thập lục quốc, ở Trung Nguyên chiến sự liên miên, triều Tiền Tần từng xuất ra một bạo chúa tên là Phù Sinh. Phù Sinh từ nhỏ đã mất một con mắt, bản tính hung tợn. Có lần ông nội trêu đùa rằng: “Người chột chỉ có một dòng lệ, đúng chăng?”, Phù Sinh tức giận đã lấy đao đâm mặt chảy máu, nói rằng: “Đây cũng là một dòng lệ vậy”. Người vì một câu nói đùa mà tự tàn phá thân mình, tất sẽ không thể có lòng nhân với người khác. Phù Sinh bạo ngược như vậy đấy.

Phù Sinh lớn lên, sức lực khác người, có thể tay không đấu mãnh thú, đuổi kịp ngựa đang chạy, võ nghệ kỳ tuyệt. Đến khi xét nối ngôi, vì Thái tử chết trận, ở nước Tần lại có lời sấm rằng: “Tam dương ngũ nhãn” (tức là ba con dê mà chỉ có năm con mắt), vậy nên Tần Minh Đế Phù Kiện lập Phù Sinh. Đây là lần thứ nhất cuộc đời Phù Sinh ứng nghiệm với một lời tiên tri.

Không lâu sau khi Phù Sinh lên ngôi, các quan chiêm tinh tấu lên: “Sao chổi ở chỗ sao Đại Giác, Huỳnh Hoặc phạm sao Tỉnh(*). Chẳng quá ba năm, quốc gia có đại tang, đại thần sẽ bị giết. Mong bệ hạ tu đức.”

(*) Trong chiêm tinh học phương Đông, mỗi quốc gia ứng với một phần nhất định trên bầu trời, Tiền Tần bấy giờ ứng với vùng sao Tỉnh. Xem thêm khái niệm này trong bài: Nội hàm sâu sắc của “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Chuyện đại tang và đại thần bị giết đều là chuyện quốc gia đại sự, nhưng Phù Sinh không lấy gì làm hoảng hốt, quyết định không cần tu đức hay chờ đợi gì. Ông ta ra lệnh giết luôn Hoàng hậu để ứng với đại tang, giết luôn ba đại thần nhận di chiếu phụ chính để ứng với đại thần bị giết. Đây là lần thứ hai cuộc đời Phù Sinh ứng với một lời chiêm tinh.

Trong quá trình Phù Sinh cai trị, việc sát hại quan lại, người trong hoàng tộc hay dân thường có thể nói là chuyện cơm bữa. Ông ta vô cùng tùy tiện trong việc này. Ví như Phù Sinh ăn nhiều táo thấy khó chịu, Thái y chẩn bệnh, nói đúng điểm ấy liền bị đem đi chém đầu. Bấy giờ ở Tiền Tần, từ ngoại thành xa xôi cho đến kinh thành, hổ sói hoành hành, chuyên ăn thịt người, không ăn gia súc, hơn 700 người dân bị thiệt mạng. Phù Sinh cho rằng không cần phải ngó đến, “Dã thú đói thì ăn thịt người, no rồi sẽ tự dừng”.

Sau các quan lại tấu lên: “Sao Thái Bạch phạm sao Tỉnh, tất có việc bạo động ở kinh sư.” Phù Sinh không quan tâm, cho rằng sao Thái Bạch “khát nước” (Tỉnh là “cái giếng”). Kỳ thực đây là lời tiên tri thứ ba ứng nghiệm với chuyện binh biến lúc Phù Sinh bị diệt sau này.

Phù Sinh lại mộng thấy một con cá lớn ăn cỏ bồ (“Bồ” là họ của hoàng tộc Tiền Tần). Trong kinh thành còn có lời đồng dao: “Đông Hải đại ngư hóa vi long, nam giai vi vương nữ vi công”. Phù Sinh bèn cho giết đại thần họ Ngư cùng cả nhà ông ta, nghĩ rằng họ “Ngư” là cá, sẽ ứng với lời đồng dao và giấc mộng. Kỳ thực đây là lời tiên đoán thứ tư và báo mộng thứ năm ứng với chuyện Phù Sinh bị Đông Hải Vương Phù Kiên soán vị.

Đến tháng sáu năm đó, Thái sử lệnh lại nói với Phù Sinh: “Ba mặt trăng cùng xuất hiện, sao chổi phạm sao Thái Vi, hợp với sao Tỉnh, trời u ám không mưa, có việc người dưới mưu hại.” Phù Sinh cho là lời yêu tà, đánh đập Thái sử lệnh, giết đi. Đây lại là lời tiên đoán thứ sáu ứng với chuyện Phù Sinh sắp bị diệt.

Trong thời kỳ Phù Sinh tại vị, cựu thần và hoàng tộc có công đều bị giết gần hết, quần thần được bảo toàn mạng sống một ngày, “như qua được chục năm”. Cuối cùng, Đông Hải Vương Phù Kiên và các quan cùng xuất lĩnh quân đến, nhân lúc Phù Sinh say rượu bắt đi, sau đó thì giết, đặt thụy là Lệ vương.

Phù Kiên sau khi lên ngôi chính là Tần Chiêu Đế, người đưa nước Tiền Tần đạt đến cực đỉnh của sự hùng mạnh tại Trung Nguyên, suýt chút nữa đã thống nhất Trung Hoa, có thể nói là ứng với câu đồng dao “Đông Hải đại ngư hóa vi long, nam giai vi vương nữ vi công” khi trước. Nhưng cuối cùng trong trận Phì Thủy nổi tiếng, quân Đông Tấn lấy 8 vạn quân mà đánh bại 90 vạn đại quân Tiền Tần, khiến cho giấc mộng của Phù Kiên tàn lụi.

Qua những sự kiện được ghi lại trong chính sử, có thể thấy rằng cuộc đời Tần Lệ Vương Phù Sinh không đâu không ứng với thiên tượng, chiêm tinh, báo mộng, đồng dao và lời sấm. Sự nghiệp của Tần Chiêu Đế Phù Kiên lại cũng ứng với lời đồng dao trong kinh thành. Quả thật là kỳ lạ, hơn nữa lại xuất hiện trong một cuốn chính sử nổi tiếng.

Cổ nhân giảng rằng vận mệnh của con người là đã được an bài, bậc đế vương lại càng như thế. Những ví dụ tương tự trong lịch sử có rất nhiều, ví như chuyện Lưu Bá Ôn tiên tri cho Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương về vận mệnh triều Minh (Xem trong bài: Ba bức tranh tiên tri Lưu Bá Ôn để lại cho Hoàng đế Minh mạt Sùng Trinh) hay Lý Thuần Phong tiên tri cho Đường Thái Tông Lý Thế Dân về vận mệnh triều Đường (Xem trong bài: Dẫu tranh thế nào cũng chẳng thể tranh với đạo Trời).

Ninh Sơn biên tập

Tài liệu tham khảo: “Tư Trị Thông Giám” tập 6, NXB Văn học.

Xem thêm:

Mời nghe radio: