Cuốn sách có số phận rất kì lạ
- Nguyễn Quốc Vương
- •
“Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm” là cuốn sách có số phận rất kì lạ.
Khi còn làm ở công ty Quảng Văn tôi có viết cuốn này. Quảng Văn nhận in. Biên tập viên và tôi tranh luận mãi về cái tên vì cái tên tôi đặt có hai cụm từ làm cho người đọc… ngán! Một là “đọc sách” hai là “gian nan vạn dặm”.
Tôi hiểu lý do tại sao.
Trước đây Quảng Văn có in một cuốn sách văn học khá hay của một chị thạc sĩ người Úc là “Gái tây ế ở Hà Nội”. Cái tên khiếp quá! Nói đến “Gái Tây” thì nó phải có cái gì đó lạ, khác thì nó mới hấp dẫn chứ! Có chữ “ế” vào làm giảm hẳn sức hấp dẫn của cuốn sách.
Thấy sách bày trên bàn tôi, tôi đọc và thấy sách khá hay. Ăn đứt nhiều sách thời thượng khác. Tác giả cũng xinh gái chứ không kém sắc. Lẽ ra cuốn sách sẽ không bị hẩm hiu vì không được nhiều người mua nếu cái tên của nó kiểu “Gái Tây Hà Nội yêu trai Việt và cái kết”, “Chuyện tình gái Tây với trai ta ở Hà Nội”, “Hà Nội – gái tây – trai việt”… Kiểu thế!
Trở lại cuốn sách của tôi. Tranh luận mãi cuối cùng biên tập viên chấp nhận cái tên tôi đưa ra. Sách sau hai năm cũng bán hết 2000 bản. Tuy nhiên, Quảng Văn không có ý định tái bản. Vậy là tôi đem về NXB Phụ nữ. Chị Hoa Phượng đồng ý in. Nhưng cũng có chị em lo ngại sách đã in một lần thì liệu in mới có bán được không.
Làm sách chán nhất là in ra không bán được các bác ạ. NXB, biên tập viên, bộ phận phát hành và tác giả đều… ngán ngẩm và buồn.
Nhưng rồi sách vẫn in với phiên bản bìa mới do họa sĩ 9X Trần Quốc Anh vẽ. Và rồi sách được in lần thứ hai sau chưa đầy năm.
Cũng lạ một điều là ngày càng có nhiều bạn trẻ dưới 30 đọc sách này trong khi ban đầu tôi lại cứ nghĩ chắc sách này chỉ dành cho các cụ trung niên trở lên.
Thế mới lạ.
Hôm qua em Lê Nghĩa có chát với tôi và nói rằng cuốn này rất hữu ích cho thanh niên. Nghe mà… sướng.
Hi vọng sách sẽ được nhiều người đọc hơn nữa.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương