Đại khủng hoảng phân ngựa năm 1894
- Lê Quang
- •
Đến cuối những năm 1800, các thành phố lớn trên toàn thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ: “chết chìm” trong phân ngựa. Vấn đề xảy ra vì các đô thị bị lệ thuộc hoàn toàn vào hàng ngàn con ngựa giúp vận chuyển người và hàng hóa.
Năm 1900, có hơn 11.000 xe ngựa hai bánh trên đường phố London. Ngoài ra còn có vài nghìn xe buýt ngựa kéo, mỗi chiếc cần 12 con ngựa mỗi ngày, tạo ra tổng cộng tới hơn 50.000 con ngựa vận chuyển người dân quanh thành phố mỗi ngày. Thêm vào đó là rất nhiều xe ngựa thồ hàng hóa xung quanh những đô thị lớn nhất thế giới.
Số lượng lớn ngựa này tạo ra vấn đề lớn. Mối quan tâm chính là lượng lớn phân bị bỏ lại trên đường phố. Trung bình một con ngựa thời đó sẽ thải ra từ 6 đến 15 kg phân và 0,95 lít nước tiểu mỗi ngày, chúng ta có thể tưởng tượng được quy mô kinh khủng của vấn đề. Phân trên đường phố London đã thu hút số lượng lớn ruồi muỗi đến tạo ra sự lan truyền bệnh thương hàn và các loại bệnh khác.
Và để làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, tuổi thọ trung bình cho một con ngựa làm việc chỉ khoảng 3 năm. Do đó, xác ngựa cũng phải được đưa ra khỏi đường phố. Nhưng các xác này thường bị bỏ lại cho thối rữa để dễ cưa nhỏ rồi mới chuyển đi.
Đường phố London đã bắt đầu trở nên độc hại đối với người dân.
Nhưng đây không chỉ là cuộc khủng hoảng của nước Anh, New York của Mỹ cũng có 100.000 con ngựa và chúng sản xuất khoảng 11 triệu kg phân mỗi ngày.
Ở thời điểm đó không có cách nào để giải quyết vấn đề. Vì người ta chỉ có thể dùng chính xe ngựa để vận chuyển phân và xác chết ra khỏi thành phố, mà sức vận chuyển của số xe ngựa này không bù kịp cho lượng phân và xác chết sinh ra bởi số xe ngựa có sẵn cộng thêm chính số xe ngựa dùng để giải quyết vấn đề.
Khi mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào năm 1894, báo The Times đã dự đoán: “Trong 50 năm, mọi con đường ở London sẽ bị chôn vùi dưới 2,7 mét phân.”
Điều này đã được biết đến như là “Cuộc đại khủng hoảng phân ngựa năm 1894”.
Tình hình khủng khiếp đã được tranh luận vào năm 1898 tại hội nghị quy hoạch đô thị quốc tế đầu tiên trên thế giới tại New York, nhưng không có giải pháp nào có thể được tìm thấy. Dường như nền văn minh đô thị sẽ bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, có vẻ sự cấp thiết chính là mẹ đẻ của sáng chế, và sáng chế trong trường hợp này là vận chuyển cơ giới. Henry Ford đã đưa ra một quy trình chế tạo xe ô tô với giá cả phải chăng. Xe điện và xe buýt xuất hiện trên đường phố, thay thế cho xe ngựa kéo.
Đến năm 1912, vấn đề dường như không thể vượt qua này đã được giải quyết; tại các thành phố trên toàn cầu, ngựa đã được thay thế và bây giờ phương tiện cơ giới là nguồn vận chuyển và chuyên chở chính.
Đến ngày nay, người ta vẫn trích dẫn “cuộc đại khủng hoảng phân ngựa năm 1894” với hàm ý vấn đề gì đó không có giải pháp bởi vì đã bị chọn sai cách tiếp cận, hoặc kêu gọi mọi người đừng tuyệt vọng, kỳ tích rồi sẽ xuất hiện thôi – như sách xưa đã dạy “cùng tắc biến, biến tắc thông”.
Lê Quang
Xem thêm cùng tác giả:
- Ngũ hành và các triều đại trong lịch sử Việt Nam
- Sử thi và diễn ca thể hiện tín ngưỡng cổ xưa của con người
- Thương thánh Bạch Khuê và Đạo của người kinh doanh
- Trí huệ trong tranh của một bậc thầy hội họa Baroque
Mời xem video:
Từ khóa xe ô tô khủng hoảng Lê Quang Henry Ford khủng hoảng phân ngựa