Đan Phượng: Vùng đất Kinh đô nước Vạn Xuân xưa
- Trần Hưng
- •
Đan Phượng nghĩa là chim phượng hoàng đỏ. Huyện Đan Phượng nằm ở cửa ngõ Kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu lại rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, cũng là nơi có nhiều vị tiên hiền đỗ đại khoa.
Theo các sách địa chí cổ thì huyện Đan Phượng có từ thời nhà Trần, đến thời thuộc Minh thì đổi tên là Đan Sơn thuộc châu Từ Liêm, đến thời nhà Lê thì lấy lại tên cũ là huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai. Ngày nay huyện Đan Phượng thuộc thành phố Hà Nội.
Bộ sách “Đồng Khánh địa dư chí” biên soạn vào thời nhà Nguyễn đã nhận xét và xếp huyện Đan Phượng vào hạng ưu, bởi đây là nơi lưu lại nhiều dấu tích văn hóa và nhiều người đỗ đạt.
Đan Phượng còn là chiếc nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hát ca trù ở Thượng Mỗ, vật ở Hồng Hà, thi thổi cơm hội Dày, hát chèo tàu ở hội Gối, hát chèo bè trên sông của dân chài Vạn Vĩ, hội thả diều Bá Giang, bơi chải ở Đồng Tháp, rước cây bông ở Trung Hà…
Nơi xuất sinh nhiều nhân tài đỗ đạt
Đan Phượng là vùng đất ghi dấu ấn văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc với 136 di tích, trong đó có 36 di tích cấp quốc gia. Nơi đây cũng có nhiều người đỗ đạt, trong đó có 15 người đỗ tiến sĩ được vinh danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhưng văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám chỉ ghi danh những người đỗ đại khoa từ thời nhà Lê khoa thi năm 1442. Nếu tính cả thời nhà Trần trước đó thì Đan Phượng có đến 31 vị đỗ đại khoa: Trong đó có một người đỗ Thám hoa là Vương Hữu Phùng, 8 người đỗ Hoàng giáp, 22 người đỗ tiến sĩ.
Hấu hết những người đỗ đại khoa đều làm quan lớn giữ các trọng trách trong Triều. Có 5 người đảm nhận trọng trách đi sứ là Nguyễn Hữu Phu, Hoàng Nhân Bản, Lương Khản, Nguyễn Doãn Nguyên và Nguyễn Viết Thứ. Trong đó Nguyễn Viết Thứ được Phan Huy Chú nhận xét trong “Lịch triều hiến chương loại chí” là: “Khi ông cầm quyền chính giữ đúng pháp luật, không có vị tư. Lại hay tiến cử người giỏi, là danh thần đời bấy giờ”.
Các dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất là họ Nguyễn có 22 người (đây cũng là họ có số lượng người đông nhất), họ Trần có 6 người, họ Tạ có 3 người. Đặc biệt họ Tạ có 3 thế hệ liền thi đỗ đại khoa là Tạ Đăng Đạo, Tạ Đăng Huân, Tạ Đăng Vọng.
Ở Đan Phượng ngoài 31 vị đỗ đại khoa còn có 188 người đỗ trung khoa và tiểu khoa. Những xã có nhiều người đỗ đạt nhất là xã Sơn Đồng 56 người (6 đại khoa, 25 trung khoa, 25 tiểu khoa); xã Dương Liễu 37 người (3 đại khoa, 26 trung khoa, 8 tiểu khoa); xã Di Ái 20 người (3 đại khoa, 6 trung khoa, 11 tiểu khoa). Những người đỗ trung khoa trở thành thầy giáo làng, quan địa phương, đây là bộ phận những quan lại gần dân nhất.
Kinh đô của đất nước Vạn Xuân
Nói đến Đan Phượng không thể thiếu xã Hạ Mỗ, tuy không có nhiều người đỗ đạt như các xã khác nhưng là nơi xuất thân của những người xuất chúng là Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành và quan nghè Đỗ Chí Trung. Ngoài ra đây cũng là xã lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa.
Năn 542, Lý Bí đưa quân đánh bại quân Lương, thu phục lại toàn bộ Giao Châu. Sau đó lại đưa quân đón đánh viện binh quân Lương ở phía bắc, lại đánh tan quân Lâm Ấp ở phương nam.
Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi Vua hiệu là Lý Nam đế, lập nên nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Ô Diên phía cửa sông Tô Lịch, ngay chính ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Thành Ô Diên chứng kiến giai đoạn lịch sử cùng những câu chuyện cảm động về những con người quả cảm, mong muốn xây dựng một đất nước mãi mãi là mùa xuân. Ngày nay thành Ô Diên còn dấu tích ở xóm Già Mét, phía ngoài đê Hạ Mỗ.
Xã Hạ Mỗ còn có Văn Hiến Đường là ngôi đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành và quan nghè Đỗ Chí Trung cùng các vị hậu hiền ở Hạ Mỗ. Nơi đây có nhiều tấm bia ghi chép lại văn hóa lịch sử cùng sự nghiệp của các vị tiên hiền để hậu thế lấy làm tấm gương.
Nhiều văn bia ghi lại văn hóa lịch sử
Trong Văn Hiến Đường nơi đây có văn bia ghi:
“Ngọn núi ở phía Đông miền Ô Diên, phía Nam là Hàm Rồng, góc Tây Bắc là làng, đấy là núi kim. Ngôi đền ở trên đỉnh núi, phía Tây Tây Bắc có rồng thiêng tỏa khí, phía Đông Đông Nam có dòng nước chầu về. Đó chính là đền Văn Hiến vậy”.
Mùa xuân năm 1908 các Nho sĩ trong làng đã quy hoạch sửa sang lại Văn Hiến Đường như ngày nay, bia đá cũng được dựng ghi lại rằng:
“Từ đời Thành Thái trở về trước, nhà Văn Hiến Đường này chưa có, bia kỷ niệm còn đặt ở bờ ruộng khoa trường. Ngoài nhà để bia ra, bốn bề gió lộng. Kìa những bậc lừng danh, những người nối sự nghiệp, trải các triều đại, đều dựng miếu phụng thờ, gấm hoa phong sắc. Ở Văn chỉ hàng huyện, xuân thu nhị kỳ, vẫn hương khói, thờ cúng. Vậy mà nơi làng xưa quê cũ, chỉ còn một tấm bia tàn ở chốn đồng hoa nội vắng. Hàng năm, vào rằm tháng ba, ngoài ngày hội tư văn cúng lễ, thì chỉ kẻ chăn trâu cắt cỏ lại qua, những người có tâm huyết, ít ai coi bia đó như bia ở núi Nghiễn… Rõ ràng có ý phải xây dựng đền Văn Hiến. Dĩ nhiên là phải chọn đất, chọn gỗ tốt, hướng sáng sủa, nơi không lụt lội và thế đất bằng phẳng để làm ngôi đền này”
Đan Phượng còn có tấm bia đá “Tiên hiền vị” nghĩa là ngôi vị hiền tài các đời, khắc tên 24 vị nho sinh và sinh đồ đã thi đỗ các khoa nối tiếp nhau, làng rạng rỡ cho làng quê.
Văn bia có đoạn ghi rằng:
“Chủ ý lập bia, khắc tên các vị khoa mục để biểu thị lòng sùng kính, mong cho đạo thánh hiền ngày càng thịnh vượng, đường học vấn ngày càng rạng rỡ, để bồi đắp mạch đạo, chấn hưng văn phong. Xem như kẻ sĩ ở làng ta nối tiếp khoa danh, tiếng tăm lừng lẫy muốn được sánh cùng trời đất, núi sông bền vững. Người nào thi đậu các khoa cũng sẽ được khắc bia để truyền lại lâu dài”.
Ngoài ra còn có bia “Tiền hiền bi ký” lập vào năm 1818 do sinh đồ Đinh Tử Ân biên biên soạn, ghi lại sự nghiệp của các bậc hiền tài, đặc biệt là Thái sư nội chính Tô Hiến Thành đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ); Đỗ Chí Trung đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, giữ chức Nhập nội thị, Tả thị lang, tước phong Kim tử vinh lộc thượng đại phu.
Một văn bia khác có ghi lại rằng:
“Bia làng ta dựng lên bởi khí tốt của dòng sông Nhuệ, dồn tinh hoa lại. Đất thiêng, người giỏi đạt đỉnh cao trong nước. Có bậc làm nên đại sự nghiệp, có bậc chiếm được đại danh khoa. Còn như các học vị tam, tứ trường thì đầy rẫy, hơn hẳn các làng, xã bốn phía xung quanh…”.
Văn Hiến Đường của xã Hạ Mỗ cũng bảo lưu trọn vẹn các bản khắc gỗ in bộ thơ văn cổ kim truyền lục. Có trên 500 bài chia làm 4 tập “Nguyên – Hanh – Lợi – Trinh” do các nho sỹ trong làng sáng tác và được xuất bản vào đầu thế kỷ 20.
Nơi đây còn lưu giữ một lượng lớn thần phả, câu đối hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ và thơ văn… hình thành nên nét đẹp truyền thống, cho thấy bóng dáng của thành Ô Diên đất nước Vạn Xuân xưa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làng khoa bảng