Lịch sử khoa bảng ở nước ta qua các triều đại (P1)
- Trần Hưng
- •
Các cuộc thi khoa bảng trước đây không chỉ giúp Triều đình tìm được bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, mà còn giúp khuyến học, trọng kẻ sĩ hay chữ, giúp đạo đức tinh thần xã hội giữ được chuẩn mực mà không bị xuống dốc. Qua các triều đại quân chủ, truyền thống này vẫn được gìn giữ.
Việc học trước thời Lý
Trước thời Lý chưa có việc khoa bảng, tuy nhiên đã có việc học. Thời thuộc Hán, khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu đã xây dựng Giao Châu tách khỏi ảnh hưởng của nhà Hán. Ông trị quốc kính trên nhường dưới nên rất được lòng dân, khiến vùng đất Giao Châu yên bình và trở thành nơi lánh nạn của các danh sĩ nhà Hán vốn đang trong thời kỳ Tam Quốc khói lửa binh đao. Dù ông không xưng Vương, nhưng dân chúng đều tôn kính gọi ông là Vương, các nhà sử học sau này cũng gọi ông là Vương.
Sĩ Nhiếp tận tình dạy chữ Hán và “thi thư” cho dân chúng. Các bậc sĩ phu người Hán đến Giao Châu lánh nạn cũng dạy chữ và truyền văn hóa cho người Việt.
Chính vì Sĩ Nhiếp có công truyền dạy chữ nghĩa và văn hóa mà các đời Vua sau này sắc phong cho ông là “Nam Giao Học Tổ”; đến thời nhà Trần lại sắc phong cho ông là “Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương ”; ngoài ra còn có nhiều sắc phong khác của các đời Vua khác nhau.
Đến thời nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê, đất nước giành được độc lập, thoát khỏi thời kỳ bắc thuộc. Nhưng vào những triều đại này, Triều đình chỉ lo chỉnh đốn quân đội nhằm ổn định triều chính mà không phát triển giáo dục. Sách vở thời kỳ này được lưu truyền là các sách về Phật giáo, các sách về y lý trị bệnh.
Từ thời nhà Đinh, Phật giáo được xem trọng và phát triển như một quốc giáo. Những người giỏi chữ nghĩa đều là những người có tín ngưỡng vào Phật hoặc Đạo.
Nhà Lý
Đến thời nhà Lý, vua Lý Thái Tổ dời đô về Kinh thành Thăng Long, mở ra thời kỳ lâu dài của các Triều đại, văn hóa cũng phát triển rực rỡ. Các đời vua Lý khai quốc đều là những người tu luyện theo Phật Pháp, dùng từ bi trị quốc khiến đất nước ngày càng hùng mạnh, văn minh rực rỡ.
Vua Lý Thánh Tông cho đổi tên nước từ Đại Cồ Việt sang Đại Việt, rồi chú ý phát triển giáo dục. Vua rất tôn trọng Nho học, cho xây dựng Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, cùng thất thập nhị hiền.
Năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông, khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài cho đất nước ra đời, từ đây cũng chính thức bắt đầu lịch sử khoa bảng của đất nước. Vua cho tổ chức thi Nho học tam trường, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. Tuy thời ấy chưa có tên gọi Trạng Nguyên, nhưng sau này người ta xem Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên. Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh được cử đi sứ sang Tống đã đòi lại được 6 châu và 3 động cho Đại Việt, khi về được phong làm Thái sư. Từ đó nhà Lý duy trì các kỳ thi nhằm tìm được người tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, năm 1152 nhà Lý tổ chức thi Đình, năm 1165 thi Thái học sinh. Năm 1185 có quy định học trò từ 15 tuổi trở lên thông Kinh thi, Kinh thư được vào hầu Ngự diên.
Nhà Trần và nhà Hồ
Đến thời nhà Trần, việc thi cử chọn người tài vẫn được chú trọng. Triều đình ra lệ 7 năm tổ chức một khoa thi, người đỗ được phân loại nhất giáp, nhị giáp và tam giáp. “Nho học lại càng thịnh hơn trước, vua Trần Thái Tôn mở khoa thi Thái học sinh, khoa Tam khôi và lập nhà Quốc học để giảng tứ thư, ngữ kinh” (Theo “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh).
Đến năm 1244 thì những người đỗ đầu nhất giáp được chia làm 3 bậc là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.
Năm 1396 có quy định trong một khoa thi, cứ năm trước thi Hương thì năm sau th Hội, ai đỗ thi Hội thì vào thi Đình, bài thi Văn sách do đích thân Vua ra đề.
Trường học của Triều đình đặt ở Kinh đô, còn trong dân gian thì có thầy giáo làng tự lập trường dạy học. Năm 1398, Hồ Quý Ly bấy giờ là Tể tướng nhà Trần đã đặt các Giáo thụ ở châu, phủ để giảng dạy cho dân chúng.
Đến thời nhà Hồ, theo lệ cứ 3 năm tổ chức một khoa thi, ai đỗ thi Hương được miễn lao dịch. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” thì nhà Hồ không theo lệ thi “tứ trường” như trước. Khi vào thi Hội, sĩ tử đỗ tam trường thì vào thi trường tứ được gọi là kỳ thi văn sách, vượt qua tứ trường thì vào trường ngũ gọi là kỳ thi viết.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng Giáo dục Trạng nguyên