Sông rạch là đường giao thông chánh yếu về quân sự và thương mại. Từ Sài Gòn đến các vùng xa xôi, đã bố trí những cứ điểm để lúc bị tấn công thì dùng đường thủy tiếp viện. Vùng Bến Tre đặt hạt tham biện Mỏ Cày, sau mới dời về chợ Bến Tre. Trường hợp Cần Thơ, hạt tham biện có lúc đặt ở Trà Ôn, bên kia sông. Ở Trà Vinh, lại bày hạt tham biện Bắc Trang nhằm chống nghĩa quân ở ven biển. Vùng Sa Đéc, hạt tham biện ở vàm Cần Lố, kiểm soát cửa ngõ miền Đồng Tháp Mười.

Giặc cho bắt xâu, như vào thời Tự Đức, với lý do “duy trì tập quán cũ” của xứ bị trị. Mỗi tháng, mỗi dân đinh làm bốn ngày xâu, tức là mỗi năm 48 ngày. Cuối năm 1864, ở ba tỉnh miền Đông, con số dân đinh đã kiểm tra là 35.992, tính ra hơn 1.700.000 ngày: trị giá mỗi ngày nửa quan, làm xâu đem lợi ích như thâu được 863.808 quan tiền thuế. Thực dân tha hồ đắp lộ, lấp những con rạch nhỏ ở Sài Gòn, ở tỉnh đào và vét kinh để tuần tiễu dễ dàng, đồng thời chở lúa gạo, thực phẩm.

Trước năm 1875, giặc cho mở rộng và vét kinh Bo Bo, kinh Bảo Định nhưng phù sa làm cạn nhanh chóng. Năm 1875 – 1876, đào vét một khoảng trên sông Bến Lức, đường về Chợ Đệm. Năm 1876, điều chỉnh khoảng rạch Trà Ôn tới Ba Kè. Nhưng công trình chiến lược là kinh Chợ Gạo (Canal Duperré) nối sông Cửa Tiểu qua Vàm Cỏ để đưa nhanh chóng lúa gạo từ vựa lúa lớn nhất vùng đồng bằng thời bấy giờ về Sài Gòn – Chợ Lớn, thay vì đi vòng qua kinh Bảo Định. Kinh dài 12 cây số, đào 900.000 mét khối đất, với 676.000 ngày làm xâu trong hai tháng, bờ kinh đắp cao để làm lộ xe. Đây là công trình lớn đầu tiên, khánh thành ngày 10-7-1877, do chính đô đốc Nam Kỳ tham dự, để trực tiếp thách thức những người từng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân hồi hai năm trước. Buổi lễ này kết hợp nghi thức cũ mới, dựng khải hoàn môn, kết bông kết tụi, chưng hình tứ linh, tàu sắt của đô đốc chạy tới kinh, hai bên bờ lính mã tà sải ngựa, lại thả những trái khinh khí cầu cỡ nhỏ để khoa trương kỹ thuật của Pháp. Nhờ kinh Chợ Gạo, lúa gạo đến Chợ Lớn với giá thành thấp hơn trước. Năm 1878, đào kinh Chẹt Sậy và Phú Túc nối kinh Chợ Gạo về phía Bến Tre. Phía Hậu Giang, đào kinh nối bờ sông Hậu về lưu vực sông Mỹ Thanh (gọi là kinh Saintard), khoảng 1878-1879 tạm ngừng rồi tiếp tục năm 1882.

Đào kinh phía Hậu Giang
(Ảnh qua Fanpage Thú Chơi Sách)

Sau khi ra miền Nam Trung Kỳ đàn áp cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng, Tổng đốc Lộc vì quá tàn ác nên không còn là công cụ hợp thời; lúc dưỡng già lại nghiên cứu kế hoạch khai thông vùng Đồng Tháp Mười, nơi hắn từng chạm trán với Thiên hộ Dương khá chật vật vì địa thế hiểm trở. Lực lượng dân xâu phải đào hơn 100 ki-lô-mét kinh lớn nhỏ, quan trọng nhất là con kinh – gọi Tổng đốc Lộc – nối rạch Bà Bèo đến rạch Ruộng, đem lợi ích thương mãi và chiến lược quân sự, dài 47 ki-lô-mét, rộng 10 mét, khánh thành năm 1897.

Vì không còn chính sách bế quan tỏa cảng như thời nhà Nguyễn nên người điền chủ được khích lệ: lúa gạo bán dễ dàng, giá cao hơn trước. Điền chủ mượn vốn do bọn mại bản và thương gia cho vay trước để mở thêm đất ruộng, do đó, mặc dầu điền chủ còn ẩn lậu diện tích, số thuế điền Pháp thâu được vẫn nhiều hơn trước.

Trong đợt vừa kể, đã dùng xáng (tàu cuốc) để đào kinh nhưng phần lớn dùng dân xâu. Thực dân gặp phản ứng mãnh liệt của dân phu ngay tại Sài Gòn, khi đào kinh Bao Ngạn từ Cây Mai đến rạch Thị Nghè, nhằm lập vành đai an ninh để dễ tuần tiễu dưới kinh và trên bờ. Nghĩa quân đã đánh phá, giết bọn đầu sỏ; dân phu tranh chấp với cai thầu, kế hoạch phải bỏ dở nửa chừng (1863). Năm 1896, khi đào kinh từ sông Cái Bé qua Ô Môn (giữa Rạch Giá và Cần Thơ), dịch thời khí xảy ra, dân phu bỏ trốn. Hương chức hội tề, đặc biệt là bọn cai tổng nắm quyền hạn rộng rãi trong việc bắt phu ai muốn ở nhà thì phải chịu tiền hối lộ. Nhà nước trợ cấp chút ít cho dân xâu nhưng tiền ấy bị ăn chặn phần lớn.

Trong năm 1880, những người làm xâu đã sửa sang khoảng 500km đường lộ lớn nhỏ, trải đá 17km đường, bắc 73 cây cầu tổng cộng bề dài 824 mét, nạo vét và đào 341.000 mét khối đất. Năm 1881 và 1882, chú trọng đắp lộ, xây cất công sở ở tỉnh lỵ, đường lộ phải nhằm vào việc phòng thủ sông rạch và kinh đào khi cần.

Từ năm 1866, trước khi chiếm ba tỉnh miền Tây, Pháp đã đem qua hai chiếc xáng nhỏ, chở bộ phận rời, ráp tại sở Ba Son, nhưng năng suất không cao (lòng rạch Bến Lức và kinh Bảo Định vét với loại xáng này). Ngân sách Nam Kỳ còn ít, không dự trù chính xác được, xáng chạy máy hơi nước dùng rất nhiều củi, lại còn bảo trì máy móc, lương bổng cho nhân viên người Pháp, người Việt; kinh đào không bù lỗ nhanh chóng cho ngân sách, vì những năm đầu người khẩn hoang được miễn thuế. Vốn không đủ, bởi vậy dùng dân xâu rẻ hơn. Nhưng với triển vọng xuất cảng gia tăng, vùng đồng bằng rộng, màu mỡ, kế hoạch đầu tư dài hạn từ chánh quốc đặt ra, theo ý kiến của Toàn quyền De Lanessan, năm 1893, Công ty Montvenoux lãnh thầu, giá đào 35 xu một mét khối. Tháng đầu tiên, khi bắt tay vào việc, đào 60.000 mét khối: năng suất ấy phải gia tăng nhanh chóng để riêng tháng thứ 25, tính từ ngày bắt đầu phải đạt 200.000 mét khối. Kiểu khai thác lớn, lần đầu tiên chánh phủ Pháp và bọn tài phiệt đầu tư thực sự vào Nam Kỳ. Công ty Montvenoux đặt trụ sở tại Sài Gòn, với 34 chuyên viên người Pháp, lấy tên “Hãng thầu nạo vét cải tiến hệ thống đường thủy ở Nam Kỳ”. Trong năm đầu (1893), chánh quyền thực dân ở Nam Kỳ yêu cầu Công ty cố gắng thực hiện nhanh các công trình và sẵn sàng chi 900.000 đồng mỗi năm. Nhưng ngân sách Nam Kỳ thiếu kém, đành trả từng đợt. Từ 1898, với kế hoạch do Toàn quyền Paul Doumer đề xướng, ngân sách Đông Dương lãnh phần thanh toán nợ cũ.

Paul Doumer qua Đông Dương làm toàn quyền, đánh dấu giai đoạn khai thác, bóc lột với quy mô lớn. Từng là Bộ trưởng Tài chánh của nội các vừa đổ, còn trẻ (40 tuổi), háo thắng, hắn có thâm ý dùng nhiệm kỳ ở Đông Dương để thi thố tài năng để về Pháp với uy thế cao hơn. Và sự thật là mãn nhiệm kỳ, lần hồi trở thành Chủ tịch Thượng viện rồi Tổng thống Pháp.

Lúc ở Đông Dương, hắn tự xem như ông vua nhỏ, tự tung tự tác, lắm khi xem thường Bộ trưởng Thuộc địa. Về tổ chức, các nha sở của phủ Toàn quyền kiểm soát chặt chẽ địa phương. Vì vậy, bọn thực dân Nam Kỳ phản đối mạnh, lý do là những món nợ lớn mà hắn chủ trương vay mượn “chỉ làm ích lợi cho Bắc Kỳ”, nào đường xe lửa, chỉnh trang bến cảng, chú ý vơ vét các tỉnh miền Nam Trung Quốc, khoa trương thanh thế nước Pháp ở Viễn Đông. Xứ Nam Kỳ chỉ hưởng công trình đào kinh ở phía Hậu Giang mà thôi, trong khi thuế muối, rượu, á phiện phải dồn về ngân sách Đông Dương sử dụng. Doumer cho rằng các sắc thuế nói trên đem lại cho Đông Dương số tiền to lớn, nhưng bình quân mỗi đầu người gánh chịu có 2 đồng! Riêng thuế á phiện năm 1901, toàn Đông Dương thâu được 6.295.000 đồng, với hối suất 2,5 quan Pháp (franc), được 15.737.000 quan, có thừa để trang trải chi phí quân sự Đông Dương, ước lượng vào khoảng 14 triệu quan.

*

Xáng thời ấy còn thô sơ về kỹ thuật, to như chiếc chiến hạm. Sức mạnh kiểu xáng to là 350 sức ngựa, xúc đất bằng những gàu sắt đặt liền nhau quanh vòng tròn như kiểu guồng đạp nước, mỗi gàu chứa 375 lít, gàu xúc liên tục, đất đánh loãng ra bùn, thổi vào ống máng đưa xa đến 60 mét, có thể đào sâu từ 2,5 mét đến 9 mét. Những chiếc to từng hoạt động ở đồng bằng, tên xáng Năn, xáng La, Mỹ Tho 1, Mỹ Tho 2, (Nantes, Loire, tên đất ở Pháp). Trong khi giao kèo với công ty Montvenoux chưa mãn hạn, chánh phủ ký thêm giao kèo với Công ty Pháp khai thác kỹ nghệ ở Viễn Đông (Sociéte française industrielle d’Extrême Orient) giá thầu thấp hơn (20 xu một mét khối), nhằm đào thật nhiều kinh phía Hậu Giang.

Trong khoảng giữa hai thế kỷ XIX và XX, công trình đào và nạo vét kinh đã đem cho nông nghiệp, thương nghiệp nhiều thay đổi. Dưới mắt người dân miền quê, luôn cả giới công chức, chiếc xáng đào đất nhanh chóng, mầu nhiệm hơn chuyện “chớp nháng thẳng bon dây thép kéo. Mây tuôn đen kịt khói tàu bay”, lạ lùng hơn cái đầu máy xe lửa kéo nhiều toa, chạy đường Sài Gòn – Mỹ Tho, qua hai cây cầu bắc ngang sông Bến Lức và sông Vũng Gù (Tân An) từ năm 1885, hoặc những chiếc tàu chở hành khách, hàng hóa, luôn cả trâu bò từ Sài Gòn, Mỹ Tho khắp Lục Tỉnh, lên tận Nam Vang, Biển Hồ.

Từ năm 1895 đến 1898, hoàn thành nhiều công trình mới:

  • Đào kinh tắt Thanh Đa (Sài Gòn) thay vì đi vòng quanh.
  • Nạo vét kinh Núi Sập (Thoại Hà) nối Long Xuyên qua Rạch Giá.
  • Đào kinh Chợ Lách.
  • Đào kinh cầu An Hạ.
  • Đào kinh Ông Hiển (Rạch Giá).
  • Nạo vét và điều chỉnh một số kinh khác.

Mãi đến năm 1900, người Pháp còn lo triển khai huê lợi sẵn có từ Tiền Giang trở lên Sài Gòn, chú trọng vào ruộng vườn, đất giồng mà đồng bào chọn làm điểm tựa từ đời vua chúa nhà Nguyễn. Mỹ Tho trở thành đầu cầu của Sài Gòn, từ miền Hậu Giang gom lên.

Nhưng với xáng đào kinh, thực dân Pháp còn dự kiến lớn để giải quyết khu vực úng thủy, xa bờ sông cái, xa rạch thiên nhiên, không phải là đất giồng. Đấy là “đất đồng” theo nghĩa đất thấp, bằng phẳng trên diện tích to. Vùng đất đồng lớn nhứt của đồng bằng sông Cửu Long là mảnh đất còn lại nằm giữa hữu ngạn sông Hậu và vịnh Xiêm La, về phía Tây Nam (phía Bắc nằm trong lòng chảo của Bảy Núi, bị lụt), cụ thể là tỉnh Hậu Giang, một phần của Kiên Giang, tỉnh Minh Hải ngày nay. Miền Tiền Giang đã khá đầy đủ đường giao thông thiên nhiên. Phía đất đồng bao la này, sông rạch đã ít lại ngắn, rạch Giang Thành, Rạch Giá, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Ông Đốc, sông Cửa Lớn đều chảy theo hướng từ Tây qua Đông. Có những mảng đất đồng dài suốt 50 cây số không có con kinh con rạch đáng kể, mùa mưa, hiện ra vài lung bàu thấp, mùa nắng, lung bàu khô cạn. Hai con kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà đào từ đời Gia Long đã vạch đúng hướng nhưng đóng khung phía Bắc vùng ngập lụt. Với trình độ kỹ thuật thông thường về thủy lợi, ai cũng thấy cần đào những con kinh tương tợ như thế, về phía Tây Nam, càng nhiều càng tốt, nhưng về công sức thì dân số thưa thớt không giải quyết nổi. Từ năm 1896, viên chủ tỉnh Cần Thơ thử đào con kinh nối rạch Ô Môn (bờ Hậu Giang) qua ngọn sông Cái Bé đổ ra vịnh Xiêm La nhưng dở dang vì dịch thời khí; dân phu bị truyền nhiễm khi uống nước phèn trong ao vũng. Chủ tỉnh Rạch Giá cho rằng với dân số ít và ngân quỹ tỉnh hạn chế, nếu đào kinh thì tốn 26.000 đồng và huy động ít lắm là 13.000 dân xâu để giải quyết 22 cây số kinh trong địa phận Rạch Giá. Chủ tỉnh Rạch Giá muốn nói đến kế hoạch đào con kinh Xà No (Pháp gọi kinh Bassac – Cái Lớn), nối ngọn rạch Cần Thơ vào ngọn rạch Cái Tư, rạch này đổ vào sông Cái Lớn ra vịnh Xiêm La. Hai người Pháp chuyên đầu cơ đất ruộng đã vận động đào thật nhanh con kinh nói trên để thủ lợi, họ là giới đủ thế lực tại Phòng canh nông Nam Kỳ. Yêu sách đưa ra hợp lý nên khi vừa khởi công đào là một trong hai người này (Guéry) được tên Doumer ký nghị định cấp không tốn tiền (Concession gratuite) một lô đất tốt với diện tích 2.500 héc-ta tại làng Nhơn Nghĩa. Kinh Xà No đào bằng xáng, hơn 2 năm mới xong, bề ngang trên mặt 60 mét, bề ngang đáy 40 mét, tổn phí 3.680.000 quan, ăn ngang qua vùng đất nay gọi là Chương Thiện, đưa nước ngọt từ sông Hậu qua gần sát vàm sông Cái Lớn phía Rạch Giá. Đây là công trình chiến lược. Dân nghèo theo sát bên xáng, giành nhau cắm ranh, hy vọng trở thành chủ đất, vội vã cất nhà, phá rừng làm ruộng, hy vọng có danh nghĩa là người khẩn ưu tiên. Trong khi ấy, một số người nhiều thế lực ở các tỉnh hoặc Sài Gòn, hoặc từ bên Pháp, làm bài toán trầm tĩnh hơn, ngồi nghiên cứu luật lệ, cố vận động cho đơn khẩn đất của họ được chuẩn y, sức chống đối của dân nghèo đang canh tác không đáng kể. Và họ vui khi thấy dân nghèo chặt cây, phát cỏ, đào mương nhỏ tháo phèn, làm không công cho họ hưởng sau này.

Kinh xáng ở đất đồng vùng Cần Thơ phát triển diện tích ruộng nương, nước ngọt mãn năm, đất không úng, dễ chuyên chở, lúa bán giá cao. Nhà cất hàng dài hai bên bờ: đất do xáng thổi lên trở thành đường lộ cao ráo, như kiểu đất giồng nhân tạo, phía trước cất nhà, hai bên và sau nhà có thể trồng dừa, trồng mía. Nhìn bản đồ, ta liên tưởng đến một thành phố, rạch là con đường, nhà hai bên sắp hàng ngay thẳng.

  • 1890 – 1900: Khởi đào những kinh Xà No, Trà Ết, Long Mỹ (Lái Hiếu).
  • 1900 – 1920: Đào kinh Thốt Nốt, Thị Đội, Thới Lai, Ô Môn, Trà Lồng, Cái Vồn.

Trong hai giai đoạn này, đào hơn 350km kinh lớn. Ở Sóc Trăng, từ năm 1890 diện tích canh tác gia tăng đều đặn đến 1930, xem như là dứt. Vùng Ngã Bảy (Phụng Hiệp) trước kia là cánh đồng thấp, trở thành một quận, nằm trên đường thủy, đưa lúa gạo từ Bạc Liêu – Cà Mau lên Sài Gòn.

Ven biển vịnh Xiêm La ít người, đất đồng lần hồi khai thác, kinh rạch đào muộn hơn miền Tiền Giang, nhưng khi vừa khởi đào thì điền chủ các nơi thi nhau đến dành phần, kể cả người Pháp. Một số công chức cũng say mê khẩn đất, họ hiểu rành luật lệ hơn người khác và thừa khả năng giao thiệp được với những ngành đủ thẩm quyền. Có thể nói: Vùng Rạch Giá – Cà Mau đến năm 1930 chiếm hơn 1/4 diện tích ruộng lúa toàn Nam Kỳ, bắt đầu khai thác trên quy mô lớn từ năm 1900, cụ thể là từ năm 1910. Ở Bạc Liêu (bao trùm luôn Cà Mau), con lộ nối Bạc Liêu – Cà Mau đến năm 1897 mới tạm đắp xong nhờ cưỡng bức dân đi làm xâu, trải đất hầm chín thay cho đá. Con rạch nối Bạc Liêu – Cà Mau hoàn thành vào năm 1914 để rồi trong thời gian Thế giới chiến tranh thứ nhứt nối lên Ngã Năm, lên Phụng Hiệp. Tỉnh Rạch Giá liên lạc lên Sài Gòn nhờ đường thủy (kinh Thoại Hà, Núi Sập), con lộ đầu tiên ăn về phía Cần Thơ thành hình vào năm 1916. Kinh Cái Sắn (nối từ rạch Cái Sắn, bờ sông Hậu đến Rạch Sỏi của Rạch Giá) do xáng đào rất trễ, từ 1922 đến 1923, lộ sát bờ kinh này khởi công đắp năm 1926, đến năm 1931 mới lưu thông được. Kinh đào ở Rạch Giá nối qua sông Hậu, từ ngọn của sông Cái Bé ăn qua Ô Môn, Thốt Nốt. Một số kinh khác nhằm khai thông nước đọng vùng U Minh – Rạch Giá, ăn xuống Cà Mau theo đường thủy, với tàu và thuyền, để chở lúa, chở củi. Rất nhiều kinh nhỏ đào nhờ sức dân làm xâu cũng như lộ xe. Việc tranh đấu của dân xâu gây ít nhiều khó khăn cho thực dân. Trong hoàn cảnh đất rộng, người thưa, dân xâu làm việc xa nhà, ăn uống thiếu thốn, điều kiện vệ sinh tối thiểu không được bảo đảm. Ở đất mới, từ khi đào kinh, giá đất tăng lên rất nhanh. So với Gò Công, đất đã tốt lại gần thị trường Chợ Lớn, một héc-ta trị giá từ 200 đến 300 đồng bạc Đông Dương, trong khi đất tốt ở Cà Mau bán không hơn 100 đồng.

Tính đến năm 1930, ở Nam Bộ, trọng tâm là miền Hậu Giang (Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu), đã dùng xáng đào khoảng 180 triệu mét khối đất, cao hơn khối lượng đào mở kinh Suez ở Ai Cập. Khối lượng này chia ra:

  • 650 km kinh lớn, theo tiêu chuẩn bề ngang trên miệng 30 mét, tàu thuyền có lườn ăn 2,5 mét lưu thông được.
  • 2.500 km kinh phụ
  • Một số kinh linh tinh, nhỏ hơn. Trong 37 năm (1893-1930), bình quân mỗi năm tăng thêm 35.000 héc-ta ruộng, tổng cộng 1.800.000 héc-ta đất đưa vào canh tác. Từ năm 1885 đến 1930, tổn phí đào kinh là 48 triệu đồng, nhưng chánh phủ thâu lợi quá to, thêm thuế điền, thuế xuất khẩu lúa gạo, và tiền bán đất theo kiểu thuận mãi hoặc đấu giá.

Chánh phủ Pháp cũng nhìn nhận rằng những kinh đào này nhằm vào yêu cầu giao thông vận tải hơn là yêu cầu tiêu tưới. Kế hoạch thường là tùy tiện, kém khoa học, thiếu kinh nhỏ nối liền kinh phụ và kinh lớn, lắm khi biến đất tốt thành đất xấu, làm cạn nước hoặc đưa nước mặn vào. Đất chưa được tận dụng theo kiểu thâm canh.

Mức khai khẩn nhanh chóng là nhờ dân số tăng, kỹ thuật còn lạc hậu, sức người là chính yếu. Đây không phải là gia tăng dân số tại chỗ, nhưng là người từ miền Tiền Giang (Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre) kéo xuống. Thêm yếu tố đáng kể là người Hoa đến Nam Kỳ ngày càng đông do thực dân dung túng, kiểm soát không chặt chẽ, lại còn nâng đỡ. Giới mại bản người Hoa ở Chợ Lớn đưa người Hoa về tận thôn quê để mua lúa, ra vốn cho nông dân làm mùa, bán trước những nhu yếu phẩm, tới mùa trả lại bằng lúa. Vốn của giới mại bản rất lớn, đem từ Hương Cảng, từ Singapore vào, lại được bảo đảm vay thêm từ ngân hàng ở Sài Gòn.

Tên chủ tỉnh Nicolai nổi danh tích cực bảo vệ quyền lợi thực dân cũng nhìn nhận, nhân dịp đào kinh Trà Ôn. Kinh này đưa lúa từ Hậu Giang (Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng) về Sài Gòn, ngày đêm tấp nập, rằng “tiền vốn của nước Pháp, lúa gạo của nông dân Việt Nam nhưng đem lợi tức cho người Hoa mua bán lúa”.

Phía Đồng Tháp Mười phỏng định non 900.000 hécta bị ngập lụt, đã canh tác hơn 100.000 héc-ta từ năm 1873. Giống lúa sạ (cao giàn, mọc theo nước) được khuyến khích, năng suất tuy kém nhưng ít tốn công. Trong tình hình mới, làm ruộng sạ vẫn có lợi. Cuối năm 1901, chủ tỉnh Châu Đốc loan tin trên Gia Định Báo về loại “lúa sông lớn”, còn gọi “lúa nước nổi”, do Phan Văn Vàng đem giống từ “bên bắc xứ Kratié”, làm thử tại làng Đa Phước rồi làng Phước Hưng, Hà Bao (Châu Đốc), một héc-ta có thể đem lại từ 120 – 130 giạ. Từ năm 1900, lúa sạ phổ biến rộng rãi, cộng với 100.000 héc-ta lúa cấy vừa kể đã giúp cho Đồng Tháp Mười khai thác được khoảng 534.000 héc-ta, tức là 2/3 diện tích. Tính đến năm 1930, còn lại hơn 200.000 héc-ta quá phèn, không trồng tỉa được.

Điền chủ Việt Nam và Pháp làm đơn xin khẩn đất Đồng Tháp Mười từ kinh Bo Bo, kinh Lagrange vừa đào, nhưng 30.000 mẫu trưng khẩn này bỏ hoang, nhà nước ngưng đào kinh để dồn lực lượng xáng về phía Bạc Liêu, Rạch Giá. Năm 1927, đặt kế hoạch mở mang trở lại vùng Đồng Tháp Mười, trong bốn năm 1928-1932, dự trù đào bốn con kinh: Nối kinh Lagrange về phía sông Vàm Cỏ Tây, nối kinh Lagrange về phía kinh 4-bis, đào nối kinh Tổng đốc Lộc vào kinh Lagrange… Nhưng theo nhà cầm quyền và các chuyên gia, giải quyết vùng trũng Đồng Tháp là vấn đề dành cho tương lai rất xa.

Phía Hậu Giang vùng trũng phía Nam Bảy Núi tương tự như Đồng Tháp Mười, lại thịnh vượng tương đối nhờ lúa sạ, gieo 90.000 héc-ta ở tỉnh Châu Đốc và 47.000 héc-ta ở tỉnh Long Xuyên (nay gọi lúa sạ là lúa nổi).

*

Đào kinh lớn chưa hẳn là đủ cơ sở để ổn định và phát triển diện tích ruộng. Cần bảo đảm chủ quyền về pháp lý, hoàn chỉnh đo đạc, lập địa bộ và giải quyết vốn liếng cho điền chủ.

Dưới chế độ thực dân, còn kẻ quyền thế lợi dụng, bộ máy hành chánh quan liêu luôn luôn tìm cơ hội để bày vẽ thêm, ăn hối lộ.

Người đang canh tác và đang đóng thuế điền mặc nhiên là chủ đất, luật lệ đời nhà Nguyễn quy định như thế. Thực dân đến, duy trì nguyên tắc người khẩn chỉ đóng thuế chớ không tốn tiền mua đất của nhà nước. Những nghị định năm 1864, 1871, 1882, đặt sự hạn chế, phải trả tiền đất cho nhà nước trong trường hợp đất cất phố tại Sài Gòn, Chợ Lớn hoặc tịch thâu của người vắng mặt, có sẵn vườn tược, đất đã thuần thục. Ngoài ra, muốn khẩn thì phải làm đơn, không hạn chế diện tích. Tham biện chủ tỉnh phê chuẩn trong trường hợp không quá 20 héc-ta, nếu lớn hơn thì cần được Thống đốc Nam Kỳ chấp thuận. Những nghị định vừa kể có sơ sót quan trọng, người trưng khẩn có thể chiếm đất rồi bỏ hoang, chờ dịp sang nhượng cho người khác. Để bổ sung, nghị định ngày 15-10-1890 thêm điều kiện, buộc người trưng khẩn khai thác trong thời hạn năm năm và nhà nước được quyền lấy đất lại khi cần, vì lợi ích công cộng (làm đường, đào kinh). Nghị định ngày 10-5-1893 nêu rõ phần đất trưng khẩn không được chiếm quá 1/4 diện tích ở mặt tiền sông, rạch (đề phòng trường hợp khẩn đất vùng phố chợ, đất thổ cư, vùng mới đào kinh). Theo tinh thần nghị định ngày 27-1-1896, nếu người trưng khẩn không thừa nhận, bỏ hoang hoặc đi xứ khác, con cái không chịu thừa kế thì đất trở về nhà nước.

Những nghị định kế tiếp nhằm hạn chế trưng khẩn. Đại khái, nhà nước bán đất trồng cao su với giá vừa phải (gọi là giá thuận mãi). Đất trên 1.000 héc-ta do Toàn quyền Đông Dương định đoạt. Đối với thân hào, nhân sĩ hữu công với nhà nước Pháp, cấp không một lần 300 héc-ta mà thôi, muốn khẩn thêm 300 héc-ta nữa thì phải khai thác xong ít nhứt 4/5 diện tích đã được hưởng và không được hưởng lần thứ ba.

Một nghị định quan trọng ký vào ngày 4-10-1928 nghiêm cấm chiếm đất hoang, cắm ranh, làm ruộng trước rồi xin hợp thức hóa sau. Việc tự ý chiếm đất vô chủ gần như được khuyến khích từ trước đã đến mức gây khó khăn cho nhà nước thuộc địa. Như đã nói, công trình đào kinh xáng ở Rạch Giá, Bạc Liêu gây hào hứng cho người muốn khẩn hoang, đồng thời cũng tạo cơ hội cho kẻ quyền thế nắm luật lệ cướp phần đất của người khác đang canh tác nhưng chưa được luật pháp nhìn nhận.

Vài người giàu có đã tung tiền cho bọn đàn em đến vùng đất mới, mướn người cắm ranh từng sở rồi gom lại trở thành điền chủ. Điển hình nhất là trường hợp đào kinh Cái Sắn, nối Rạch Giá qua Long Xuyên. Hai bờ kinh, đất rộng bạt ngàn, quanh năm nước ngọt, đường chuyên chở về Sài Gòn thuận lợi, nhờ vậy đất có giá. Làng Thạnh Hòa tập trung những người từ phương xa đến cắm ranh. Trong vòng ba năm 17.000 héc-ta đất bị chia manh mún chẳng biết ai phải ai quấy, từ người dân có thiện chí lập nghiệp, đến bọn đầu cơ nhiều quyền thế đã nạp đơn với Thống đốc Nam Kỳ để xin khẩn phần đất trên lý thuyết còn hoang vu mà họ chưa bao giờ đặt chân tới.

Đất hoang vô chủ là của nhà nước, công văn thời ấy gọi là công thổ (domaine local), để khỏi trùng hợp với hai tiếng công điền (đất công điền của làng). Nghị định ngày 13-6-1929 quy định thể thức khẩn đất, với 12 giai đoạn khó khăn về thủ tục, từ lúc làm đơn đến khi được cấp bằng khoán.

Năm 1930, nghị định ngày 25 tháng 6, thực dân đưa ra quy hoạch lớn toàn Nam Kỳ. Không cho khai khẩn nữa, vì đã hết đất, chỉ chấp nhận những đơn xin khẩn vùng Rừng Sác (huyện Duyên Hải, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), Đồng Tháp Mười, vùng đất Láng phía Nam Bảy Núi (nay gọi khu Tứ giác), một phần đất chừng 150.000 héc-ta ở phía U Minh (Rạch Giá) và phía Bạc Liêu.

Nghiên cứu về đất đai ở Nam Bộ, cần chú ý những đặc điểm:

  • Vùng đất cũ, với những tỉnh cũ, nếp sống đã định hình trước khi người Pháp đến gồm đa số đất giồng, thuận lợi canh tác, được tiêu tưới với sông rạch thiên nhiên. Tỉnh Gia Định (Cần Giuộc, Tân An, Gò Công), tỉnh Định Tường (Ba Giồng, Rạch Gầm, Cái Bè, Cái Thia, Cai Lậy), tỉnh Vĩnh Long (Bến Tre, Trà Vinh, Trà Ôn) chiếm đến 80 phần trăm ruộng tốt vào thời ấy. Vùng này gọi là Miệt Vườn.
  • Vùng đất mới, đất đồng, thiếu đường giao thông thiên nhiên, thiếu rạch nhỏ, đất phèn và thấp là phần còn lại của Nam Bộ được mở mang nhờ kế hoạch đào kinh của người Pháp, gọi tạm là những tỉnh mới.
  • Kinh xáng đào lên, muốn thâu kết quả phải chờ 5 hoặc 10 năm sau. Dân ta rất nhạy bén, hễ thấy đất có tương lai là dám chịu cực, dám đi xa. Trường hợp Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu chứng tỏ điều ấy.

Đến năm 1930, việc khẩn hoang, cơ sở bóc lột của thực dân đã bế tắc về cơ bản. Cũng là cáo chung cái thời “anh hùng khẩn hoang” theo kiểu nông nghiệp lạc hậu. Chân trời đóng khung lại, đòi hỏi lối thoát.

Sơn Nam
Trích “Đất Gia Định Xưa”

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm:

Mời xem video: