Con người khi đứng trước danh, lợi, quyền thế sẽ rất khó để khống chế dục vọng của bản thân mình. Đặc biệt, một người làm quan có chức vị càng cao, nắm giữ quyền lực càng lớn trong tay, lại càng khó khống chế hơn nếu họ không có đạo đức cao thượng. Người làm quan vốn mang trên vai sinh mệnh của dân chúng, không chỉ cần lương thiện, thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, mà phẩm chất tối quan trọng chính là hết lòng vì dân, thương dân.

Đạo làm quan của người xưa: Cứu khốn phò nguy, lòng dạ lương thiện
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Đệ Ngũ Luân sống vào đầu thời Đông Hán nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Ông làm quan chính trực, làm nhiều việc tốt lành đức độ, chăm lo cho dân chúng. Dù làm quan ở đâu, ông đều xem việc cứu khổ cứu nạn cho dân là nhiệm vụ của mình.

Đệ Ngũ Luân từ khi còn trẻ đã là người ngay thẳng và trọng nghĩa khí. Bất cứ khi nào bà con hay đồng hương có ai gặp khó khăn, ông luôn sẵn lòng trợ giúp. Bấy giờ có một thời kỳ triều đình bị loạn quyền thần, đạo tặc hoành hành khắp nơi, trăm họ đều xem Đệ Ngũ Luân như một chỗ dựa đáng tin cậy để chống lại đạo tặc. Đệ Ngũ Luân chỉ huy mọi người xây công sự để tự vệ, các đạo quân nổi loạn chưa bao giờ đánh bại được doanh lũy của ông.

Sau này Đệ Ngũ Luân được quan lại địa phương khen ngợi, được bổ nhiệm làm quan chuyên phụ trách quản lý việc tố tụng và thuế khóa. Ông cảm thấy trách nhiệm lớn lao, nhiều lần nói với thuộc hạ: “Chúng ta giữ chức quyền này, từng lời nói việc làm đều có quan hệ tới nỗi khổ của bách tính, không thể tham ô chiếm đoạt”. Khi quan trên gợi ý Đệ Ngũ Luân thu nhiều tiền thuế hơn, ông lập tức nghiêm nghị từ chối.

Thời Đệ Ngũ Luân làm Thái thú Hội Kê, tuy quyền cao chức trọng nhưng ông vẫn thanh bạch và tiết kiệm. Ông mặc áo vải, ăn gạo chưa xay kỹ, tự tay cắt cỏ cho ngựa ăn, còn vợ ông thì tự mình xuống bếp nhóm lửa nấu cơm. Mỗi khi nhận bổng lộc, chỉ trừ tiền sinh hoạt cho gia đình, còn lại ông đều đem biếu tặng cho trăm họ hết. Bạn bè hỏi: “Sức mình ông có thể cứu trợ được bao nhiêu?” Đệ Ngũ Luân trả lời: “Chỉ cần không phụ một tấm lòng này là được rồi!”

Đệ Ngũ Luân lấy đạo lý sống “thanh bần” để làm gia huấn. Có người hỏi: “Ông thanh liêm giữ mình, không tham lam chiếm đoạt, nhưng không đề dành lại gì cho con cháu sao?” Đệ Ngũ Luân cười nói: “Tôi tích Đức cho con cháu!”

Khi làm quan Thái thú quận Thục, Đệ Ngũ Luân xét thấy các quan lại trong quận phủ phần nhiều là dùng tiền của mua lấy quan chức. Ông bèn đuổi hết số quan lại ấy, rồi chọn những người có đức hạnh và tiết tháo. Ông còn tiến cử cho triều đình rất nhiều người có nhân phẩm cao thượng, trong đó không ít người về sau làm quan đến Cửu khanh.

Đệ Ngũ Luân sau khi được thăng chức Tư Không, liền liên tục dâng thư nói về tệ nạn đương thời của triều đình, vì thế mà đắc tội với không ít những người có quyền thế. Có người khuyên can, ông nói: “Nhân đức trong sạch là điều cả đời tôi hướng đến, có thể nào chỉ vì tham cầu một chức quan mà đánh mất hết nhân đức. Đây là chí hướng của tôi.”

Đệ Ngũ Luân được Hán Chương Đế ngưỡng mộ và tín nhiệm, về sau được thăng quan đến hàng Tam Công.

Đệ Ngũ Luân từng nói: “Nhân đức là gốc rễ của đạo làm người. Tôi tự thẹn cả đời làm quá ít việc thiện, vậy mà lại có được phúc báo quá lớn.” Bất kỳ lúc nào ông cũng đều có thể bảo trì thiện niệm, kiên định không lay chuyển, vì người khác mà lo nghĩ, thực sự có trách nhiệm đối với người khác, cũng chính là có trách nhiệm đối với bản thân mình.

Theo “Văn hóa Thần truyền: Cứu khốn phò nguy, lòng dạ thiện lương
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân

Xem thêm:

Mời xem video “Trọng tâm của giáo dục không phải nằm ở tri thức”: