Đạo lý ẩn chứa trong phần mở và kết của tứ đại danh tác Trung Hoa (P3)
- Thiên Cầm
- •
Có lẽ hầu hết chúng ta đều từng xem những bộ phim Trung Quốc chuyển thể lại tứ đại danh tác Trung Hoa: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng. Tuy nhiên những gì có trên màn ảnh chỉ là tình tiết và bối cảnh mà thôi, những tinh hoa chân chính đều nằm trong nguyên tác. Mà điều sâu sắc và hiển nhiên nhất chính là phần mở đầu và kết thúc của mỗi danh tác này.
THỦY HỬ
Thủy Hử nghĩa đen là “bến nước”, dùng để chỉ vùng đầm lầy nơi 108 người chống triều đình đã tập hợp nhau lại sống ngoài vòng pháp luật.
Những tay hảo hán trong Thủy Hử tuy mang tiếng là anh hùng, nhưng cũng có không ít lần giết người như ngóe, ăn thịt người, hành động chính là kẻ cướp, thô bạo, làm cho người ta nghi ngờ ngọn cờ “thế thiên hành đạo” mà họ đặt ra.
Tuy nhiên, Thuỷ Hử vẫn kể một câu chuyện về chữ Nghĩa, với hàm ý rằng dẫu là đạo tặc – loại người được coi là dơ bẩn nhất trong xã hội xưa – cũng không thể vô đạo. Họ vẫn khí khái ngất trời, vẫn nghĩa hiệp, nhưng lại ngàn vạn lời thê lương khó nói.
Vậy nên bài từ của Thủy Hử mới lộ ra khí chất này:
Thí khán thư lâm ẩn sở, kỷ đa tuấn dật nho lưu.
Hư danh bạc lợi bất quan sầu, tải băng cập tiễn tuyết,
Đàm tiếu khán ngô câu.
Bình nghĩa tiền vương bính hậu đế, phân chân nguỵ chiếm cứ trung châu,
Thất hùng nhiễu nhiễu loạn xuân thu.
Hưng vong như thuý liễu, thân thế loại hư chu.
Kiến thành danh vô số, đồ danh vô số, cánh hữu na đào danh vô số.
Sáp thời tân nguyệt hạ trường xuyên, giang hồ biến tang điền cổ lộ.
Nhạ cầu ngư duyên mộc, nghĩ cùng viên trạch mộc,
Khủng thương cung viễn chi khúc mộc.
Bất như thả phúc trưởng trung bôi,
Tái thính thủ tân thanh khúc độ.
Tạm dịch bài từ như sau:
Bạn nhìn xem những ghi chép trong sách từ xưa đến nay, có bao nhiêu nho sinh học sĩ anh tuấn phóng khoáng? Họ không quan tâm đến những hư danh lợi lộc nhỏ nhoi, chỉ là ngâm thơ làm từ, đàm tiếu chuyện chiến sự xưa nay.
Bình luận về đế vương trong lịch sử, thật thật giả giả chinh chiến cát cứ tranh giành trung nguyên, giống như Thất hùng tranh bá thời Xuân Thu. Sự hưng vong của quốc gia cũng mềm yếu như cành liễu rủ, con người nào khác chi con thuyền trống đang lắc lư vô định. Những người thành danh có rất nhiều, mưu cầu tranh đấu vì danh cũng có rất nhiều, lại càng có nhiều ẩn sĩ ẩn danh.
Thoáng chốc mặt trăng đã chìm dưới dòng sông dài hay biển cả, trở thành bể dâu theo lối xưa. Chớ kinh ngạc vì thấy những người làm những chuyện viển vông, cũng đừng cười người gặp khó khăn phải tìm nơi nương náu, đừng giống như chim bị cung bắn bị thương nhìn thấy cây cong cũng phải tránh xa.
Hãy buông bỏ tất cả, ngay cả ly rượu trong tay, tiếp tục nghe khúc nhạc mới của tôi.
Thủy Hử dường như một khúc tiếu ngạo giang hồ. Hơn nữa thuỷ bạc lương sơn còn là một bi kịch, bi kịch hơn cả Hồng Lâu Mộng. Sự thực trong đó nặng nề hơn và chân thực hơn. Vậy nên sự phóng khoáng và ánh mắt lạnh lùng của các nhân vật trong Thuỷ Hử có lẽ đều là giả: Nào là xem nhẹ danh lợi, mai danh ẩn tích, những nhà Nho xuất chúng, v.v.. Kỳ thực lại thể hiện rõ sự bất lực và bất đắc dĩ khi con người đứng trước thời thế.
Tâm tư này cuối cùng cũng được biểu lộ rất rõ nét trong vài bài thơ cuối.
Trước tiên là nói tới 108 vị hảo hán tại Lương Sơn:
Thiên Cang tận dĩ quy thiên giới
Địa Sát hoàn ưng nhập địa trung
Thiên cổ vi thần giai miếu tự
Vạn niên thanh sử bá anh hùng.
Tạm dịch: Thiên Cang đã quay hết về thiên giới, Địa Sát thì lại quay về với đại địa. Lại làm thần được thờ tự ở chốn miếu vũ. Muôn năm sử xanh vẫn còn lưu truyền về tấm gương anh hùng.
Chương mở đầu của Thủy Hử viết về việc thái úy Hồng, người nắm binh lực, đã vô ý thả 108 con yêu ma ra. 108 tinh tú sau khi trốn thoát khỏi phong ấn đã xuống gây họa loạn nhân gian, trở thành 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. 108 thủ lĩnh Lương Sơn gồm có 36 vị sao Thiên Cương và 72 vị Địa sát, đứng đầu là Tống Giang và cuối cùng là Đoàn Cảnh Trụ. Đến thời Thanh thì chương thứ nhất này bị cắt bỏ.
Tuy nhiên chính chương mở đầu này lại cho người ta từ bên ngoài mà thấy trọn vẹn vở kịch, đứng ngoài mộng mà nhìn chuyện phong vân bên trong mộng: 108 vì tinh tú trốn khỏi phong ấn, gây họa loạn nhân gian, diễn hết một màn kịch ấy rồi, lại quay trở về vị trí cũ (quy vị).
Chúng tinh tú đều đã quy vị, nhưng nghĩ tới câu chuyện và kết cục của các vị anh hùng Lương Sơn, dường như phảng phất đâu đây một cảm giác tiếc nuối “trần quy trần, thổ quy thổ”, đất lại trở về với đất, cát bụi lại trở về với cát bụi.
Sau đó thơ lại nói rằng:
Mạc bả hành tàng oán lãi thiên
Hàn, Bành xích tộc di kham liên
Nhất tâm báo quốc thôi phong nhật
Bách chiến cầm Liêu phá Lạp niên
Sát diệu cang tinh kim di hỉ
Sàm thần tặc tử thượng y nhiên
Tảo tri cưu độc mai hoàng nhưỡng
Học thủ chi di Phạm Lãi thuyền.
Dịch thơ:
Chớ lấy thân danh oán trách trời,
Hàn, Bành mấy họ máu đào rơi.
Một lòng báo nước lừng chinh chiến,
Trăm thắm Liêu liu, Lạp hết đời.
Địa sát thiên cang đà hết sáng,
Gian thần tặc tử chẳng im hơi.
Nếu hay đầu độc vùi thân xác,
Học phép rong thuyền Phạm Lãi chơi.
Đạo tặc mà lại đòi thay trời hành đạo, lại còn đòi tận trung báo quốc, muốn học theo công nghiệp của những bậc thánh nhân đi trước, chẳng phải là một giấc mộng hoang đường hay sao? Nhưng xã hội con người từ xưa đến nay vẫn mâu thuẫn như vậy. Con người vì miếng ăn phải sát sinh, trong quá trình nỗ lực sống tốt hơn mà làm hại người khác, vương giả trị quốc, cường giả vi anh hùng, đều là trái ngược lại với những đạo lý tốt đẹp mà con người truy cầu và nguyện ước.
Xã hội là như vậy nên người xưa mới muốn lánh đời. Vậy mới nói, chi bằng học theo Phạm Lãi, quân sư của Việt Vương Câu Tiễn, sớm biết sau khi giúp Câu Tiễn thành nghiệp bá thì sẽ “điểu tận cung tàng”, nên lướt thuyền về quy ẩn nơi sông nước mà tránh được họa sát thân. Đây là nỗi bất lực hay là muốn khuyên con người tỉnh mộng?
Cuối cùng thơ rằng:
Sinh đang đỉnh thực tử phong hầu,
Nam tử bình sinh chí dĩ thù.
Thiết mã dạ tê sơn nguyệt hiểu,
Huyền viên thu khiếu mộ vân trù.
Bất tu xuất xứ cầu chân tích,
Khước hỷ trong lương tác thoại đầu.
Thiên cổ Lục Oa mai ngọc địa,
Lạc hoa đê điểu tổng quan sầu.
Dịch thơ:
Sinh thời đỉnh vạc chết phong hầu
Hồ thỉ nam nhi sợ sạch làu
Ngựa sắt hí vang trăng núi rạng
Vượn đen kêu hú bóng đêm thâu
Chẳng cần xuất xứ tìm văn bản
Chỉ khoái trung lương soạn thoại đầu
Muôn thuở Lục Nhi vùi phú quý
Chim kêu hoa rụng chạnh lòng sầu.
Có lẽ đây chính là con người đã “tận nhân sự, quan thiên mệnh”, nghĩa là làm hết khả năng của mình với việc thế gian và vâng theo thiên mệnh. Nếu như không cam tâm tình nguyện, nếu như trong lòng vẫn còn những tiếc nuối và bi ai chẳng thể buông, thì vẫn là chưa thể nhảy thoát ra khỏi mộng cảnh đó.
Dư vị của cuộc sống vốn là như vậy. Huyền cơ của kiếp nhân sinh vốn khó có thể nắm bắt, chỉ đành dốc sức mà làm, hỏi lòng không hổ thẹn là được rồi.
(Còn nữa)
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tứ đại danh tác Thủy Hử