Trong lịch sử các triều đại, rất nhiều người đều muốn làm minh quân, làm một vị vua sáng suốt, không ai muốn làm hôn quân ngu tối, không biết gì. Thế nhưng lại cũng không nhiều người có thể được hậu thế tôn sùng là một vị minh quân. Trong “Trinh Quán chính yếu – Luận quân đạo”, Đường Thái Tông và Ngụy Trưng đã bàn luận về vấn đề này.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Nước chảy đủ ắt sẽ thành sông
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Vào năm Trinh Quán thứ hai, Hoàng đế Đường Thái Tông đã hỏi Ngụy Trưng: “Thế nào gọi là quân chủ thánh minh, thế nào gọi là quân chủ hôn ám?”

Ngụy Trưng trả lời:

Quân chủ sở dĩ có thể trở thành thánh minh là vì có thể lắng nghe lời nói của các bên, còn quân chủ hôn ám là bởi vì chỉ nghe và tin một bên. Trong “Kinh Thi” có nói: “Người xưa dạy rằng phải cầu ý kiến của những người cắt cỏ, đốn củi”. Trước đây, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn thống trị thiên hạ, mở rộng cửa đón người tứ phương, chiêu nạp hiền tài, mở rộng phạm vi nghe nhìn, lý giải được tình huống của các phương diện, nghe được ý kiến từ các phía. Nhờ đó mà quân chủ thánh minh có thể biết hết mọi thứ, do vậy những người xấu như Cộng Công, Cổn không thể che được mắt họ, những kẻ hoa ngôn xảo ngữ không cách nào mê hoặc được họ.

Ngược lại, Tần Nhị Thế lại ở trong cung sâu, cách biệt với hiền thần, xa rời dân chúng, chỉ nghe và tin theo lời của Triệu Cao, đến khi thiên hạ đại loạn, dân chúng làm phản thì ông ta vẫn còn không biết. Lương Vũ Đế chỉ biết nghe và tin lời Chu Dị, đến khi Hầu Cảnh hưng binh làm loạn đem binh vây hãm tấn công đô thành thì ông ta vẫn còn không biết. Tùy Dạng Đế chỉ biết nghe và tin Ngu Thế Cơ, đến khi các lộ binh mã phản Tùy tấn công cướp bóc thành ấp thì ông ta vẫn còn không biết.

Từ đó có thể thấy được, quân chủ thông qua việc nghe và tiếp thụ các kiến nghị trên nhiều phương diện của quần thần thì mới có thể khiến các đại thần không thể dối trên lừa dưới, như vậy tình hình nhất định có thể được truyền đạt lên.

Những lời nói trên đây của Ngụy Trưng quả thực đã có ảnh hưởng rất lớn đến hậu nhân. Trong lịch sử cũng có nhiều ví dụ thực tế, như “Khang Hy vi hành”, “Càn Long xuống Giang Nam”… Những vị Hoàng đế lỗi lạc vì để không bị người khác mê hoặc và dẫn đi sai đường nên đã đích thân hòa vào chốn dân gian.

Ngày nay, những người làm lãnh đạo nếu có thể giao tiếp, liên thông nhiều với bên dưới thì đều sẽ có chỗ tốt. Những tin tức, những sự kiện trong làm ăn kinh doanh, người chủ doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu từ nhiều phía khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Một gia đình có thể hòa thuận hay không cũng có quan hệ mật thiết đến việc biết lắng nghe. Trong cuộc sống, người ta cũng không thể chỉ nghe và tin một bên. Thậm chí là khi xử lý một sự tình nào đó xảy ra, có thể giải quyết một cách đơn giản hay phức tạp cũng là có liên quan đến việc tiếp thu ý kiến. Từ đó mà xét thì điều mà Ngụy Trưng nói chính là một cái lý phổ biến ở nơi thế gian, thích hợp để áp dụng đối với tất cả các vấn đề trong làm người, làm việc, làm quan cho đến làm Hoàng đế.

Theo Vission Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: