Đạo trị quốc trong kiến trúc kinh thành Huế
- Trần Hưng
- •
Kinh thành Huế là nơi đóng đô của nhà Nguyễn, có chiều dài lịch sử suốt 143 năm. Kiến trúc của kinh thành thể hiện được đạo trị quốc của người xưa, xứng đáng để muôn đời sau học tập.
Kinh thành Huế tọa lạc ở phía bắc sông Hương trên diện tích 520 ha, cổng chính ngọ môn nằm ở hướng nam, hướng mà kinh dịch cho rằng “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, ý nói vua quay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ.
Bên trên ngọ môn là “Ngũ phụng lâu”, là nơi vua ngự mỗi khi có sự kiện quan trọng. “Ngũ phụng lâu” có 5 gian chính và 4 gian phụ. Tòa lầu này có tổng cộng 100 cây cột, tượng trưng cho bách tính quy phục xung quanh vua. Vì lầu Ngũ phụng ở ngay trên cổng chính ngọ môn nên cũng nhắc nhở vua khi ngự ở cổng lớn rằng xung quanh mình là bách tính thiên hạ, mỗi quyết định của vua đều liên quan đến bách tính nên phải cư xử sao cho đúng với Đạo làm vua. Ngoài ra cổ ngữ có câu “Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”, dân là cột chống cho triều đình của nhà vua, nếu để mất lòng dân, không còn cột chống thì triều đại sẽ sụp đổ.
Qua cửa ngọ môn tiến vào hòang cung sẽ đi qua cầu “Trung Đạo”, ngụ ý trị quốc phãi giữ đạo “trung dung” không được đi sang cực đoan. Không thiên vị, không quá đi, cũng không thiếu đi, “trung chính” là tốt nhất.
Ở hai bên cầu “Trung Đạo” có 2 nghi môn (còn gọi là phương môn), 2 mặt của mỗi nghi môn đều có chữ, tổng cộng có 4 mặt nghi môn có 4 dòng chữ như sau: “chính trực đẳng bình”, “chính đại quang minh”, “cư nhân do nghĩa” và “trung hòa vị dục”.
“Chính trực đẳng bình”: Ngày xưa đi học đều phải học qua tứ thư và ngũ kinh, trong đó viết rằng: chính trực đẳng bình, tuân vương chi nghĩa, tuân vương chi đạo, vương đạo chính trực. Câu này nhằm nhắc nhở vua quan cần ngay thẳng rõ ràng, bậc quân vương tuân theo điều nghĩa, không thiên lệch.
“Cư nhân do nghĩa”: Câu này từ sách của Mạnh Tử. Xưa kia Khổng Tử hay bàn về “Nhân”, cách tu dưỡng nhân cách làm người, sau này Mạnh Tử tiếp tục phát triển “Nhân” này, gọi là “nhân nghĩa”. Mạc Tử giảng “Quân nhân, mạc bất nhân; Quân nghĩa, mạc bất nghĩa” nghĩa là nếu vua có lòng nhân thì không ai không theo nhân; Nếu vua đi theo nghĩa thì không ai không đi theo nghĩa. “Cư nhân do nghĩa” được ghi trên nghi môn để vua quan khi đi qua đây đọc được thì luôn ghi nhớ trong lòng.
“Trung hòa vị dục”: cũng nằm trong sách của Mạnh Tử. “Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã trí; Trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” nghĩa là thực hiện được đầy đủ lẽ trung hòa thì trời đất được an vị, vạn vật được sinh sôi nẩy nở.
Cầu “Trung Đạo” nằm ngay trên trục “dũng đạo”, trục chính của kinh thành, thể hiện sự trung dung hài hòa, không cực đoan.
Qua sân Đại Triều Nghi là đến điện “Thái Hòa”, đây là nơi nguy nga nhất hòang cung, là nơi đăng quang khi vua mới lên ngôi, cũng là nơi thiết triều. “Thái” ở đây nghĩa là cao nhất, “hòa” nghĩa là hòa hợp, “Thái hòa” mang ý nghĩa “thiên – địa – nhân” đạt đến sự hòa hợp cao nhất. Từ “thái hòa” có nguồn gốc từ kinh dịch, trong phần viết về quẻ thuần càn, có câu “bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh” nghĩa là giữ gìn và thể hiện được sự hòa hợp thì có lợi ở điều chính; “thái hòa, âm dương hội hợp dung hòa chi khí dã” nghĩa là thái hòa là cái khí âm dương hội hợp mà dung hòa với nhau.
Quẻ thuần càn này có đặc điểm là “nguyên, hanh, lợi, trinh”.
Nguyên: Khởi đầu, nguyên thủy. Mang ý nghĩa là Đạo là căn nguyên sinh ra vạn vật, làm cho vạn vật sinh sôi phát triển.
Hanh: Hanh thông, biến hóa. Mang ý nghĩa là đạo trị quốc cần thông suốt, đơn giản mà hiệu quả. Cần giảm bớt những thứ nặng nề khiến không thể hanh thông. Bỏ bớt gánh nặng cho dân giúp hanh thông tức thuận theo Đạo. Để làm cho đạo trời hanh thông không bế tắc thì vua quan phải tự sửa mình.
Lợi: Mang ý nghĩa là lợi ích.
Trinh: Thành đạt, vĩnh cửu, bền vững. Mang ý nghĩa là thuận theo tự nhiên chính là theo Đạo, mọi việc sẽ hanh thông, thuận lợi.
“Nguyên, hanh, lợi, trinh” chính là một vòng tuần hoàn từ lúc khởi đầu (nguyên) cho đến lúc có kết quả đạt được (trinh).
Điện Thái Hòa là trọng tâm của kinh thành Huế, nơi thiết triều để đưa ra các quyết sách trị quốc, thể hiện được cách dùng Đạo trị quốc, thuận theo ý trời thì mọi việc sẽ hanh thông.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đạo trị quốc nhà Nguyễn Cố đô Huế