Đôi nét về Kẻ Bưởi (P2)
- Trần Hưng
- •
Ngoài nghề dệt lĩnh, Kẻ Bưởi còn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Trung tâm làm giấy là làng Yên Thái. Giấy Kẻ Bưởi từng rất nổi tiếng và có mặt ở khắp nơi.
- Tiếp theo phần 1
Nghề làm giấy truyền đến Kẻ Bưởi
Cách đây 2.000 năm Trung Quốc đã có phát minh làm ra giấy viết, sau đó xuất hiện vị tổ truyền nghề làm giấy là Thái Luân. Không lâu sau nghề làm giấy đã truyền đến vào nước ta, ghi chép từ các tài liệu cho thấy vào thế kỷ thứ 3 nghề làm giấy đã được truyền đến Giao Chỉ.
Nghề giấy truyền đến Kẻ Bưởi từ xa xưa, theo những người được truyền thụ nghề làm giấy nơi đây thì Đức Thánh Tổ là con cháu xa của cụ Thái Luân đến Giao Chỉ, từ Quảng Ninh rồi theo sông Tô Lịch đến Thăng Long, truyền nghề cho dân làng Cót (cầu Giấy ngày nay).
Sau đó cụ đi các nơi, đến làng Nghĩa Đô, làng Cả (tức làng Yên Thái sau này) thì truyền nghề cho dân chúng nơi đây, từ đó Kẻ Bưởi có nghề làm giấy mà Yên Thái là trung tâm, nhiều ca dao về nghề làm giấy dó xuất hiện ở đây
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh
Nhiều ca dao về nghề giấy
Sở dĩ gọi là “giấy dó” bởi nguyên liệu làm giấy là vỏ của cây dó, đây là loại cây thấp chỉ cao 1 đến 2 mét mọc tự nhiên thành rừng ở Phú Thọ và Yên Bái. Người dân đến đây thu mua vỏ cây dó rồi đưa xuống bè theo sông Hồng đến bên Xù Gạ (gần bến Chèm, quận Bắc Từ Liêm ngày nay), rồi dùng xe bò kéo vỏ cây dó về làng.
Công đoạn nặng nhọc nhất là giã vỏ dó, cái vất vả này đã đi vào ca dao:
Giã nay rồi lại giã mai
Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày
Trong các công đoạn làm giấy thì xeo giấy là công đoạn quan trọng quyết định sự thành công, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay nên thường do phụ nữ đảm nhận, phải đứng bên tàu xeo làm việc miệt mài trong nhiều giờ, mùa đông vẫn phải ngâm tay trong bể nước lạnh buốt giá. Vì thế mà có ca dao mô tả công việc xeo giấy vất vả:
Xeo đêm rồi lại xeo ngày
Đôi tay tê buốt vì mày giấy ơi
Hay như:
Tàu xeo nước giá như đông
Tay đưa liềm giấy mà lòng nhớ ai
Nhớ người tuổi ngoại đôi mươi
Da xanh mai mái miệng cười đưa duyên.
Làng Yên Thái nằm sát hồ Tây, cứ mỗi đêm về sáng là tiếng chày giã vỏ dó lại vang dội, nghề làm giấy gắn liền với đời sống đi vào cao dao:
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Hay như:
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co
Nghề làm giấy Kẻ Bưởi ngày càng có tiếng, giấy Kẻ Bưởi có mặt ở khắp nơi, nhiều câu ca dao mô tả đời sống tinh thần người làm giấy:
Người ta buôn vạn bán ngang
Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi
Dám xin ai đó chớ cười
Em đây làm giấy cho người đề thơ”
Giấy ở Kẻ Bưởi rất nổi tiếng và phổ biến, mỗi làng lại chuyên làm một loại giấy: Làng Yên Thái làm giấy in sách và giấy lĩnh để chép ngọc phả, Kinh Phật; Yên Hòa cung cấp giấy làm quạt; Hồ Khẩu làm giấy gói hàng, làm đồ chơi, vàng mã; Đông Xã làm giấy quỳ để dát vàng; Nghĩa Đô làm giấy sắc phong.
Một người Pháp là Henri Oger đã mô tả trong cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” rằng: Giấy mà bền chắc, viết không bị nhòe, độ bền có thể lên tới hàng trăm năm do đặc tính của xơ sợi và làm hoàn toàn bằng thủ công, không có hóa chất.
Kẻ Bưởi xưa kia là vùng làng quê rộng lớn với nghề thủ công nổi tiếng, nhưng ngày nay lại thành phố phường chật hẹp. Sông Tô Lịch đoạn chảy qua Kẻ Bưởi bị lấp, nguồn nước sạch để làm giấy không còn, nghề làm giấy cũng bị mai một dần và đến nay đã không còn.
Tuy thế nhưng làng Yên Thái vẫn giữ tục lệ thờ tổ nghề Thái Luân cùng Đức Thánh Tổ truyền nghề đến nơi đây. Hàng năm dân làng lấy ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ nghề.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mởi xem video:
Từ khóa làng nghề truyền thống