Lâu nay ở nhiều thành phố luôn tồn tại một mâu thuẫn, đó là giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị. Công cuộc “hiện đại hóa” diễn ra nhanh chóng thậm chí có lúc “mất kiểm soát” làm cho các đô thị luôn trong tình trạng “sốt đất”, nhất là những “khu đất vàng” trung tâm hoặc nơi cảnh quan môi trường tự nhiên sạch đẹp… Nhiều di chỉ khảo cổ buộc phải khai quật và giải tỏa để xây dựng hạ tầng, các công trình kiến trúc cổ xưa bị thay thế bằng công trình mới cao tầng toàn kính và bê tông, cây xanh cổ thụ bị chặt hạ hàng loạt để mở đường…

Công cuộc “giải cứu” những dấu tích lịch sử là hồn vía của đô thị chưa có hiệu quả thì trên bình diện cả nước lại phải đối diện với một mâu thuẫn khác còn nan giải hơn nhiều lần. Đó là mâu thuẫn giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

Là một đất nước có tiềm năng về du lịch nhờ địa thế, địa hình đa dạng có núi rừng biển đảo, nhiều khu vực thoát khỏi sự tàn phá trong chiến tranh và chưa bị con người khai thác còn khá hoang sơ, khí hậu nhiệt đới điều hòa quanh năm, văn hóa tộc người phong phú độc đáo… Du lịch trở thành ngành “kinh tế không khói” phát triển mạnh từ thời kỳ “mở cửa” mà phương thức chủ đạo là khai thác di sản tự nhiên và di sản văn hóa.

Đừng biến du lịch sinh thái thành “con tin”

Nhưng hơn một thập kỷ gần đây phần lớn các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi cảnh quan nguyên sơ ít người biết đến… bắt đầu bị khai thác quá sức dưới nhãn hiệu “du lịch sinh thái”. Dấu hiệu dễ nhận biết là việc xây dựng tràn lan cáp treo, chùa chiền hoành tráng, biệt thự, lâu đài sang trọng theo lối Âu Mỹ mọc lên san sát… Đánh đổi cho những khu du lịch này là hàng trăm hàng ngàn hecta rừng bị xóa sổ, bãi biển trở thành “sở hữu” của những resort, cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái và môi trường sống của cộng đồng, của một số loài vật quý hiếm tại một số khu vực.

Chỉ cần lướt qua google ta có thể biết hàng chục khái niệm về Du lịch sinh thái mà khái niệm nào cũng nhấn mạnh nội dung đây là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Loại hình du lịch này phổ biến khắp thế giới từ cuối thế kỷ 20 nhằm đáp ứng nhu cầu của con người muốn được gần gũi hòa mình vào thiên nhiên hơn, mang lại sự hiểu biết nhiều hơn về những nền văn hóa mới lạ, đồng thời cũng là cách thức kêu gọi và tuyên truyền việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Hoàn toàn không phải là khai thác, tàn phá hay làm biến đổi mà phải dựa vào môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa để làm du lịch sinh thái.

Rõ ràng nhiều khu vực “du lịch sinh thái” nổi tiếng ở nước ta rất xa lạ với khái niệm trên, để làm “du lịch” đầu tiên là người ta tàn phá tự nhiên và từ đó môi trường văn hóa của cộng đồng bản địa ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên vẫn có lập luận cho rằng, để phát triển một khu vực thì việc đánh đổi môi trường tự nhiên và di sản văn hóa của cộng đồng là điều “bình thường”, thậm chí còn là “mong muốn” của người dân vì đó là lối thoát kinh tế khi trước mắt du khách có thể mang đến cho họ “con cá”. Vậy thì ở đâu vai trò điều tiết, điều hành của nhà quản lý địa phương và cấp cao hơn đối với phát triển kinh tế xã hội, để cộng đồng địa phương có được “cần câu” mà vẫn bảo đảm sự bền vững của môi trường và văn hóa cho xã hội?

Mặt khác, có thật sự là lối thoát hay chỉ là “ngõ cụt” vì khi tự nhiên và văn hóa bị tàn phá thì còn gì để mời gọi và hấp dẫn du khách – những người thật sự cần và mong muốn được đáp ứng về du lịch sinh thái đang ngày càng tăng. Du lịch phá hoại sinh thái thì khách “một đi không trở lại” đồng thời không có khách mới vì thời đại internet tiếng xấu càng bị “đồn xa”, địa phương và cộng đồng sẽ là nơi đầu tiên chịu hậu quả. Và như vậy những gì đang diễn ra ở Sapa, Bà Nà, Sơn Trà, Cát Bà, Phú Quốc… và hàng loạt bãi biển, thắng cảnh khác có thực sự là “phát triển du lịch” hay du lịch chỉ là lớp vỏ bên ngoài?

Khi di sản tự nhiên và văn hóa không được tôn trọng và bảo vệ mà bị tàn phá tùy tiện như “chiến lợi phẩm” sau những tranh đoạt của các tập đoàn đại gia, khi “du lịch sinh thái” biến thành “con tin” để ngành du lịch và chính quyền địa phương mặc cả và thỏa hiệp thì “phát triển bền vững” cho cộng đồng và xã hội chỉ là một câu khẩu hiệu.

Nguyễn thị Hậu
6.2017

Đăng lại từ blog: haukhaoco2010.blogspot.com
Bài đã đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn

TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.

Facebook tác giả: Hậu Kc Nguyễn

Xem thêm: