Thời Ngụy Tấn, có một nhạc gia nổi tiếng trong nhóm “Trúc Lâm thất hiền” là Kê Khang. Trong Cầm phú của ông có những câu như: “Chúng khí chi trung, cầm đức tối ưu” (Trong các loại nhạc khí, thì đức của đàn cầm là nhất), “Hàm thiên địa chi thuần hòa hề, hấp nhật nguyệt chi hưu quang” (Ngậm khí thuần hòa của trời đất, hấp thụ vẻ đẹp của mặt trăng mặt trời)… Kê Khang rất yêu cầm nghệ và ông cũng vô cùng có thành tựu trong phương diện này.

Ke Khang duong sinh luan 01
(Tranh: Chí Thanh, Vision Times)

Lúc bấy giờ, họ Tư Mã đang tiếm quyền Tào Ngụy, Kê Khang tài giỏi nhưng tính tình cương quyết. Ông luôn đứng về phía nhà Ngụy, một mực tỏ thái độ không hợp tác với họ Tư Mã. Năm 262 sau Công Nguyên, Kê Khang bị Tư Mã Chiêu mượn cớ sát hại. Theo Tấn thư ghi, lúc Kê Khang ở trong ngục, có 3.000 thái học sinh yêu cầu miễn xá cho ông và nguyện ý bái ông làm thầy, nhưng không được chấp nhận. Khi Kê Khang lâm hình, thấy còn chút ít thời gian bèn xin cho mang đến một cây cổ cầm, rồi ông ung dung diễn tấu lần cuối khúc nhạc tâm huyết nhất đời mình là Quảng Lăng Tán. Ðàn xong ông nói: “Có kẻ xin học bài này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”. Đây là câu chuyện nổi tiếng nhất về ông.

Kê Khang còn để lại một số tác phẩm, trong đó Dưỡng Sinh Luận là một cuốn sách quan trọng. Trong cuốn sách này, Kê Khang không chỉ bàn về đạo dưỡng sinh, mà còn bàn cao hơn, chính là xuất phát từ vấn đề Thần tiên mà bàn đến vấn đề trường sinh. Ông cho rằng Thần tiên là có tồn tại trên thế gian, “Thần tiên tuy không thấy được bằng mắt, nhưng trong sách vở được ghi chép, và sử sách trước nay lưu truyền, đều miêu tả rất rõ ràng”. Tuy nhiên Kê Khang cũng cho rằng muốn trở thành Thần tiên không phải chuyện dễ, “có vẻ là thu được dị khí, từ trong tự nhiên mà thu được” chứ không phải khổ học là có thể đạt được. Tuy nhiên “bậc thượng thọ hơn nghìn tuổi, bậc hạ có thể thọ hàng trăm năm” thì có thể đạt được, nhưng đáng tiếc là “thế nhân đều không tinh thông việc ấy, vậy nên không ai có thể có được thọ mệnh như vậy”.

Kê Khang có cách nhìn nhận về nguyên nhân người thế gian không thể đạt được trường sinh, dưỡng sinh. Ông cho rằng con người thế gian “ăn uống không có tiết chế mà sinh bách bệnh, tham sắc không biết mệt mà tinh lực kiệt quệ” lại thêm vào “phong hàn xâm hại, bách độc tổn thương”, vậy nên “yểu mệnh bởi nhiều họa nạn” là kết quả tất yếu.

Kê Khang cũng cho rằng người thế gian không biết phương pháp bảo vệ ngăn chặn xâm nhiễm, “không biết giữ gìn khi các bệnh tật nguy hại chưa lộ rõ”, lại thêm vào nhận thức sai lầm “cho rằng ngày cảm thấy đau là ngày bắt đầu mắc bệnh”, cuối cùng bước trên con đường “chết bởi khinh suất”.

Kê Khang chỉ ra rằng nhiều người “lấy số đông để chứng thực cách nghĩ của mình, lấy thọ mệnh ngang với người bình thường để an ủi bản thân, cho rằng nguyên lý đất trời hoàn toàn đều ở đây rồi”, bởi vậy khi nghe người khác bàn về chuyện dưỡng sinh thì “dùng kiến thức của bản thân để phán xét, cho rằng nó chẳng phải vậy”.

Người thế gian đối với đạo dưỡng sinh tuy có chút hy vọng vào, nhưng lại không biết cách làm theo, hơn nữa lại còn hồ nghi. Cứ thế sau nửa năm hoặc một năm, nhọc sức mà chưa thấy hiệu nghiệm, “ý chí sa sút, rồi bỏ dở giữa chừng”. Cũng có người “muốn ngồi chờ kết quả rõ ràng” mà áp dụng phương pháp phản tự nhiên, kết quả “nội tâm không ngừng đấu tranh, những thứ bên ngoài lại không ngừng mê hoặc, việc hưởng thụ vật chất trước mắt và công hiệu dưỡng sinh trong thời gian lâu tương khắc bài trừ lẫn nhau” cuối cùng vẫn là nhận lấy thất bại.

Vậy nên Kê Khang nói: “Rất nhiều người thế gian tâm chí xa rời đạo dưỡng sinh đã cho rằng dưỡng sinh không mang lại hiệu quả, do đó không truy cầu, thế nhưng người truy cầu dưỡng sinh cũng sẽ mất đi hiệu quả bởi không chuyên tâm. Người phiến diện chỉ dựa vào một loại phương pháp cuối cùng cũng sẽ không được công trạng gì bởi không toàn diện. Người chỉ truy cầu kỹ thuật dưỡng sinh thì sẽ tự hủy đi đại nghiệp bởi suy nghĩ hạn hẹp”. Do vậy người mong cầu dưỡng sinh “trong cả vạn người cũng không có lấy một ai có thể thành công cả”.

Sau cùng Kê Khang đã đưa ra quan điểm của bản thân về dưỡng sinh, ông cho rằng dưỡng sinh bao gồm cả hai phương diện tinh thần và hình thể, cả hai cần được quan tâm cùng lúc.

Về việc tu thân bảo trì tâm tính, thì phải yêu cầu bản thân đạt được “tư tưởng đạm bạc hư vô, hành vi tĩnh tại thản nhiên, dần dần trừ bỏ hết các tư tâm và tham dục”, cách làm cụ thể là “không vì tình mà yêu mà ghét, trong tâm không lưu lại buồn vui, thanh tịnh đạm bạc, không bị ảnh hưởng bởi ai lạc, như thế thân tâm sẽ hòa hợp, khí cơ thông suốt”, “hiểu được danh lợi địa vị sẽ hại đến tinh thần, bởi vậy xem nhẹ mà không truy cầu, hơn nữa không phải trong tâm hy vọng đạt được mà phải có hành động khắc chế nó; hiểu được cao lương mỹ vị sẽ hại đến sinh cơ, nên từ bỏ mà không luyến tiếc, hơn nữa không phải là trong tâm tham luyến không dứt sau đó cần có hành động cưỡng ép kiềm chế. Những thứ bên ngoài như danh lợi địa vị sẽ hại đến tâm tính vậy nên không lưu lại trong tâm, tinh thần bởi đơn giản đạm bạc nên sung mãn. Tấm lòng thản đãng mà không có lo sợ, tâm tính tĩnh lặng nên không có nghĩ suy. Lại dùng công thuần nhất ước thúc bản thân, dùng khí ôn hòa điều dưỡng bản thân”.

Về điều dưỡng thân thể, Kê Khang cho rằng cần học “hô hấp tập thở”, chú ý “ăn uống dưỡng sinh”, “dùng linh chi xông người, dùng nước suối ngọt nhuận tạng phủ, tắm nắng buổi sớm, dùng âm nhạc an định thần chí, vô vi tự đắc, thân thể nhẹ bẫng, tâm tính trầm tĩnh, quên đi hoan lạc hưởng thụ mà lại đầy ắp vui vẻ, thoát khỏi trói buộc của sinh mệnh mà thân đắc trường tồn”.

Dưỡng Sinh Luận của Kê Khang được đưa ra vào hơn một ngàn bảy trăm năm trước, về cơ bản là cũng có điểm tương đồng với rất nhiều cuốn sách nổi tiếng khác về dưỡng sinh, là một tài liệu đáng để tham khảo.

Theo “Tài liệu giảng dạy sơ cấp Thiên tự văn
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời nghe radio: