Đứa em gọi điện nói chuyện chơi. Chuyện nọ xọ chuyện kia, một chặp nó kể.

“Hôm trước em nhắn tin nói chuyện chơi với chị bạn hàng. Em phàn nàn với chị ấy không biết sao cả tháng nay em không đăng được video trên trang Facebook nữa. Em kêu ca rằng do không đăng video trên Facebook được nữa nên ảnh hưởng đến việc bán hàng của em. Chị ấy buông gọn một câu: ‘Mày toàn đăng video đi chơi, sống ảo chớ có cái quái gì liên quan đến hàng hóa đâu mà bảo ảnh hưởng đến việc bán hàng?!’ Ui. Nghe xong em sốc. Như bị ăn một cú vả thẳng tay. Cảm thấy cơn tự ái nổi lên. Xong em chợt thấy xấu hổ, nhận ra chị ấy…nói đúng. Em phá ra cười.

Em nhận ra bao nhiêu năm nay em quá tốn thời gian, công sức và tiền bạc vào việc chụp ảnh, quay video, chỉnh sửa, lựa chọn, đăng lên Facebook. Sau một vài ngày lại lựa chọn, lại đăng, lại lựa tìm quần áo đẹp mặc, đi tìm góc đẹp chụp quay, lại chỉnh sửa, lại đăng. Lặp đi lặp lại. Phô diễn hình ảnh. Quá tốn kém nhưng cứ lao đầu vào trong một thời gian dài mà không nhận ra. Chị bạn tình cờ trong câu nói chứ không có ý xúc phạm hay bóc mẽ em, nhưng câu nói thẳng thật vô tình ấy giúp em nhận ra. Em vẫn thầm cảm ơn chị ấy tới giờ, chị ạ.”

Nó cười phe phé, sung sướng.

Mình chọc.

“Ờ ờ. Cú vả đẹp hén! Quá đẹp!”

“Em cảm thấy nuối tiếc vì đã mất quá nhiều thời gian mới nhận ra.”

“À, nhìn kỹ coi, tại sao em nuối tiếc? Khi em tua lại sự việc trong đầu, suy ngẫm lại việc đã qua trong quá khứ, phân tích thiệt hơn lợi hại, thì mới nảy sinh sự tự trách và hình thành nên nỗi tiếc nuối. Em nghĩ là em mất nên em tiếc. Thiệt ra thì việc em ham mê, nghiện trình diễn thể hiện hình ảnh không phải việc xấu, cũng chẳng tốt. Không có đúng hay sai. Đơn giản là em ở thời điểm đó có những nhu cầu muốn được thừa nhận, công nhận nên em muốn, em cần thể hiện.

Em cần trải qua những trải nghiệm ấy để qua đó em nhận biết cảm xúc, trạng thái tâm lý, suy nghĩ, hành vi, lời nói, cách em tương tác trong các mối quan hệ. Khi đã thẩm thấu đến mức độ đủ cần thì chỉ cần một câu nói vô tình từ một người nào đó hay một việc gì đó diễn ra tác động vào là em nhận ra và ngay lập tức chuyển biến nhận thức. Nếu em chưa trải nghiệm đủ, thì cho dù là mẹ em, chị, hay người thân thương uy tín nào đó với em có nói em cũng không nghe. Dù nói nặng nói nhẹ, năn nỉ, khuyên lơn, dạy bảo, nhét sách vào tay em, đưa thầy đến ngồi trước mặt em… thì em vẫn có cớ, có lý do, lý lẽ, lập luận để từ chối, không thừa nhận sự thật.

Cây chuối cần 8 – 10 tháng mới trổ bông. Trong thời gian đó nó cần đủ nước, nắng, khí, chất dinh dưỡng. Mọi điều kiện phù hợp. Mình đâu thể bảo sao cây chuối không chịu ra bông sớm hơn cho đỡ tốn thời gian, đỡ hao tổn đất, nước… Phải hông? Cái gì cũng có thời điểm của nó. Cú vả đúng thời điểm thì lập tức có tác dụng đó thôi. Vừa đẹp thế còn gì! Cái đẹp ở đây là mình không biết thời điểm nó diễn ra, không biết ai là người vả.”

Nó phá ra cười kêu đúng rồi phải rồi. Sự tiếc nuối trôi đi theo sự nhận ra. Mình nghe trong tiếng cười của nó sự rung động của quá trình chuyển biến. Mình đẩy thêm nhát nữa.

“Em thấy, khi nhận thức được rằng mọi thứ đều có thời điểm của nó thì tâm trạng của mình ra sao?”

“Thả lỏng hơn chị ạ. Không cuống quýt nữa. Bình tĩnh hơn.”

“Ờ. Đó. Từ cái thấy này em biết bao dung hơn với người khác một cách tự nhiên. Để cho người khác tự trải nghiệm và nhận ra bài học của họ. Không còn trách móc tại sao người này người kia chưa nhận ra điều này việc nọ. Thấy người ta chưa nhận ra, mình biết họ vẫn đang trong quá trình trải nghiệm, cây chưa tới thời điểm trổ bông kết trái, tự nhiên mình có sự bình tĩnh, tôn trọng và chấp nhận.

Em không biết khi nào, việc gì và ai là người giúp em nhận ra chính mình thì tự nhiên mình có cảm giác hứng thú, tò mò, chú tâm khi làm bất cứ việc gì, tiếp xúc với bất kỳ ai. Hổng biết ai là thầy mình. Nhiều khi thầy mình lại chính là cái đứa gây cho mình nhiều cảm giác khó chịu nhất. Vậy mới đẹp!

Nếu mình luôn coi mình là trung tâm thì mình luôn trách tại sao người này việc nọ làm cho mình khó chịu. Đổ thừa người, đổ thừa ngoại cảnh, điều kiện. Còn khi thấy người hay việc gây khó chịu là thầy mình thì mình có sự chú tâm quan sát sự khó chịu bên trong mình, từ đó nhận ra bài học, thay vì đổ thừa trách móc người và ngoại cảnh thì mình tự nhiên thấy biết ơn. Như em biết ơn người chị vả cho em một phát đó. Tự học đó. Thấy thú vị hông, đẹp quá trời quá đất hông?!”

Hai chị em dây cà ra dây muống, nói cười mãi không thôi.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: