Hà Tông Huân: Vị Bảng nhãn nổi danh phụng sự 5 đời vua Lê
- Trần Hưng
- •
Bảnh nhãn Hà Tông Huân là người làng Vàng, xã Kim Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Dù sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng ngay từ bé đã có tiếng thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng.
Đến nay người dân làng Vàng vẫn còn lưu truyền câu truyện về tài nhớ của Hà Tông Huân. Một lần được cha sai đi mua lịch, cậu bé Huân đến nơi bán, cầm tờ lịch xem một lượt rồi tay không về nhà, nói không cần mua lịch nữa vì đã nhớ hết rồi. Người lớn giở cuốn lịch ra kiểm tra thì Huân trả lời chính xác.
Thuở nhỏ ham chơi, một lần bị cha bắt trói vào cây cau trước nhà, nói nếu con tả được cây cau với hai vế đối thì tha cho. Hà Tông Huân nghĩ một lúc rồi nói:
Lưng đeo đai bạc bao nhiêu nén,
Đầu đội tàn xanh biết mấy tầng.
Hà Tông Huân tả buồng cau qua đôi câu đối rất chuẩn, lại còn hứa hẹn một ngày nào đó “lưng đeo đai bạc, đầu đội tàn xanh” vinh quy bái tổ.
Trở thành học trò và con rể của danh sư làng Bón
Nổi tiếng là thần đồng, Hà Tông Huân mới 15 tuổi đã đỗ kỳ thi Hương, nhưng muốn học cao hơn phải tìm thầy ở làng khác để học. Nghe nói ở làng Bón có danh sĩ Trần Ân Chiêm từng làm quan trong Triều đình, vì chán cảnh tranh giành quyền lực nên cáo quan về quê, Hà Tông Huân cùng hai bạn học là Trịnh Đồng Giai và Đỗ Huy Kỳ sang làng Bón tìm thầy.
Ba người bạn đến đầu làng thấy có ông lão đang ngồi nghỉ dưới gốc cây đa thì đến hỏi thăm. Ông lão nói mình ra câu đối nếu đối đượcc sẽ chỉ cho, rồi ông ra vế đối: “Đi đường đất thịt trơn như mỡ”, vế đối thể hiện quang cảnh lúc đó trời cũng vừa mưa xong đường rất trơn.
Trong khi hai người bạn đang suy nghĩ thì Hà Tông Huân đã đối rằng: “Ngồi tựa gốc đa mát thấu xương”. Vế đối rất chuẩn, lại cũng thể hiện quang cảnh lúc đó ông lão đang ngồi gốc đa. Ông lão cười khoái trá rồi dẫn 3 người đi, thì ra ông chính là quan nghè làng Bón Trần Ân Chiêm.
Có chuyện rằng một lần Hà Tông Huân theo thầy ra suối tắm, khi vắt áo lên cành cây cổ thụ trên bến sông, thầy liền ra vế đối: “Cổ thụ trăm năm thành giá áo”, Tông Huân liền đối lại rằng: “Sông dài muôn dặm hóa chậu con”.
Theo “Việt sử giai thoại” thì thầy Trần Ân Chiêm thấy 3 học trò của mình có tư chất hơn người thì có ý gả luôn cả 3 cô con gái cho. Trần Ân Chiêm bèn chọn ra 3 chữ, ứng với ba học trò: Hà Tông Huân vốn ở làng Kim Vực, lấy chữ Kim tức vàng; Trịnh Đồng Giai xuất thân làng Ngọc Hoạch, mới lấy chữ Ngọc; Đỗ Huy Kỳ quê làng Thử Cốc lấy chữ Cốc.
Rồi ông nói với 3 cô con gái là mình có món lúa (Cốc), ngọc và vàng (Kim) xem các con thích cái nào. Cô cả chọn lúa, được cha gả cho Đỗ Huy Kỳ; con thứ chọn ngọc, được cha gả cho Trịnh Đồng Giai; con út thích vàng, được cha gả cho Hà Tông Huân.
Theo sách “Công dư tiệp ký” trong 3 chàng rể thì Hà Tông Huân là người thông minh và mẫn tiệp hơn cả, nhưng có lúc cũng mê chơi. Một lần ông Chiêm nghe nói con rể là Hà Tông Huân đi đánh bạc thì tức giận nhờ người đi tìm về. Tông Huân đi về qua ruộng nhà thì thấy cha vợ cùng mọi người đang làm ruộng vất vả.
Ông Chiêm yêu cầu con rể ra câu đối nếu đối được thì tha, “Học bác tài xa dự nhập tứ môn chi tuyển”, nghĩa là học rộng tài cao, dự cả 4 kỳ thi tuyển. Hà Tông Huấn đối rằng “Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công”, nghĩa là cha cày, con bừa nên thu công cả trăm mẫu. Ông Chiêm nghe câu đối lại chưa sâu sắc nên không hài lòng lắm, nhưng vì có nói đến cày bừa, hy vọng con rể đã hối lỗi nên ông tha tội cho.
Thi đỗ Bảng nhãn, làm quan đến Tể tướng đầu triều
Đến khoa thi năm 1724, Hà Tông Huân vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình, ông xuất sắc đỗ đầu, do khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông đỗ Bảng nhãn.
Trong hai người bạn của Hà Tông Huân, thì Trịnh Đồng Giai đỗ tiến sĩ (không rõ năm nào), còn Đỗ Huy Kỳ đỗ đầu tức Thám hoa vào khoa thi năm 1731 (khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn).
Hà Tông Huân vinh quy bái tổ về làng, người dân làng Vàng vô cùng vinh dự, gọi ông là người làng Vàng đỗ bảng vàng.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” thì Hà Tông Huân là bậc văn võ toàn tài, ông làm ở Viện Hàn lâm rồi làm Đốc đồng Sơn Nam, Đốc trấn An Quảng. Đến thời vua Lê Hiển Tông, ông được thăng làm Tả Thị lang bộ Hộ, sau làm Phòng sát sứ ở Tây đạo và Nam đạo, Rồi thăng làm Binh bộ Thượng thư.
Năm 1745, chúa Trịnh Doanh cho ông vào nội các, dự việc cơ yếu. Chúa nghe ý kiến của ông thì rất vừa ý, phong làm Tham tụng (tương đương Tể tướng) tước Kim Kê bá, sau đó còn kiêm thêm chức Tham đốc.
Lúc này có quân nổi dậy chống Triều đình ở Thanh Hóa, Hà Tông Huân dẫn quân đi dẹp, nhờ kỷ luật binh sĩ tốt nên giành được chiến thắng.
Sau đấy ông kiêm thêm cả chức tu soạn ở Viện Quốc sử và dạy kinh sách ở Quốc Tử Giám, được xem là bậc tôn sư.
Năm 1760 khi đã 64 tuổi, sức khỏe đã xuống lại kiêm nhiều trọng trách, ông xin được nghỉ hưu về quê. Tuy nhiên chẳng bao lâu chúa Trịnh Doanh lại mời ông ra làm Tế tửu Quốc Tử Giám và vào Triều làm cố vấn cho Chúa.
Thời gian này ông trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn lại cửu kinh (tức 9 bộ sách về Nho học), đồng thời làm giám khảo các kỳ thi Hội, thi Đình để chọn nhân tài cho đát nước. Ông là bậc tôn sư được kính trọng, được đánh giá là không tham quyền cố vị, luôn tạo điều kiện để lớp hậu thế phát huy hết tài năng.
Năm 1766, Hà Tông Huấn mất, thọ 70 tuổi, được phong hàm Thái phó. Ông làm quan trải 5 đời vua Lê, 3 đời chúa Trịnh. Người dân lập đền thờ, Triều đình cử bộ Lễ đến làm tang lễ với đôi câu đối:
Sự nghiệp Tam khôi Thần báo trước,
Văn chương bậc nhất được Vua khen.
Học trò của ông nhiều người được hiển đạt, trở thành trụ cột của đất nước
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã nhận xét rằng:
“Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát, việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách. Lại thích tác thành cho người hậu tiến, học trò của ông đỗ rất nhiều”.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Hai vị bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng (P1)
- Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và “Trị bình thập tứ sách”
Mời xem video “Lý trí làm người mới là lựa chọn thông minh nhất”:
Từ khóa nhà Lê khoa bảng Bảng nhãn