Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần khi cướp ngôi, khiến hoàng tộc nhà Trần ly tán khắp nơi. Trải qua nhiều sóng gió, hậu duệ của Hưng Đạo Vương vẫn có được 9 đời liên tiếp là Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.

Thế hệ thứ năm cũa họ Đặng có nhiều người được phong Công, Hầu, tiêu biểu có Đặng Tiến Lân và Đặng Đình Tướng. Đặng Tiến Lân sinh năm 1667, ông là con trưởng của Yên quận công Đặng Tiến Thự và Quận chúa con của chúa Trịnh Tạc, cũng là hậu duệ dòng trưởng đời thứ 5 của Đặng Huấn. Năm 17 tuổi ông được ban tước Gia quận công, trải qua nhiều chức vụ thì được giao giữ chức Đại Tư mã tức nắm giữ toàn bộ quân đội nhà Lê – Trịnh.

Ham thích chữ Thánh Hiền, thi đỗ tiến sĩ

Đặng Đình Tướng là em trai của Gia quận công Đặng Tiến Lân. Khác với anh em trong dòng họ vốn là võ tướng, ông lại thích văn và ham thích học chữ Thánh Hiền.

Dù sống trong cảnh giàu sang nhung lụa, có thể dễ dàng lập công danh, nhưng Đặng Đình Tướng ngày đêm siêng năng dùi mài kinh sử, quyết chí theo con đường khoa bảng.

Năm 1669, Triều đình tổ chức khoa thi, Đặng Đình Tướng tham dự và đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên. Năm sau ông vượt qua kỳ thi Hội và cùng 31 người bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Ông đỗ tiến sĩ, cao thứ 7 trong số 31 người dự thi Đình.

Văn bia tiến sĩ khoa thi năm 1670 có đoạn: “Bấy giờ người dự thi đông đến trên hai ngàn, thải loại dần, đến khi vào tứ trường chỉ còn trên 600 người mà chọn được hạng xuất sắc 31 người”.

tien si thumbnail
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Suốt nửa thế kỷ làm quan

Đặng Đình Tướng giỏi cả văn lẫn võ nên ông được chúa Trịnh giao nhiều trọng trách khác nhau.

Năm 1687, ông được cử đi dẹp giặc thổ phỉ ở Tuyên Quang, Hưng Yên, giúp giữ yên dân chúng. Sau đó ông được cử làm Phó Sứ sang nhà Thanh, nêu rõ việc vùng Hưng Hóa, Tuyên Quang liên tục bị đám thổ phỉ từ nhà Thanh sang quấy nhiễu.

Năm 1705, ông được cử làm Bồi tụng, Tả thị lang bộ Lại.

Giai đoạn này Trấn thủ Sơn Nam là Lê Đình Kiên cai trị rất tốt, đánh dẹp trộm cướp và Tàu Ô, xây dựng Phố Hiến (thuộc Hưng Yên) thành trung tâm thương mại giàu có, là nơi phồn hoa đô hội không thua gì Kinh thành. Năm 1704 Lê Đình Kiên mất, Triều đình cử ngưới khác thay trấn thủ Sơn Nam nhưng không thể làm được như trước.

Năm 1705, chúa Trịnh Căn cử Đặng Đình Tướng đến làm Trấn thủ Sơn Nam, phong tước Ứng quận công. Ông giữ yên Phố Hiến, giúp nơi đây tiếp tục phát triển.

Năm 1709, chúa Trịnh Căn mất, Đặng Đình Tướng cùng Tham tụng Nguyễn Quý Đức phò tá Trịnh Cương lên ngôi, ông nói rằng: “Vương tôn Trịnh Cương tư chất thông minh, dùi mài học tập, tính tình hiếu thuận, đức hạnh nhân nghĩa, tài đức không ai sánh bằng, có thể lên ngôi chúa, nối nghiệp vương, bảo trọng tông thống, quy tụ lòng dân”.

Chúa Trịnh Cương là chúa Trịnh hiếm hoi cai trị tốt, lại rất siêng năng, xã hội không có nạn binh đao. Sử gia Phan Huy ChHú viết về thời vua Lê Dụ Tông (chúa Trịnh Cương cai trị) như sau: “Bấy giờ [vua] nối nghiệp thái bình, không biết việc đao binh, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ, các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh.”

Năm 1718 ông được phong làm Thái phó, sau đó vì tuổi cao nên ông xin được nghỉ hưu ở quê nhà làng Lương Xá.

Niềm hy vọng của dân oan

Dù Đặng Đình Tướng nghỉ hưu nhưng vào ngày rằm và mùng một hàng tháng, ông vẫn được mời đến Phủ Chúa tham vấn việc chính sự.

Vì biết lịch ông đến Thăng Long, người dân thường đứng chờ sẵn hai bên đường lạy chào, dân oan đưa thư gửi ông nhờ ông thưa giúp lên Triều đình. Khi có thư của dân chúng, ông đều cho dừng kiệu để nhận, dân đưa thư nhiều khiến kiệu của ông đi rất chậm. Vì thế sau đó mỗi lần ra Kinh thành, ông để sẵn giỏ tre ở đầu và phía sau kiệu, ai có gì cần thưa lên Triều đình thì gửi vào đó, nhờ đó mà kiệu không phải dừng lại.

Ông đến Thăng Long là chiều tối, mở thư của dân gửi ra xem xét, chuẩn bị sẵn. Sáng hôm sau vào Phủ Chúa ông đưa ra các vấn đề mà dân nhờ thưa lên Triều đình. Nhờ đó mà nhiều kiến nghị của dân được giải quyết, dân oan cũng được xem xét và giải oan.

Năm 1730, chúa Trịnh Giang mới lên ngôi đã mời ông ra giúp mình. Tuy nhiên năm đó ông đã 82 tuổi già yếu, nên chỉ để lại cho Chúa cuốn “Thuật cổ quy huấn” gồm 8 chương rồi về nhà. Chúa gia phong cho ông làm Đại tư mã.

Năm 1735, Đặng Đình Tướng mất, thọ 87 tuổi, được truy tặng Đại Tư không, phong phúc thần. Dân chúng khắp nơi đều thương tiếc, dân oan nhờ có ông minh oan đến tiễn đưa ông rất đông.

Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết về ông như sau: “Ông tuổi trẻ làm quan lên đến chức vị cao sang; trong khoảng ngót 70 năm, từng trải mấy triều, trở nên bậc kì cựu, công danh phẩm vọng hơn cả các quan. Ba con và một cháu của ông đều cưới Quận chúa, một nhà quý thịnh người ta gọi ông là Tiên quốc lão”.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: