Việc tiết lộ đoạn ghi âm giọng nói trong buồng lái đã ghi lại cảnh một phi công của Air India chất vấn phi công kia về việc cắt nhiên liệu giữa chừng đã làm tăng thêm sự chú ý vào một khả năng đáng lo ngại: Một cơ trưởng dày dạn kinh nghiệm có thể đã cố tình làm hỏng máy bay phản lực của mình khiến gần 250 người mất sinh mạng—làm dấy lên những câu hỏi cấp bách về cách ngành hàng không giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của phi công.

New Project 82
Các chuyên gia pháp y và quan chức DGCA đang tìm kiếm bằng chứng tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Air India, ngày 13/6/2025 tại Ahmedabad, Ấn Độ. Chuyến bay của Air India, đang trên đường đến London, đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ Sân bay Ahmedabad. Khoảng 260 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. (Ảnh: Raju Shinde/Hindustan Times qua Getty Images)

Đầu tháng 6, một chiếc Boeing 787 do hãng hàng không quốc gia Ấn Độ vận hành đã rơi ngay bên ngoài sân bay Ahmedabad, khiến toàn bộ 242 người trên máy bay thiệt mạng, ngoại trừ một người. Đây là thảm họa hàng không thương mại chết chóc nhất trong gần một thập kỷ. Khi cuộc điều tra tiếp tục, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng vụ tai nạn là cố ý, làm dấy lên tranh luận về cách thức sàng lọc, hỗ trợ và theo dõi các vấn đề sức khỏe tâm thần của phi công.

Những chi tiết mới được tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Ba (16/7) cho thấy hệ thống điều khiển nhiên liệu của máy bay đã bị tắt vài giây sau khi cất cánh. Theo Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ, hai công tắc này được bật cách nhau khoảng một giây. Tờ báo cũng trích dẫn đoạn ghi âm giọng nói trong buồng lái, trong đó một phi công cuống cuồng hỏi phi công cấp cao hơn tại sao động cơ lại bị tắt – một khoảnh khắc đã trở thành trọng tâm của những đồn đoán về hành động cố ý.

Chuyên gia tư vấn hàng không và cựu phi công Boeing Mohan Ranganathan nói với NDTV rằng khả năng máy bay bị ngắt nhiên liệu do tai nạn là “hoàn toàn” không thể xảy ra.

“Phải thực hiện thủ công, không thể thực hiện tự động hoặc do mất điện vì bộ chọn nhiên liệu không phải loại trượt…. Bạn phải kéo chúng ra và di chuyển chúng lên hoặc xuống. Vì vậy, việc vô tình dịch chuyển chúng ra khỏi vị trí sẽ không thể xảy ra”.

Các nhà điều tra vẫn chưa xác định hành động này là cố ý hay vô tình, và Cục Điều tra Tai nạn Máy bay Ấn Độ kêu gọi không nên đưa ra kết luận vội vàng.

Áp lực của phi công

Những trường hợp phi công tự sát như vậy, mặc dù hiếm, đã từng xảy ra trước đây. Năm 2015, cơ phó Andreas Lubitz của Germanwings đã khóa cửa buồng lái và điều khiển chiếc Airbus A320 lao thẳng xuống dãy Alps của Pháp, khiến toàn bộ 150 người trên máy bay thiệt mạng.

Các nhà điều tra Hoa Kỳ kết luận rằng chuyến bay 990 của EgyptAir năm 1999 và chuyến bay 185 của SilkAir năm 1997 cũng là do hành vi cố ý của phi công, mặc dù cả Ai Cập và Indonesia đều bác bỏ kết luận này. Hai vụ tai nạn đó đã khiến tổng cộng 321 người thiệt mạng.

Gần đây hơn, chuyến bay 5735 của China Eastern năm 2022 đã lao xuống từ độ cao bay trong một vụ tai nạn cố ý khác, theo dữ liệu bị rò rỉ, khiến 132 người thiệt mạng.

Trong khi vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân khiến chuyến bay 370 của Malaysia Airlines mất tích trên Ấn Độ Dương năm 2014 – một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không hiện đại – thì một trong những giả thuyết đáng tin cậy nhất là vụ giết người hàng loạt – tự sát có chủ đích của Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah.

Theo phân tích của Newsweek về dữ liệu từ Cục Lưu trữ Tai nạn Máy bay Thụy Sĩ, nếu tất cả các sự cố xảy ra trong 30 năm qua được xác nhận là các trường hợp phi công giết người-tự sát, thì tổng số người chết sẽ lên tới 1.084, tương đương khoảng 3,5 % tổng số người tử vong trên toàn thế giới do các vụ tai nạn hàng không thương mại trong cùng kỳ.

Tiến sĩ Robert Bor, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Tâm lý Hàng không, chia sẻ với Newsweek: “Những sự cố này rất hiếm gặp, nhưng chúng gây ra hậu quả thảm khốc và nhắc nhở chúng ta tại sao sức khỏe tâm thần cần được coi là một thành phần quan trọng của an toàn hàng không”.

Mặc dù tai nạn cố ý chỉ chiếm một phần nhỏ trong các thảm họa hàng không, nhưng hậu quả của chúng lại vô cùng to lớn. Nó tàn phá gia đình, làm lung lay niềm tin của công chúng và phơi bày những điểm mù trong cách ngành hàng không giám sát sức khỏe tâm thần của phi công.

Tiến sĩ Bor cho biết những yêu cầu đối với phi công có thể gây hại nếu không được giải quyết.

“Phi công được kỳ vọng sẽ duy trì sự cảnh giác và bình tĩnh cao độ dưới áp lực”, ông nói. “Nhưng những thách thức của họ không chỉ là kỹ thuật – mà còn là cá nhân, tài chính và các mối quan hệ. Những áp lực này tích tụ, và nếu không được kiểm soát, có thể trở nên nguy hiểm”.

Ông Bor nói thêm rằng sự kỳ thị trong cộng đồng phi công vẫn tiếp tục khiến ngay cả những phi công kỳ cựu cũng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. “Giờ đây chúng ta đã hiểu được một điều gọi là ‘tránh né chăm sóc sức khỏe'”, ông giải thích. “Điều này xảy ra trong những ngành nghề mà việc thừa nhận vấn đề sức khỏe tâm thần có thể gây nguy hiểm cho sinh kế của bạn. Và điều này rất thực tế trong ngành hàng không”.

Tại Ấn Độ, nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay Air India, các vấn đề sức khỏe tâm thần thường bị xem là điểm yếu cá nhân hơn là một tình trạng có thể điều trị được. Một nghiên cứu năm 2023 được thực hiện ở miền bắc Ấn Độ cho thấy khoảng cách điều trị bệnh tâm thần lên tới 95%, do nhiều người vẫn ngần ngại tìm kiếm sự chăm sóc tâm thần do sợ hãi, xấu hổ hoặc bị phân biệt đối xử.

Cựu phi công và chuyên gia hàng không Dan Bubb nói thêm rằng sự im lặng về sức khỏe tâm thần thường xuất phát từ nỗi sợ hãi về những rủi ro nghề nghiệp liên quan. “Nếu bạn nói với hãng hàng không hoặc FAA rằng bạn đang gặp khó khăn, bạn có thể bị tước giấy phép hoặc bị cấm bay”, Bubb nói với Newsweek.