Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú và những lời tiên tri làm Hoàng đế
- An Hòa
- •
Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú khởi binh vì tin tưởng vào tiên tri. Vì vậy, sau khi lên ngôi hoàng đế, ông càng thêm kính Trời và tin vào vận mệnh. Người ta thường bị thu hút bởi những cuộc chiến khốc liệt mà Lưu Tú tham gia, nhưng lại ít để ý đến những lời tiên tri xung quanh ông được ghi chép trong chính sử.
Lưu Tú là con trai của Hán Cảnh Đế, là hậu duệ của Trường Sa vương. Tuy nhiên thời đó, Hán Vũ Đế áp dụng chính sách phân chia đất đai của các chư hầu vương cho con cháu của họ, khiến cho lãnh thổ của các chư hầu ngày càng thu hẹp lại. Cũng chính vì điều này mà đến thời Lưu Tú, ông chỉ là một nông phu.
Lưu Tú rất chăm chỉ cày cấy trồng trọt. Anh trai của ông là Lưu Diễn thì thích nuôi dưỡng hiệp sĩ, thường hay chế giễu Lưu Tú. Sách chính sử “Hậu Hán thư” ghi lại một câu chuyện rằng: Sau khi Vương Mãng lên nắm quyền, trở thành quyền thần cướp ngôi nhà Hán, nạn đói xảy ra ở Nam Dương. Lúc ấy Lưu Tú đang bán thóc lúa ở huyện Uyển, Nam Dương. Lý Thông, người huyện Uyển đã dùng sách “Đồ sấm” khuyên Lưu Tú rằng: “Lưu thị phục khởi, Lý thị vi phụ”, ý nói nhà họ Lưu sẽ lại trỗi dậy và nhà họ Lý sẽ là trợ thủ.
Ban đầu, Lưu Tú không dám nhận trách nhiệm, nhưng thấy rằng Vương Mãng đã có dấu hiệu thất bại, nên ông đã triệu tập binh lính ở huyện Uyển. Tháng sau đó có hiện tượng thiên văn biến hóa, trên bầu trời ở phía Nam xuất hiện vì sao rất sáng, báo hiệu nước Sở sẽ có chiến tranh.
Khi anh trai của Lưu Tú là Lưu Diễn khởi binh, thân nhân và họ hàng đều sợ hãi, bỏ chạy nói rằng: “Lưu Diễn hại chúng ta rồi!” Đợi đến khi thấy Lưu Tú mặc quân phục, họ ngạc nhiên nói: “Lưu Tú mà lại làm như vậy, khởi binh hẳn là việc nên làm”. Họ mới an định tâm lại.
Ban đầu khi khởi binh, Lưu Tú không có ngựa mà cưỡi trâu cày. Khi ông giết tướng lĩnh Tân Dã thì mới có ngựa cưỡi. Sau này ông đã đánh bại được Vương Mãng.
Lúc Lưu Tú ở Trường An, một người là Cường Hoa đã dâng thơ tiên tri “Xích phục phù”, trong đó viết:
Lưu Tú phát binh bộ bất đạo,
Tứ di vân tập long đấu dã,
Tứ thất chi tế hỏa vi chủ.
“Lưu Tú phát binh bộ bất đạo” ý nói Lưu Tú phái binh bắt kẻ vô đạo là Vương Mãng.
“Tứ di vân tập long đấu dã”, nghĩa là dân tộc thiểu số ở bốn phương đều nổi dậy khởi binh phản loạn, trí thức chi sĩ cũng khởi binh phản kháng.
“Tứ thất chi tế hỏa vi chủ” là câu khó hiểu nhất trong lời tiên tri, ý nói quân chủ tiếp theo thuận theo hỏa đức mà trị vì thiên hạ vào khoảng thời gian tứ thất. “Tứ” (4) nhân “thất” (7) là 28. Từ thời Hán Cao Tổ đến Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú tổng cộng là 228 năm đã ứng nghiệm lời tiên tri “tứ thất chi tế”. Vì vậy, các quần thần đã tâu với hoàng đế: “Phù thụ mệnh chính là ‘xích phục phù” do Cường Hoa dâng lên. Bây giờ sự ứng nghiệm của phù thụy đã rõ ràng, và chúng ta nên báo cáo với thần linh, thuận theo kỳ vọng của mọi người”. Vì vậy, Lưu Tú đã sai người đi dựng đàn tế để cúng tế Trời và báo cáo với Trời việc mình lên ngôi Hoàng đế.
Vì Lưu Tú xuất quân theo lời tiên tri, nên ông rất tin vào lời tiên tri. Vào tháng 2 năm Kiến Vũ thứ 17, Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú đã rời khỏi hoàng cung để tránh nhật thực. Trong lúc đó ông đã rất hứng thú đọc cuốn sách tiên tri “Đồ sấm”, say mê đến mức ngồi đọc rất lâu dưới hành lang phủ đầy sương.
Vào tháng 9 năm Kiến Vũ thứ 22, một trận động đất đã xảy ra. Hoàng đế Lưu Tú đã ban chiếu chỉ nói rằng: “Giữa ban ngày xảy ra động đất, đặc biệt là ở Nam Dương. Lỗi thuộc về trẫm. Quỷ thần sẽ không thuận theo những kẻ vô đức. Tai họa sẽ ảnh hưởng đến quan lại và dân chúng, trẫm rất lo sợ. Nay trẫm ra lệnh cho Nam Dương không thu thuế trong năm nay, giảm một bậc án cho những người bị kết án tử hình, tháo gông cùm cho những tù nhân bị đày ải và cấp cho họ áo lụa để mặc”. Lưu Tú cũng nhiều lần ban phát lương thực cho những người góa bụa, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa và người nghèo.
Lưu Tú ngày nào cũng vào triều, gặp gỡ các đại thần, tướng lĩnh, đêm khuya mới đi ngủ. Thái tử thấy ông siêng năng, không mệt mỏi, bèn khuyên ông nghỉ ngơi, nhưng ông nói: “Trẫm làm việc này không thấy mệt.”Ông siêng năng làm việc, luôn cẩn thận và sợ mình làm chưa đủ, nên có thể xử lý việc triều chính một cách rành mạch, sáng suốt.
Năm Trung Nguyên thứ nhất (năm 56 SCN), Hán Quang Vũ Đế công bố sách tiên tri “Đồ sấm” với toàn thiên hạ. Ông tin tưởng và kính trọng trời đất, ông sống đến 62 tuổi, tuổi thọ tương đối cao đối với các hoàng đế thời cổ.
Hán Quang Vũ Đế sở dĩ có tên “Lưu Tú” là vì khi Lưu Tú chào đời, trong phòng có xuất hiện ánh sáng. Cha của ông đã nhờ người xem bói, và lời bói rằng có điềm lành sẽ đến. Năm đó, trong huyện được mùa, cây trồng lên xanh tươi tốt, tức là “Tú”. Vì vậy, cha của ông đã đặt tên cho ông là “Lưu Tú”.
Đương thời có một người biết xem thiên tượng, tên là Tô Bá A, đang làm nhiệm vụ ở Nam Dương cho Vương Mãng. Từ xa nhìn thấy tường thành Thung Lăng, ông ta đã cảm thán: “Khí của thiên tử thật tràn đầy”. Trước đó, đạo sĩ Tây Môn Quân Huệ và Lý Thủ cũng nói Lưu Tú sẽ làm Hoàng đế.
Khi còn hàn vi, Lưu Tú thường làm ruộng, nhưng cuối cùng ông lại trở thành hoàng đế. Anh trai của Lưu Tú là Lưu Diễn dù rất có tham vọng nhưng lại chỉ là một ánh sao băng. Nếu Trời cao an bài cho một người làm Hoàng đế, thì dù là nông dân, người đó cũng sẽ trở thành Hoàng đế. Nếu Trời không cho một người làm Hoàng đế, thì dù có tham vọng đến đâu cũng vô ích. Trong lịch sử có rất nhiều chuyện như vậy đã xảy ra và được ghi chép vào chính sử.
Theo Zhengjian.org
Tác giả: Hán Viên
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tiên tri
