Sau khi Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ tiếp quản vị trí của cha, phát triển đất Hà Tiên, cho khai phá miền Tây Nam bộ.

Sách Đại Nam liệt truyện mô tả rằng:

“Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển, hiểu thông võ lược. Túc Tông Hoàng Đế năm thứ 11 Bính Thìn (1736), mùa xuân, chúa cho Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên, ban cho 3 chiếc thuyền ‘Long bài’ được miễn thuế. Lại sai mở lò đúc tiền để tiện cho việc mua bán. Thiên Tứ bèn chia đặt nha thuộc, tuyển quân lính, đắp thành quách mở rộng phố, chợ. Thương nhân và lữ khách các nước tụ họp đông đúc.”

Mạc Thiên Tứ
Bãi biển đất Hà Tiên ngày nay. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1739, Cao Miên đưa quân tiến đánh Hà Tiên, Thiên Tứ cầm quân đánh tan quân Cao Miên bảo vệ vững chắc Hà Tiên. Sự việc này “Đại Nam liệt truyện” ghi chép rằng:

“Thế Tông Hoàng Đế năm đầu, Kỷ Mùi (1739), mùa xuân, Nặc Bôn nước Chân Lạp xâm lấn Hà Tiên. Chân Lạp vì cớ mất đất nên oán Mạc Cửu. Khi Cửu đã mất, Thiên Tứ mới lĩnh cờ tiết trấn thủ, Nặc Bôn bèn đem quân đến xâm lược. Thiên Tứ đem bộ thuộc đi đánh, chiến đấu suốt ngày đêm. Vợ Thiên Tứ là Nguyễn thị đốc suất vợ quân lính chuyển lương ăn và đem cơm nước cho quân, do đó, quân được ăn no. Thiên Tứ bèn đánh hăng, quân của Nặc Bôn bị tan vỡ. Tin thắng trận đưa đến, Chúa trầm trồ khen ngợi và cho là lạ, đặc cách trao cho Thiên Tứ làm Đô đốc Tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ, đai. Nguyễn thị cũng được phong làm phu nhân. Bởi thế, Chân Lạp không dám nhòm ngó Hà Tiên nữa.”

Giúp định hình nước Việt ngày nay

Đánh bại Cao Miên, lại xây dựng Hà Tiên trù phú, người người quy thuận theo về, nên uy danh của Mạc Thiên Tứ lên rất cao.

Cao Miên mỗi khi có chuyện lại phải nhờ đến Mạc Thiên Tứ làm trung gian giao thiệp với chúa Nguyễn, còn chúa Nguyễn nhờ đấy mà mở rộng lãnh thổ. Cao Miên được Mạc Thiên Tứ giúp đỡ cưu mang nên tặng thêm đất đai, khiến lãnh thổ Đàng Trong mở rộng đến cực nam.

Năm 1748, Nặc Nguyên lên ngôi Vua Cao Miên, đưa Sứ sang Đàng Ngoài mưu hợp với chúa Trịnh cùng đánh chúa Nguyễn để lấy lại vùng đất Thủy Chân Lạp.

Biết việc này, năm 1753 chúa Võ (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) quyết định đưa binh tiến đánh Cao Miên trước.

Nặc Nguyên thua trận phải chạy đến Hà Tiên, rồi nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian xin nhận tội, dâng 2 phủ là Tầm Bôn (tức Tân An, Long An ngày nay) và Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay) để tạ tội, đồng thời xin cống nộp lễ vật còn thiếu 3 năm trước đó. Đàng Trong nhờ đó nhận thêm được 2 Phủ mới.

Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận tạm nắm quyền. Nhưng Nặc Nhuận muốn ngôi Vương nên tấu với Chúa Võ xin phong tước Vương cho mình. Chúa Võ yêu cầu Nặc Nhuận phải dâng hai vùng đất là Trà Vang (nay là Trà Vinh và Bến Tre), Ba Thắc (nay là Sóc Trăng và Bạc Liêu) mới chuẩn tấu. Nặc Nhuận đồng ý.

Sang năm 1758, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh nổi loạn giết chết để cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Ong Ton chạy sang Hà Tiên lánh nạn và nhờ Mạc Thiên Tứ cầu cứu với Chúa Nguyễn đánh đuổi Nặc Hinh giành lại ngôi Vương.

Chúa Võ đồng ý sắc phong cho Nặc Ong Ton là Quốc Vương nhưng yêu cầu phải dâng thêm vùng đất Tầm Phong Long (tức An Giang, Đồng Tháp bây giờ).

Nặc Ong Ton vì để tạ ơn Mạc Thiên Tứ đã cưu mang giúp đỡ mình khi hoạn nạn nên đã tặng riêng 5 phủ là: Kompong Som (Vũng Thơm), Kampot (Cần Bột), Chal Chun (Chưn Rùm hay Chân Sâm), Bantey Méas (Sài Mạt) và Raung Veng (Linh Quỳnh). Mạc Thiên Tứ lại dâng hết cả 5 phủ này cho chúa Nguyễn. 5 phủ này đều thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau ngày nay.

Nhờ sự giúp sức của Mạc Thiên Tứ, đến đây lãnh thổ Đại Việt đã mở rộng đến vùng cực nam, định hình cho nước Việt ngày nay.

Phòng thủ vững chắc Hà Tiên

Là vùng đất giàu có, Hà Tiên liên tục bị dòm ngó, Mạc Thiên Tứ thường chủ động phòng thủ chứ không đợi đến khi bị đánh.

Đại Nam liệt truyện chép rằng:

“Năm Đinh Hợi (1767) mùa xuân, nước Miến Điện đánh nước Xiêm, bắt Phong vương. Con thứ của vương là Chiêu Thúy chạy sang Hà Tiên. Thiên Tứ lại đưa thư cho Văn Khôi kéo quân cứu viện về. Gặp bấy giờ có người Triều Châu nhà Thanh tên là Hoắc Nhiên, họp quân ở đảo Cổ Lộng, ngầm có ý dòm ngó Hà Tiên, Thiên Tứ cho quân lén đi vây bắt. Hoắc Nhiên bị giết chết, dư đảng tan hết”.

“Năm Kỷ Sửu (1769), mùa xuân, lại có người Triều Châu nhà Thanh tên là Trần Thái, họp quân ở núi Bạch Mã, mưu đánh úp Hà Tiên, bí mật liên kết với người họ Mạc là Mạc Sùng, và Mạc Khoan làm nội ứng. Thiên Tứ đặt quân phục bắt Sùng, Khoan, đuổi dẹp bọn ấy ở chùa Hương Sơn. Trần Thái chạy sang Xiêm”.

“Năm Canh Dần (1770) mùa thu, lĩnh trấn Hà Tiên là Phạm Lam tụ họp những người Vũng Thơm (Hương Úc), Cần Giột (Cần Bột) cùng bọn Vinh Ma Ly người Chà Và và Ốc Nha Kê người Chân Lạp, gồm có hơn 800 quân, 15 chiếc thuyền, chia đường thủy, bộ, đánh úp Hà Tiên. Thiên Tứ đánh phá được, đâm chết Phạm Lam ở trên sông, bắt được tên Lự và tên Kê đem chém đi”.

Vua Xiêm đích thân tiến đánh

Sau này tại Đàng Trong quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn Triều chính, vơ vét quốc khố, mua quan bán chức, lại tăng tô thuế khiến Đàng Trong đang hưởng cảnh thái bình trù phú bỗng trở nên điêu tàn, dân chúng nổi loạn khắp nơi.

Khi chúa Võ mất, Trương Phúc Loan cho bắt giam rồi giết thế tử Nguyễn Phúc Luân (cha của Nguyễn Phúc Ánh), đưa Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ lên ngôi Chúa nhằm dễ bề điều khiển, tha hồ vơ vét thao túng Đàng Trong. (Xem bài: Quyền thần khiến cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn sụp đổ)

Nhận thấy Đàng Trong không còn mạnh như trước, năm 1771 đích thân vua Xiêm La là Taksin đưa 2 vạn quân tiến đánh Hà Tiên. Quân Xiêm La chính quy vừa trải qua cuộc chiến với Miến Điện và nội chiến trong nước nên quen trận mạc và thiện chiến, có cả Vua Chiêm tham chiến nên rất hăng, số quân lại đông hơn nhiều với quân trấn giữ Hà Tiên.

Sách Gia Định thành thông chí mô tả rằng:

“Ngày mùng 3 tháng 10, chúng tiến đến Hà Tiên, vây chặt trấn thành (thành có 3 mặt chắn bằng ván gỗ, không phải xây bằng đất đá). Lúc ấy quân giữ Hà Tiên rất ít ỏi, nên họ phải đóng chặt cửa thành để chống cự, mặt khác lo cấp báo với đồn dinh Long Hồ.”

“Thủy quân của Xiêm chiếm được núi Tô Châu rồi dùng súng lớn bắn vào thành, tình thế rất nguy cấp. Đêm mùng 10, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ bốc cháy khiến cả thành đều chấn động. Qua đêm 13, quân Xiêm từ cửa sau của thành do chỗ cửa sông nhỏ không được đắp thành phá cửa xông vào phóng lửa đốt dinh, ánh lửa rực cả núi rừng, quân Xiêm trong ngoài giáp công, chúng vừa đánh trống vừa hò reo huyên náo, tiếng súng đại bác vang như sấm. Tông Đức hầu (Mạc Thiên Tứ) thân dẫn quân đánh với chúng trên đường phố, một lúc sau, quân dân trong thành tan vỡ chạy tán loạn, qua canh ba thành vỡ, Tông Đức hầu quyết tử chiến với địch thì Cai đội Đức Nghiệp hầu đến ôm nách đưa Tông Đức hầu lên thuyền rồi chèo theo đường sông hướng về Giang Thành (tên một thủ sở) mà chạy.”

Quân Xiêm La đuổi theo sau, Mạc Thiên Tứ chạy đến Tân Châu Tiền Giang thì gặp Tống Phước Hiệp đang dẫn binh từ dinh Long Hồ đến ứng cứu. Quân Việt tiến vào sông Châu Đốc thì găp quân Xiêm La đang đuổi theo, hai bên giao chiến, quân Xiêm thua to phải lên bờ bỏ chạy về Hà Tiên.

Tuy nhiên Tống Phước Hiệp không đưa quân đến giải cứu Hà Tiên, mà chỉ đóng ở Châu Đốc ngăn quân Xiêm tiến về phía bắc, có lẽ do quân ở dinh Long Hồ không đông và cũng không còn mạnh như trước nên chỉ có thể phòng thủ.

Quân Xiêm chiếm được Hà Tiên thì cướp phá, thu được rất nhiều vàng bạc, bắt được hầu thiếp và con gái út của Mạc Thiên Tứ đưa tất cả về Bangkok.

  • Còn nữa

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: