Nguồn gốc tên gọi Tam khôi – Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa
- Trần Hưng
- •
Danh hiệu Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa rất quen thuộc với người Việt và gắn liền với lịch sử khoa bảng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết về nguồn gốc và lịch sử hình thành tên gọi này.
Từ khoa cử ở Trung Quốc
Khoa cử được hình thành từ thời nhà Tùy ở Trung Quốc nhưng mới là sơ khai chưa có quy củ. Vào thời nhà Đường, khoa cử hình thành với quy củ rõ ràng, phân rõ các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, và có cả danh hiệu cao nhất là Trạng nguyên, nhưng lúc này chưa có danh hiệu cho người đỗ cao thứ hai, thứ ba là Bảng nhãn và Thám Hoa.
Sở dĩ đỗ đầu được gọi là “Trạng nguyên” (狀元) vì chữ “nguyên” (元) là đầu tiên, như ngày đầu tiên trong năm 1/1 gọi là Tết nguyên đán. Khi thi xong các thí sinh nộp quyển thi gọi là “trạng” (狀). Vì thế người đỗ đầu được gọi là Trạng nguyên.
Sĩ tử khi vượt qua được các kỳ thi Hương, thi Hội sẽ được xem là đỗ tiến sĩ và vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Vào đến thi Đình xem là đã đỗ, việc thi cử chỉ là để phân định cao thấp, chọn người đỗ đầu là “Trạng nguyên”.
Trước khi diễn ra kỳ thi Đình, các sĩ tử đã đỗ tiến sĩ này sẽ được đến vườn Hạnh để dự tiệc “Thám hoa yến” (tiệc thăm hoa). Triều đình còn mở cả tiệc lớn ở đầm Khúc Giang mạn đông nam Trường An, gọi là “Khúc Giang hội”.
Tại bữa tiệc này, sĩ tử nào trẻ nhất lại có bề ngoài tuấn tú, đối ứng lưu loạt sẽ được chọn làm “Thám hoa sứ” hay còn gọi là “Thám hoa lang”. Sau khi được chọn, Thám hoa sứ sẽ phụ trách hái các cành hoa đẹp trong vườn, rồi làm một bào thơ chúc phúc hay biểu đạt tâm tình của mình đến những người dự “Thám hoa yến”.
Thế nhưng dần dần việc lựa chọn Thám hoa cũng chính là thừa nhận người này vừa có tài năng, vừa có dung mạo tuấn tú. Tài năng thì đã vượt qua các kỳ thi Hương, thi Hội trước đó, vào thi Đình đã là đỗ tiến sĩ rồi. Vì thế người chọn làm Thám hoa được xem là đã vượt qua cuộc thi chọn nhân tài lại được thừa nhận có dung mạo tuấn tú nhất.
Người xưa có câu “tướng do tâm sinh” người có dung mạo tuấn tú ắt phải có “tâm tốt”, nên người xưa thường “chọn mặt gửi vàng”. Vì thế mà vua chúa hay các vương gia thường thích chọn Thám hoa làm con rể. Công chúa hay các tiểu thư nhà quyền quý cũng rất thích Thám hoa. Vì thế mà mỗi khi khoa thi kết thúc, Trạng nguyên và Thám hoa được chọn mặt gửi vàng, kết hôn với công chúa hay quận chúa.
Đến thời Bắc Tống, ngoài danh hiệu Trạng nguyên cho người đỗ đầu, thì còn chọn người đỗ thứ nhì và thứ ba. Khi đọc danh phát thưởng thì trên bảng vàng người đỗ thứ hai và thứ ba đứng hai bên Trạng nguyên giống như hai con mắt, vì vậy mà hai người này được gọi là “Bảng nhãn” (tức đôi mắt trên bảng vàng).
Đến thời Nam Tống thì Bảng nhãn chỉ lấy có một người đứng thứ nhì, còn người đứng thứ ba được gọi là Thám hoa. Tức danh hiệu Thám hoa không phải là lựa chọn theo dung mạo như thời nhà Đường, mà phải thi đỗ cao thứ ba mới được gọi là Thám hoa.
Đến khoa bảng ở Việt Nam
Ở Việt Nam khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm 1075 dưới thời vua Lý Nhân Tông, được gọi là Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Khoa thi này lấy 10 người đỗ, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, do lúc ấy chưa có danh hiệu Trạng nguyên, nhưng về sau người ta xem Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên đầu tiên.
Đến khoa thi năm 1232 dưới thời vua Trần Thái Tông mới phân thứ bậc gọi là Đệ nhất giáp (2 người), đệ nhị giáp (2 người) và đệ tam giáp (1 người). Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng: “Khoa ấy lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ Đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ Đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ Đệ tam giáp”.
Phải đến khoa thi năm 1247 dưới thời vua Trần Thái Tông mới có Tam khôi, tức 3 người đỗ đầu gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ Thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau”.
Đây là khoa thi đầu tiên có đủ danh hiệu Tam khôi, cũng là khoa thi đặc biệt khi đỗ Tam khôi đều là những người nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng. Bảng nhãn Lê Văn Hưu lớn tuổi nhất trong Tam khôi nhưng mới chỉ 17 tuổi (sinh năm 1230), còn Trạng nguyên và Thám hoa mới chỉ 13 tuổi (sinh năm 1234).
Khi ban trang phục Trạng nguyên và Thám hoa, cả Nguyễn Hiền và Đặng Ma La đều lúng túng trong bộ trang phục rộng thùng thình. Vua cũng ngạc nhiên vì kỳ thi Đình dù đề ra rất khó, mà người đỗ đầu đều còn nhỏ tuổi mà bài làm lại xuất sắc vượt xa các sĩ tử khác.
Vua bèn hỏi: “Tân Trạng nguyên và tân Thám hoa nhờ đâu mà đang ít tuổi thế kia lại đỗ cao?”
Nguyễn Hiền nhanh nhẩu đáp rằng: “Muôn tâu, sinh nhi dĩ tri”, nghĩa là sinh ra đã biết. Nguyên lời của Khổng Tử là: “Sinh nhi tri chi giả thượng dã” nghĩa là: “Sinh ra mà đã biết ấy là người ở bậc cao”.
Đợi Nguyễn Hiền trả lời xong, Đặng Ma La mới chậm rãi đáp rằng: “Muôn tâu, đắc ư sư truyền” nghĩa là: “Được như thế là nhờ có thầy truyền dạy”.
Vua nghe xong liền cho rằng Nguyễn Hiền văn chương giỏi nhưng còn thiếu “lễ” nên cho về nhà 3 năm sau thì vào Triều. Đặng Ma La tuy cũng trạc tuổi Nguyễn Hiền nhưng được lòng vua, nên cho lễ rước vinh quy về làng, sau đó gọi ra Triều đình phong chức làm Thẩm hình viện sứ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Người không có tiền thì 3 lời không nên nói, 3 việc không nên làm”:
Từ khóa thảm họa Trạng nguyên khoa bảng Bảng nhãn tam khôi