Hoàng đế Khang Hy cả đời cần mẫn, chính trực, và hết sức thận trọng, dốc sức trị vì, dùng trí tuệ và tầm nhìn hơn người để chủ quản triều chính trong 61 năm. Trong thời gian tại vị, ông thực thi nền chính trị nhân từ trên diện rộng, ban ân đức, mang lại cho thiên hạ cảnh tượng thịnh thế “vạn dân an khang, thiên hạ phồn thịnh”. Hoàng đế Khang Hy cũng là một trong những bậc đế vương cần mẫn nhất trong việc giáo dục hậu duệ, nhờ vậy nhiều hoàng tử vương tôn sau này đều là người văn võ toàn tài.

Con trai Hoàng đế Khang Hy, Hoàng tử Ung Chính, sau này vì “ích đồ kế thuật” (bồi đắp cơ đồ, kế tục sự nghiệp) đã đem những lời dạy hàng ngày của Khang Hy biên soạn thành cuốn “Đình huấn cách ngôn”. Từ đó ngày nay hậu thế được biết đến cách dạy con của Hoàng đế Khang Hy, được biết tới đạo “cách trí thành chính” (nghiên cứu đến cùng để biết nguồn gốc của sự vật sự việc, luôn bảo trì thành ý, chính tâm) và “tu tề tri bình” (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), cũng có may mắn lĩnh hội được phần nào “tâm pháp” dạy con của vị minh quân nhân đức này.

Hoàng đế Khang Hy: Việc học cần luôn coi mình là kẻ ngốc
Hoàng đế Khang Hy. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Dạy bảo từng ngôn hành cử chỉ

Khang Hy đế vô cùng coi trọng việc quy phạm ngôn hành, cử chỉ, và hành vi của các hoàng tử. Đối với chuyện sinh hoạt hằng ngày, ông cũng răn dạy rất kỹ từ những việc nhỏ:

“Nếu trẻ được nuông chiều quá mức, chẳng những làm mất lễ tiết trong ăn uống, mà còn dẫn đến không có sức chịu đựng lúc chuyển nóng lạnh, lớn lên không ngu thì cũng si.”

“Lúc nhỏ ở nhà dưỡng mẫu, rất hay hút thuốc. Nay cấm người khác mà mình lại hút thuốc thì làm sao thu phục lòng người? Cho nên trẫm không bao giờ hút thuốc nữa.”

“Rượu vốn là dùng để tế tự Thần, để cung dưỡng người già, để chiêu đãi khách khứa, dùng cho yến hội, công dụng đó là không thể thiếu. Nhưng mê đắm trong rượu, không cần biết thời giờ, cũng không biết tiết chế thì không thể được.”

“Như trẫm uống được nhưng không uống, ngay từ đầu đã không uống rượu. Đại để là ham thích uống rượu sẽ làm loạn tâm trí dẫn đến mê muội, hoặc dẫn đến bệnh tật, thật không có ích lợi gì cho con người cả.”

“Cho nên trẫm khẩn thiết răn dạy các con hãy đoạn tuyệt, chớ làm kẻ đam mê rượu, chính là vì nó làm hại thân thể, làm loạn hành vi, không gì hại bằng nó.”

Về vấn đề cơm ăn áo mặc, Khang Hy chỉ rõ “hằng tự tri túc” (luôn tự biết đủ), đồng thời căn dặn con cháu “tuy là bậc thiên tử cao quý, nhưng y phục cũng chỉ cần đủ vừa người; dù có phú quý khắp thiên hạ thì mỗi ngày cũng chỉ ăn cơm thường, ngoại trừ lúc được ban thưởng sơn hào hải vị ra thì không được kén chọn mùi vị.”

Khang Hy còn răn dạy các hoàng tử không được nói ô ngôn uế ngữ, vì lời vừa nói ra khỏi miệng sẽ lập tức tổn đức. “Lời ô uế xuất ra khỏi miệng, tổn hại lớn thay!”

Về vấn đề dung mạo bên ngoài, Khang Hy yêu cầu con cháu phải làm được: “Phàm là đi đứng nằm ngồi, không được ngả nghiêng liếc xéo.”

Khang Hy dù việc lớn hay việc nhỏ cũng đều dạy dỗ các con chu toàn, việc gì cũng lấy thiện đức làm chuẩn tắc. “Thấy người tàn tật thì không được trêu cười”, “Đang lúc mưa lớn sấm sét, chớ đứng dưới gốc cây to.” “Các con dù ở nhà hay ra ngoài, đều phải thanh khiết thanh tịnh.”

Coi sóc việc học hành

Khang Hy rất coi trọng việc học hành của các hoàng tử, ông đích thân tuyển chọn người “lão thành cẩn thận”, “học vấn sâu rộng ưu tú”, hoặc những người “dù không uyên bác hay thông thạo Nho học, dù là người Mãn Châu hay người Hán, mà có phẩm chất đoan chính, có khả năng dạy học” để làm thầy dạy các hoàng tử đọc sách.

Khi cho mở phòng đọc sách, Khang Hy chọn dãy phòng ở mé Đông Nam Cung Càn Thanh, nơi ông ngồi làm việc triều chính, để tiện đích thân kiểm tra, đốc thúc việc học hành của các con.

Ông cho rằng: “Muốn con hơn người, phải nghiêm túc dạy con hướng thiện ngay từ nhỏ.” Các hoàng tử, khi trời còn chưa sáng, đã phải dậy học tập một mạch đến tối muộn, quanh năm bất kể ngày nóng hay lạnh cũng không bỏ ngày nào. Nội dung học tập rất rộng, ngoài các kinh điển ra, còn phải học thư họa, âm nhạc, hình học, thiên văn, cưỡi ngựa bắn cung, bắn súng, bơi lội, v.v..

Khang Hy cho rằng con người lúc nhỏ có năng lực học tập rất tốt, bởi vậy ông yêu cầu phải giáo dục sớm: “Khi còn trẻ thơ, tinh thần chuyên nhất, thông suốt, linh lợi; lớn lên tư tưởng lại bị phân tán, xao lãng, trì trệ.”

Ông cũng chỉ ra: “Đọc sách cần phải minh tỏ đạo lý. Rõ lý rồi trong tâm mới có chủ kiến, mới tự mình phán đoán được thị phi, chính tà.” Đọc sách không phải nhồi nhét đầy đầu mà để minh bạch đạo lý bên trong sách, đạo lý minh bạch rồi thì đối với đúng sai, chính tà tự nhiên sẽ có thể đưa ra phán đoán chính xác.

Khang Hy chỉ ra tầm quan trọng của việc đọc thơ cổ và kinh sử, đồng thời còn răn dạy con cháu không được xem các tiểu thuyết tiêu khiển, tạp nham: “Khi còn nhỏ không được xem tiểu thuyết, các sự việc trong tiểu thuyết đều là phô diễn mà thành, không có chỗ thực tế, xem vào hoặc tin đó là thật – mà đó đều là thứ chẳng ra gì – rồi lại bắt chước theo.”

Về rèn luyện kỹ nghệ, Khang Hy khuyên răn con cháu phải có tâm dũng mãnh tinh tấn. “Người nếu có ý chí kiên định, dũng mãnh tinh tấn, lại thường hằng bền bỉ, không hề lùi bước, thì kỹ nghệ nào mà không thành công được đây?”

Thực tiễn đã chứng minh cách giáo dục của Khang Hy hết sức thành công, không chỉ giáo dục nên những vị hoàng đế kiệt xuất như Ung Chính và Càn Long, mà các hoàng tử hoàng tôn của ông đều là những nghệ thuật gia, khoa học gia, tướng quân và quan viên tài ba.

Dạy con tu tâm

Làm người, quan trọng nhất là thiện. Khang Hy cho rằng chỉ cần thiện lương, nhất định sẽ được Thiên Thượng bảo hộ: “Sống ở đời, điều quan trọng nhất duy chỉ có hành thiện. Lời của thánh nhân để lại trong kinh thư chỉ dạy con người sống thiện. Lời dạy của Thần Phật cũng chỉ lấy thiện để dẫn dắt con người.” “Phàm là con người thì cần nhất là nỗ lực hành thiện. Tận sức theo ngũ luân, dốc lòng hành thiện, Trời cao tất sẽ phù hộ và ban phúc lành.”

Khang Hy còn đề xướng nhẫn nại. “Thiên hạ không có việc gì không thể vượt qua, nhẫn nại một chút rồi sẽ thấy không còn chuyện gì nữa.” Công phu nhẫn nại của Khang Hy cũng không phải như người bình thường, ông có thể vào ngày nắng nóng tháng Sáu mà “không cần quạt, không bỏ mũ”.

Khang Hy giáo dục các hoàng tử phải luôn luôn quy chính tâm niệm của bản thân, ông cho rằng: “Một niệm nhân tâm nhỏ bé, nếu không phù hợp với thiên lý thì chính là dục vọng của con người”, cho nên cần phải “đề phòng từ khi niệm vừa sinh ra, tình chưa khởi”, luôn phải loại trừ những tư tâm dục niệm bất hảo, khởi niệm phải tương hợp với Đạo, “chỉ có làm được tâm không động theo tai mắt mũi miệng thì mới được an nhiên tự tại.” Nếu vứt bỏ được dục niệm, vọng niệm thì nội tâm tự nhiên sẽ đạt được trạng thái an hòa, thư thái thực thụ.

“Con người chỉ nảy một tâm, khởi một niệm, niệm chính hay bất chính chỉ khác biệt ở một khoảnh khắc. Nếu một niệm bất chính mà nhận ra ngay, từ đó chính lại thì sẽ không xa rời đạo.” Luận thuật của Khang Hy về tu tâm hết sức giống với tu luyện tâm tính của chính Pháp chính Đạo.

Chính tín Thần Phật

Trong xã hội hiện đại, nhiều người bái Phật dường như chỉ để cầu Phật bảo hộ, tránh nạn tiêu tai, thi đỗ, phát tài, sinh con trai. Nhiều người thậm chí còn không tiếc chi những khoản tiền lớn để giành được chỗ thắp hương trong chùa.

Xã hội càng tới cận đại, người ta càng dần quên đi mất nội hàm của “kính Phật”. Đối với tình huống này, Khang Hy răn dạy con cháu: “Tâm kính sợ quỷ Thần không phải vì lo họa hay phúc, mà vì để bồi đắp chính khí của bản thân.” “Trẫm từ nhỏ lên ngôi, phàm là việc tế tự, lễ Thần Phật, đều luôn giữ thành kính trong tâm.”

“Phàm là người có thiện niệm, Trời cao tất ban phúc lộc, có thiện báo. Người thời nay ngày ngày lần tràng hạt niệm Phật, cũng mong muốn hành thiện. Nếu ác niệm không trừ thì lần tràng hạt có ích gì?” “Kính trọng Thần Phật, duy chỉ có trong tâm mà thôi.”

Khang Hy luôn mang tâm chân thành tuyệt đối với Thần Phật, không phải vì để tránh họa cầu phúc, mà là để chính lại bản thân. Nếu trong tâm tồn ác niệm, cho dù tay lần tràng hạt, miệng niệm Phật hiệu liệu có ích gì? Kính Phật không phải để cầu Phật, mà là để tu thân, chỉ có người chân tu mới có được cảnh giới như vậy.

*

Khang Hy đại đế trong Thánh ngoài Vương, dùng trí tuệ phi phàm và lý giải thâm sâu về văn hóa truyền thống để khai sáng chỗ mông muội cho hậu thế, giáo dưỡng bằng quy củ, quy chính tâm trí, học kỹ nghệ đạt đến tinh thông, khí phách thân thể cường tráng, tự mình thực hành. Ông lưu lại cho hậu thế phương pháp giáo dục bằng “tâm pháp”, hết sức quán thông và dung hợp với văn hóa truyền thống.

Theo “Khang Hy đại đế dùng “tâm pháp” dạy con như thế nào?
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Bút Canh

Xem thêm:

Mời xem video: