Chương trình Việt Văn bậc trung học ở miền Nam có hai phần: Kim văn và Cổ văn.

Kim Văn học các trích đoạn từ các tiểu thuyết trong giai đoạn 1930 đến những năm 50, với vài tác giả mà tôi còn nhớ: Thanh Tịnh (Tôi đi học), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Trần Tiêu (Con trâu), Bùi Hiển (Nằm vạ), Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Khái Hưng, Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… Có những câu văn đến giờ tôi vẫn nhớ vì quá ấn tượng, chẳng hạn “Chị Doãn là một người đàn bà có cái nhan sắc của một đàn ông không đẹp giai.” (Vũ Trọng Phụng).

Nhưng tôi thích cổ văn hơn, vì đa số là thơ có vần có điệu, lại được biết thêm nhiều điển tích, thấy hay hay.

Chẳng hạn lớp đệ thất (lớp 6), học Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức diễn thơ, bài nói về thầy Tử Lộ có câu “…Đức cù lao chạnh tới càng đau”, tôi mới biết “cù lao” là công ơn dưỡng dục của cha mẹ, chứ không phải là đảo nhỏ trên sông.

Lên đệ lục học Bích Câu Kỳ Ngộ, Lục Vân Tiên… Phần văn xuôi học “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của, và “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký,… Hứa Do nghe Vua Nghiêu muốn truyền ngôi, vội ra suối rửa tai. Paulus Của phê, “Nghe mà rửa chi bằng giữ vẹn đừng nghe”. Văn hai ông già Nam kỳ này có vẻ quê mùa cục mịch. Sau này tôi mới hiểu ra, nhờ học hai ông mà tôi biết được quá trình phát triển chữ quốc ngữ.

Còn “Bích Câu Kỳ ngộ” là câu chuyện hoàn toàn Việt Nam. Bích Câu là địa danh có thật ở Hà Nội. Thuở đó vào ngày lễ hội, Hà Nội trai thanh gái lịch đi thả “thính” ở đấy. Tú Uyên gặp Giáng Kiều rồi tương tư. Giáng Kiều là tiên, hai bên “chịu đèn” rồi lấy nhau. Xích mích gì đó, tiên bỏ đi, Tú Uyên hối hận nhớ nhung. Giáng Kiều lại trở về. Hai bên rủ nhau đi tu tiên. Hết – Chuyện Việt Nam nhạt nhẽo, nhưng điển tích vay mượn của Tàu lại hay. Dùng điển tích chỉ cần nói một mà như diễn đạt gấp mười lần.

Tuổi thơ của tôi không học lòng căm thù. Chỉ học cái hay cái đẹp, cách ứng xử ở đời như trong Gia Huấn ca của Nguyễn Trãi “…Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ. Thương người ôm dắt trẻ thơ,…”.

Không có chương trình giáo dục nào phù hợp với mọi thời đại cả, mà phải thay đổi đi lên như hình trôn ốc. Cả hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi, những gì thế hệ tôi học như quyển sách cũ ố vàng, đã bị loại bỏ ngay từ sau năm 75, thay vào đó là hình trôn ốc, hình như bị để ngược.

Đà Lạt có quán cà phê Bích Câu, cũng có cây cầu nhỏ bắc qua con lạch. Hồi mới về Đà lạt, thỉnh thoảng tôi ra đó cà phê đọc sách. Có lần “kỳ ngộ” Giáng Kiều ĐL bị “giáng” cho một búa, bỏ của chạy lấy người luôn tới giờ. Bây giờ nghe nói quán Bích Câu đã bị đóng cửa.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm: