Lê Thiện Trị: Người đỗ khai khoa lục tỉnh miền Trung
- Trần Hưng
- •
Lê Thiện Trị là người đỗ khai khoa lục tỉnh miền Trung, lại là người góp công lớn xây dựng Văn Thánh Miếu, giúp phong trào Nho học lên cao ở Đà Nẵng, nên ông rất được tôn sùng và kính nể.
Khi Chúa tiên Nguyễn Hoàng khai phá vùng đất Đàng Trong, lãnh thổ liên tục mở rộng về phía nam. Chúa không dùng Nho gia, mà chọn Phật Pháp để giáo hóa dân chúng, giúp Đàng Trong yên ổn phát triển đến cực thịnh. Sau này khi vua Gia Long lập ra nhà Nguyễn, vùng đất phía nam vẫn phát triển Phật Pháp, ít người theo Nho gia, chính vì thế mà các kỳ thi khoa bảng Nho học thì những người đỗ đạt chủ yếu ở miền bắc, còn miền nam rất ít người đỗ đạt.
Đến năm 1825, Phan Thanh Giản đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, trở thành tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ. Đến năm 1838, Lê Thiện Trị thi đỗ và trở thành tiến sĩ đầu tiên của vùng lục tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Lê Thiện Trị
Lê Thiện Trị sinh năm 1796 ở làng Long Phước (sau này đổi tên thành Long Xuyên), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thuở nhỏ có tiên là Lê Thiện Minh.
Cha ông là Tú tài Lê Thiện Quang giữ chức Tri huyện Hoà Vang 11 năm. Mẹ ông là con gái của Tuyên phủ sứ Hà Lam, huyện Lễ Dương. Cậu bé Lê Thiện Minh mất mẹ từ rất sớm.
Khi huyện đường Hòa Vang bị cháy, ấn quan bị thất lạc. Tri huyện Lê Thiện Quang vì chuyện này mà bị mất chức. Ông về quê dạy học, làm nghề bốc thuốc.
Sau này Lê Thiện Minh được đổi tên thành Lê Thiện Chánh, năm lên 15 tuổi thì được đổi tên lần nữa thành Lê Thiện Trị.
Lê Thiện Trị siêng học, thuở nhỏ thì học với cha, sau đó đến trường học. Năm 17 tuổi Lê Thiện Tri lần đầu dự khoa thi và ông đỗ tam trường kỳ thi Hương tức tú tài.
Thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân
Vùng đất Quảng Nam vốn không chuộng chữ Nho như miền bắc, vùng lục tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận chưa hề có ai đỗ đại khoa, vì thế mà Lê Thiện Trị thiệt thòi khi không có được thầy giỏi kèm cặp. Cứ 3 năm một khoa thì ông đều siêng năng học hành, lều chõng đi thi nhưng không sao đỗ cao hơn được, hoặc bị rớt do phạm quy trường thi.
Sau khi cha mất chức do Huyện đường bị cháy, cuộc sống khó khăn, Lê Thiện Trị phải mưu sinh bằng nghề “gõ đầu trẻ” nhưng vẫn quyết tâm học hành.
Do mấy khoa thi liền Lê Thiện Trị đỗ tú tài, lại là con của quan Tri huyện, nên ông được Tổng đốc Quảng Nam là Hồ Bảo Thắng bảo lãnh cho vào học tại trường Quốc Tử Giám. Có môi trường tốt, Lê Thiện Trị học tập thăng tiến. Đến khoa thi năm 1838, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Lê Thiện Trị là tiến sĩ đầu tiên của lục tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, ông được vua Minh Mạng ban cho cờ hiệu “Khai khoa Tiến sĩ lục tỉnh”.
Làm quan có lòng nhân ái
Trong 15 năm làm quan, Lê Thiện Trị có tấm lòng nhân ái, mẫn cán và thanh liêm nên ông thăng qua rất nhiều chức vụ khác nhau. Tuy nhiên ông thẳng thắn không có bè cánh xu nịnh, nên ít được lòng quan trên, vì thế mà khi có chuyện thì ông bị xử rất nặng.
Năm 1856 khi ông làm Thự (quyền) Tuần vũ Thuận Khánh (Khánh Hòa – Bình Thuận), có một cai kho làm thất thoát của công 80 lượng. Vì viên cai kho này hứa sẽ khắc phục hậu quả đền bù số thất thoát, nên ông cùng với vị quan Án sát Khánh Hòa tìm cách giúp đỡ bằng cách lược bớt lời khai của một tử tù tên Trần Văn Tín (được xem là lời khai vu oan) nhằm giúp phạm nhân có điều kiện bù đắp số bị thất thoát.
Tuy nhiên việc bị bại lộ, ông bị khép tội “bất công bất pháp”, bị mất chức tước, sung quân đi lao dịch 4 năm.
Sau một năm bị đày ải, con trai ông là Lê Thiện Thuật làm đơn xin chịu án thay cha nhưng không được đồng ý. Sự việc này được quan Phạm Thanh ở Nội các biết đến, ông tìm hiểu rồi tâu lên vua Tự Đức. Vua đồng ý tha Lê Thiện Trị về làm thứ dân.
Giúp phong trào khuyến học ở Đà Nẵng
Về quê nhà Lê Thiện Trị vui thú điền viên, lại chăm lo việc khuyến học, khuyến tài. Ông là người có công đầu vận động xây dựng Văn Thánh Miếu huyện Duy Xuyên nhằm khuyến học, tôn vinh kẻ sĩ.
Văn Thánh Miếu Duy Xuyên được xây dựng trên khu đất 8 sào, thờ Khổng Từ cùng các Nho sĩ có tiếng của huyện. Cứ 3 năm tổ chức một kỳ đại tế vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, các văn nhân cùng quan lại các nơi đều có mặt tham dự đại tế.
Từ khi huyện Duy Xuyên có Văn Thánh Miếu, phong trào khuyến học lên cao, các làng ở huyện khác cũng hưởng ứng theo, xây dựng Văn Miếu xã (giống Văn Chỉ làng ở ngoài bắc), lập hội Tư văn theo nghi thức Văn Thánh, hàng năm tổ chức tế lễ long trọng.
Sau 10 năm Triều đình có ý bổ dụng lại, mời Lê Thiện Trị làm Hàn lâm Biên tu, nhưng ông đã chán cảnh quan trường nên lấy cớ tuổi già để từ chối.
Sau khi Lê Thiện Trị mất vào năm 1872, Văn Thánh Miếu Duy Xuyên tổ chức đại tế mỗi năm một lần.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Các Văn Thánh Miếu tiêu biểu của miền Nam
- Văn Từ, Văn Chỉ: Biểu tượng tinh thần hiếu học chốn làng xưa
Mời xem video:
Từ khóa nhà Nguyễn khoa bảng