Từ cậu bé ở đợ đến hào phú giàu có bậc nhất Nam kỳ Lục tỉnh (P1)
- Trần Hưng
- •
Trần Trinh Trạch được coi là một trong “Tứ đại Phú hộ” của Sài Gòn xưa, là đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam – ngân hàng đầu tiên do người Việt sáng lập và điều hành. Ông bắt đầu từ một cậu bé chăn trâu ở đợ, rồi nhờ cơ duyên kỳ lạ mà làm nên sự nghiệp giàu có.
Xuất thân chăn trâu ở đợ
Bạc Liêu là vùng đất được khai phá muộn nhất ở Nam bộ. Đến thời thuộc Pháp, người Pháp chú trọng khai phá vùng đất này thành một trung tâm hành chính, đầu tư nhiều tiền của xây dựng công sở, biệt thự ở đây. Bạc Liêu cũng là vùng đất nhiều người Hoa sinh sống, vì thế mà có câu:
Bạc Liêu là xứ cơ cầu,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.
Bấy giờ từng đoàn người được đưa đến khai khẩn vùng đất Bạc Liêu, trong đó có một gia đình người Minh Hương (người gốc Hoa) họ Trần đến vùng đất Cái Dầy bên con kênh mới được đào đắp. Không may là trong vùng xuất hiện dịch bệnh, mấy đứa con của gia đình còn nhỏ đau yếu luôn, khiến gia đình phải cầm cố rồi bán hết ruộng đất để có tiền chữa bệnh, vì thế mà không còn mảnh đất cắm dùi.
Những đứa con của họ phải làm thuê ở đợ kiếm sống. Trần Trinh Trạch lên 7 tuổi cũng phải đi ở đợ, hàng ngày chăn trâu cho bá hộ trong vùng.
Bất ngờ được đi học
Sau 2 năm chăn trâu ở đợ, đến năm 1881, bá hộ gọi cậu bé Trạch lên nhà trên, đưa bộ đồ mới trắng tinh bảo mặc vào rồi nói: “Từ nay mày khỏi chăn trâu, mà đi học thay cậu Hai!”.
Thời ấy nhiều người giàu có ở Nam kỳ bị buộc phải hợp tác với chính quyền Pháp, con cái phải đến trường học chữ Pháp. Tuy nhiên nhiều người ghét Pháp nên chỉ mời thầy về dạy chữ Nho chứ không muốn để con cái học tiếng Pháp. Chính vì thế mà bá hộ chọn cậu bé Trạch đi học thay cho con mình.
Trường học ở huyện cách xa mấy chục cây số, nên bá hộ cho Trần Trinh Trạch ở nội trú luôn trong trường, chu cấp tiền bạc cho. Vậy là từ đứa bé chăn trâu ở đợ, Trần Trinh Trạch được nuôi ăn học đàng hoàng, điều mà cậu và gia đình có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Sau thời gian đầu lạ lẫm, Trần Trinh Trạch đã tiếp thu bài rất nhanh, học giỏi, các thầy khen ngợi, ông bá hộ cũng hài lòng.
Trần Trinh Trạch học hết tiểu học, biết cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Thời đấy người biết cả 2 chữ này còn hiếm, nên dù tuổi còn nhỏ đã giúp người trong làng làm các việc liên quan đến giấy tờ, rồi được giao luôn làm thư ký làng.
Sau đó Trần Trinh Trạch được cử làm thư ký trên quận, rồi lên tỉnh làm bộ phận thu thuế đất. Thời ấy các điền chủ phải lên tỉnh để nộp thuế đất, Trần Trinh Trạch nhiệt tình giúp đỡ các điền chủ.
Kết hôn với con gái bá hộ
Lúc ấy ở Bạc Liêu nổi lên có bá hộ Phan Văn Bì giàu có với hàng ngàn héc-ta đất. Mỗi năm ông Bì đều phải lên tỉnh khai báo đóng thuế, và đều được Trần Trinh Trạch nhiệt tình giúp đỡ. Bá hộ Bì có cảm tình với và mời Trần Trinh Trạch ghé nhà mình dùng cơm.
Sau những lần ghé nhà bá hộ Bì, Trần Trinh Trạch quen biết con gái thứ tư của bá hộ là Phan Thị Muồi. Hai bên có tình cảm, bá hộ Bì cũng tác thành cho họ. Một đám cưới linh đình suốt 3 ngày giúp 2 người nên duyên vợ chồng.
Sau đám cưới, bá hộ Bì bảo con rể nghỉ làm, giao cho đất để hai vợ chồng cùng quản lý.
Từ đó ông Trạch nghỉ làm trên tỉnh, quản lý việc trồng trọt, trúng mùa mấy năm liên tiếp nên thu được lời lớn.
Hào phú giàu có
Bấy giờ chính quyền Pháp không cho tư nhân mở tiệm cầm đồ mà muốn nhà nước giữ độc quyền. Nhưng người Pháp cần người quản lý, nên tổ chức đấu thầu tìm người thích hợp. Nhờ biết chữ, ông Trạch tìm hiểu đăng ký và trúng thầu quản lý Sở cầm đồ, nhờ đó mà một mình ông nắm độc quyền hoạt động cầm đồ ở tỉnh Bạc Liêu.
Sau đó ông Trạch nhờ mối quan hê quen biết lại trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu. Từ đó vợ chồng ông Trạch giàu có vượt xa tầm của làng, huyện.
Lúc này Bạc Liêu đang phát triển nên nhiều người cần vốn. Sở cầm đồ mà ông Trạch quản lý cho người Pháp không đáp ứng hết được nhu cầu vốn. Ông Trạch nghĩ ra cách vay tiền của chính quyền ở Sài Gòn rồi cho vay lại ở Bạc Liêu với lãi suất cao hơn. Ông ngày càng giàu có và gia thế ảnh hưởng khắp tỉnh Bạc Liêu.
Lúc này các con của bá hộ Bì (tức các anh em bên vợ ông Trạch) ham mê cờ bạc rượu chè, nợ nần, nên phải bán đất để trả nợ và có tiền ăn chơi. Bởi họ không muốn bán cho người ngoài, nên đều bán đất lại cho vợ chồng ông Trạch.
Dần dần hàng ngàn héc-ta đất của bá hộ Bì chia cho chục người con đều về tay vợ chồng ông Trạch.
Chưa dừng lại ở đó, ông Trạch lại trúng thầu cung cấp muối chi phối cho cả Nam kỳ. Điều này đưa ông Trạch trở thành hào phú giàu có nhất miệt Lục tỉnh.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
- Ông Huyện Sỹ, một trong tứ đại hào phú Sài Gòn đầu thế kỷ 20
- Chuyện tay trắng lập nghiệp của “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi (P1)
- Chú Hỏa: Từ đòn gánh ve chai đến hào phú giàu có nổi tiếng Sài Gòn
Mời xem video:
Từ khóa sài gòn xưa gương mặt Sài Gòn