Cho tới đời nhà Lý, sử mới chép cách tuyển lính. Mỗi xã phải lập sổ đinh, trai tráng từ 18 tới 20 tuổi gọi là hoàng nam (chép riêng vào sổ có bìa màu vàng nên gọi là hoàng nam). Hoàng nam là nguồn nhân lực của quân đội, ai bán hoàng nam làm nô bộc sẽ bị phạt 100 trượng.

Tới 20 tuổi hoàng nam được gọi là đại hoàng nam và phải nhập ngũ.

Các triều đại khác, cách tuyển lính có thay đổi: khi thì 5 hoặc 3 suất đinh trong mỗi gia đình tuyển 1 người, khi thì 18 hoặc 17 tuổi đã phải thi hành nghĩa vụ quân dịch.

Tới đời nhà Hồ, các sư sãi dưới 50 tuổi đều phải đi lính.

Thời đại nào cũng vậy, tân binh khi mới nhập ngũ phải qua một khóa huấn luyện. Sau đó tân binh được bổ sung cho các đơn vị.

Đôi khi trong số tân binh có người có võ nghệ, họ sẽ được khảo hạch để huấn luyện thêm, sau đó được bổ nhiệm làm cấp chỉ huy đơn vị lớn hoặc nhỏ tùy theo trình độ võ nghệ.

Trong dân gian cũng có những lò võ đào tạo các võ sĩ, những võ sĩ này được vua tuyển dụng qua một cuộc thi võ và trở thành các cấp chỉ huy trong quân đội.

Luyện quân

Huấn luyện tân binh tùy theo vũ khí của từng thời đại. Khi Lê Lợi khởi nghĩa, nghĩa quân được huấn luyện các thế ngồi, đứng, đánh, đâm (xử dụng giáo mác cung tên). Lâm trận binh sĩ phải biết các thế kỳ, chính, phân, hợp (theo Đào Duy Anh, kỳ binh là tấn công khi địch không phòng bị, trái nghĩa với chính binh là tác chiến theo quy ước). Binh sĩ còn được dạy hiệu lệnh ngoài mặt trận qua tiếng chiêng trống và hiệu cờ (tiếng trống là tiến lên, tiếng chiêng là rút lui).

Ngoài việc huấn luyện tân binh, các đơn vị cũng định kỳ tập dượt chiến thuật.

Thời nhà Lý có chiến thuật chủ chiến (đóng mà đánh) và thác chiến (mở mà đánh).

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Trần Hưng Đạo soạn sách Binh thư yếu lược để dạy các tì tướng và quân sĩ.

Năm 1465 Lê Thánh Tông ban hành các chiến thuật thủy và bộ.

Về thủy trận có các phép: trung hư, thường sơn, xà mãn, thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn và yến nguyệt.

Về bộ trận có các phép: trương cơ, tương kích và kỳ binh.

Ngoài ra vua còn ban hành 31 điều quân lệnh về thủy trận, 32 điều quân lệnh về tượng trận, 27 điều quân lệnh về mã trận và 42 điều về bộ trận.

Từ đời Lý Thần Tông (1128-1138) quân đội được chia phiên về làm ruộng vì không còn hiểm họa chiến tranh sau khi các vua tiền triều đánh thắng giặc Tống và Chiêm thành.

Tới đời nhà Lê kế hoạch chia phiên được sử chép rõ ràng. Quân đội chia làm 5 phiên: 4 phiên về làm ruộng, 1 phiên tại ngũ. Khi thay phiên, toán lên phiên được chia thành từng đội từng vệ và phải huấn luyện lại trong 3 ngày đầu trước khi nhận nhiệm vụ.

Các võ quan cũng phải qua một cuộc khảo hạch gồm 3 môn: bắn cung, phóng tên bằng tay (thủ tiễn), cách chống đỡ bằng áo giáp và khiên (cũng gọi là mộc). Ai trúng cách cả 3 môn thì được cấp toàn bổng, không trúng cả 3 môn thì lương bổng bị cắt giảm.

Con của các quan võ cũng được đặc quyền tập ấm và cũng phải qua cuộc khảo hạch như con của quan văn. Những người không trúng tuyển nếu muốn học võ sẽ được vệ Cẩm y huấn luyện. Mỗi ngày các võ sinh phải tới trường võ tập bắn cung, ném thủ tiễn, đấu khiên… Cuối mỗi năm vệ Cẩm y khảo sát kết quả học tập của các võ sinh. Tới năm thứ ba, võ sinh được đưa sang bộ Binh sát hạch, ai trúng tuyển sẽ được bổ vào các chức võ úy.

Khi có nguy cơ ngoại xâm từ phương Bắc hoặc chuẩn bị Nam tiến, vua thường khán duyệt cuộc diễn tập quân thủy bộ tại 9 bãi phù sa Bạch hạc.

Thi võ

Các cuộc thi võ nhằm 2 mục đích: kiểm tra trình độ võ nghệ của quân sĩ hoặc tuyển mộ những người có võ nghệ.

Đời nhà Lê, mỗi 3 năm thi khảo quân sĩ về võ nghệ.

  • Ai thắng luôn 4 tao được thưởng một cái áo, một quan và 5 tiền.
  • Ai thắng 3 tao và 1 tao bình được thưởng một cái áo.
  • Thắng 2 tao và 2 tao bình được thưởng 6 tiền.
  • Thắng 1 tao và 3 tao bình được thưởng 3 tiền.
  • Chỉ thắng 4 tao bình được cấp tiền cơm là 20 đồng.

(có lẽ tao nghĩa là số lần đấu, cũng gọi là hiệp).

Năm 1478 Lê Thánh Tông tổ chức cuộc thi đô thí.

Các võ quan từ tước công hầu trở xuống, từ kinh đô tới các đạo, tập trung về kinh đô để khảo thí (do đó gọi là đô thí).

Phép thi: mỗi lần bắn 5 mũi tên bằng cung, phóng 5 mũi tên bằng tay và đấu khiên một đường.

  • Trúng từ 8 tới 10 lần là thượng cấp.
  • Trúng từ 6 tới 7 lần là trung cấp.
  • Trúng từ 4 tới 5 lần là hạ cấp.

Từ thượng tới hạ cấp được thưởng tùy theo cấp. Trúng từ 2 tới 3 lần không được thưởng. Trúng 1 lần hoặc không trúng bị phạt tiền.

Năm 1780 chúa Trịnh Sâm định lại phép thi võ cử gồm 4 kỳ:

  1. Giương cung và múa siêu đao.
  2. Đi bộ bắn cung, bắn súng.
  3. Vừa phi ngựa vừa bắn cung, đi bộ đấu siêu đao, đấu khiên, cưỡi ngựa múa đâu mâu và kiếm trường.
  4. Làm một bài văn sách về 7 bộ võ kinh và chiến thuật của các danh tướng (7 bộ võ kinh: Lục thao tam lược của Thái Công, Binh pháp của Hoàng Thạch Công, Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã, Vấn đáp của Uất Liễu Tử và Lý Vệ Công).

Ngoài 4 kỳ thi, võ sinh ứng thí còn phải qua cuộc trắc nghiệm khí sắc hùng dũng như sau: giám khảo dùng một dùi bằng đồng bọc da đánh lên đỉnh đầu 3 cái liên tiếp, võ sinh không chớp mắt và rùng mình là trúng cách và được tăng một bậc.

Ai trúng cả 4 kỳ là đậu tạo sĩ (tương đương với tiến sĩ bên văn).

Triều Minh Mạng (1820-1840) thi võ được tổ chức thành 2 khoa thi hương và thi hội như bên văn.

Thi hương gồm 3 kỳ:

Kỳ 1:

  • Hai tay xách mỗi tay một quả tạ nặng 250 cân (mỗi cân bằng 0,605 kg) đi được 16 trượng trở lên (mỗi trượng bằng 1,7 mét) hoặc một tay xách một quả tạ 250 cân đi được 32 trượng trở lên là hạng ưu.
  • Xách 2 quả tạ đi được 12 trượng trở lên hoặc xách một quả đi được 24 trượng trở lên là hạng bình.
  • Xách 2 quả đi được 8 trượng hoặc một quả đi được 16 trương là hạng thứ.

Kỳ 2:

  • Múa côn sắt (nặng 30 cân), vừa múa vừa nhảy, đâm, đánh; đi được 60 trượng là ưu; 50 trượng là bình; 40 trượng là thứ.
  • Múa giáo dài 7 thước 7 tấc (một thước bằng o,425 mét). Thí sinh đứng cách người nộm 3 trượng, múa giáo và nhảy vài bước rồi chạy tới đâm vào rốn hình nộm. Đâm trúng và thấu suốt hình nộm là hạng ưu; đâm trúng nhưng không thấu suốt là hạng bình; đâm trượt sang bên là hạng thứ.

Kỳ 3:

  • Bắn súng hiệp. Đứng xa ụ bắn 20 trượng 5 thước. Bia vẽ một vòng tròn, tâm điểm của vòng tròn là đích bắn. Thí sinh bắn 6 phát:
    • Nếu trúng tâm 2 phát, trúng vòng tròn 1 phát và trúng ụ đất 3 phát là hạng ưu;
    • Nếu trúng tâm 1 phát, trúng vòng tròn 1 phát và trúng ụ đất 4 phát là hạng bình;
    • Nếu trúng vòng tròn 2 phát và trúng ụ đất 4 phát là hạng thứ.

Qua 3 kỳ thi, thí sinh được hạng ưu và bình thì đậu cử nhân võ, hạng thứ đậu tú tài võ.

Thi hội:

Thi hội tổ chức ở kinh đô Huế nên cũng gọi là thi đình. Các cử nhân phải làm một bài văn trả lời về đại nghĩa trong võ kinh, một vài điều cốt yếu về chiến thuật của các danh tướng và vài điều về thời sự. Kết quả sẽ được vua quyết định số người đậu tiến sĩ võ, cũng được ban mũ áo như bên văn.

Tuy nhiên trong dân gian người ta vẫn trọng văn hơn võ nên có ca dao rằng:

Văn thì cửu phẩm đã sang,
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu.

Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

THAM KHẢO:

  • Đại Việt sử ký toàn thư.
  • Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
  • Lược khảo binh chế Việt nam qua các thời đại của Nguyễn Tường Phượng.

Xem thêm: