Mấy kỷ niệm về một đoạn đời sau tháng 4.1975 (Kỳ 8)
- Lê Nguyễn
- •
Hồi ức này chỉ là sự nhắc nhở lại những kỷ niệm vui buồn của một phận người sau khi cuộc chiến kết thúc, nó không được sử dụng vào những mục tiêu chính trị và không nhằm nói lên những quan điểm cực đoan trước một quá khứ đã lùi sâu nửa thế kỷ. Tất nhiên, người viết cũng mong mỏi người đọc với một tâm thế như vậy, bình tâm và không cực đoan trong các bình luận của mình…
VIII. Chuyện tình cốt nhục sau tháng 4.1975 và buổi thăm nuôi nhạt nhòa nước mắt
8.1. Cuộc chiến 1954-1975 để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc trong những gia đình có người thân ở cả hai phía. Lẽ ra những ngày sau tháng 4.1975 phải là thời điểm chứa chan hạnh phúc của sự sum họp gia đình sau một thời gian dài đằng đẵng phân ly.
Vậy mà, ở nhiều gia đình, sự mừng vui, chan hòa thì ít, sự bất đồng, thậm chí xung đột, nhiều hơn. Các ông bố, ông anh “cách mạng” thường lên lớp những thằng con, thằng em “ngụy” của mình bằng những bài kinh nhật tụng vẫn được hô ra rả trên các hệ thống loa phường. Người khổ tâm nhất trong những vụ này thường là các bà mẹ già, “vừa vui sum họp, đã sầu chửi nhau”.
Theo thông lệ lúc đó, các cán bộ có nhiều năm cống hiến, có địa vị cao trong bộ máy chính quyền, có thể bảo lãnh anh em, con cái của họ về để “giáo dục” trong gia đình. Với sự bảo lãnh của họ, con em của họ có thể được xét trả tự do sớm hơn thời hạn quy định.
Song đó không phải là điều đơn giản. Chuyện bảo lãnh thường vấp phải một số trở ngại phổ biến như sau:
– Người cán bộ bên thắng cuộc sợ tiền đồ cách mạng của mình bị ảnh hưởng bất lợi bởi mối quan hệ với con em từng hoạt động cho địch.
– Người cán bộ hứa cho gia đình yên tâm rồi không làm gì cả, cái này người trong Nam gọi là “hứa lèo”!
Thông thường, gia đình người đi cải tạo “bôi trơn” việc bảo lãnh bằng nhiều thứ tài sản trên danh nghĩa “quà cáp” trong nội bộ gia đình: TV, tủ lạnh, xe gắn máy…, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như ý. Chuyện rủi may, thật giả trong bảo lãnh dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường.
Người may mắn nhất trong chuyện này có lẽ là anh BXT, một đàn anh trong giới QGHC, từng nhiều năm giữ chức vụ Phó Thị trưởng một thị xã lớn ở miền Trung, cuối cùng là một viên chức của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Xét chung, với cách đánh giá của bên thắng cuộc lúc bấy giờ, anh thuộc dạng cải tạo mút chỉ cà tha.
Song, trong những ngày ở Long Thành, được biết anh T. có người cậu ruột là Thứ trưởng một bộ quan trọng ở trung ương. Trong một lần lao động gần cổng trại, anh em được chứng kiến cảnh ông cậu anh thân hành đi công xa lên thăm anh. Tất nhiên, ban lãnh đạo trại, người có cấp bậc cao nhất chỉ là Thiếu tá, gặp ông Thứ trưởng, phải khép nép chào.
Một thời gian sau, sau chưa đầy hai năm, anh BXT có quyết định tha! Xe ông Thứ trưởng được phái lên Long Thành đón anh về, cán bộ trại thân tình tiễn chân anh.
Đó là một trường hợp khá hãn hữu, đối nghịch với nhiều bi kịch khác. Anh PVT là bạn đồng môn, đồng khóa QGHC của mình, lúc ấy đang ở một trại cải tạo thuộc vùng núi Thất Sơn, Châu Đốc. Bữa nọ, trại thông báo cho T rằng có người anh ruột là Thiếu tướng NTB (khi đi tập kết, hầu hết đều đổi tên họ) đến thăm. Nghe đâu ông Thiếu tướng này là Tư lệnh phó một quân khu.
Sau khi nhận được thông báo trên, anh T trả lời dứt khoát là anh không có người anh nào tên như thế cả. Báo hại ông B phải chịu nhân nhượng ông em khó tánh, thân hành vào đến tận nơi ở để thăm ông em. Dù không có dịp nghe anh T. tâm sự, mọi người tin rằng giữa họ đã hay đang có một sự bất đồng nào đó khá sâu sắc.
Trường hợp của bác NVN cũng khá ê chề. Bác là đồng môn trước chúng tôi khoảng 8-9 năm, song vì lúc vào học trường QGHC, bác đã là công chức nên tuổi tác của bác hơn anh em chúng tôi chừng 20 tuổi. Gọi là bác mà không là anh là vì thế.
Trước tháng 4.1975, bác N. giữ một chức vụ giám đốc tại Phủ Tổng thống. Người anh của bác là một vị tướng lừng danh của Mặt trận, bác tin rằng chuyện bảo lãnh bác về sớm có thể dễ như trở bàn tay. Bác nuôi hi vọng ấy mỗi ngày. Cho đến một hôm, gia đình vào thăm nuôi, người vợ bác chuyển đến bác lời nhắn gửi của ông anh tướng lãnh là “nhắn chú ấy cố học tập tốt để sớm về!”.
Câu nói có giá trị của một sự từ khước bảo lãnh, một cú sấm sét giữa trời quang! Bác N là một người khá cao to, vậy mà chỉ sau 2-3 tháng, sự thất vọng dẫn đến khủng hoảng tinh thần khiến bác sụt mất gần 15 ký thịt! Từ một người hiền lành, ít nói, bác bỗng trở nên cáu gắt, sẵn sàng gây gổ với bất cứ ai.
Song bi kịch lớn nhất mà mình và nhiều bạn đồng môn QGHC từng chứng kiến, phải kể đến trường hợp của C.
Khóa QGHC của anh ra trường sau mình hơn 2 năm; đầu năm 1968, toàn bộ anh em vừa tốt nghiệp được gửi đi học khóa 1/68 trường Bộ binh Thủ Đức. Mình cũng gia nhập khóa đó với tư cách người có lệnh gọi nhập ngũ cá nhân. Sự tình cờ xui khiến, C., mình và một người bạn nữa ở chung một tiểu đội, xếp quần áo trong một tủ chung dành cho 3 người.
Cuối khóa quân sự đó, theo quy định chung của Phủ Thủ tướng, mọi cựu sinh viên tốt nghiệp QGHC đều được đưa về các đơn vị hành chánh địa phương.
Tháng 6.1975, C. cũng đi trình diện HTCT và được đưa lên trại Long Thành như hầu hết anh em đồng môn QGHC đang có mặt ở Sài Gòn sau tháng 4.1975. Ở đó, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, không ai giống ai.
Sau hai đợt đi Bắc, số trại viên còn lại ở Long Thành được chuyển lên trại Xuyên Mộc vào những tháng cuối năm 1979. Một buổi sáng, C. trở vào nhà sau giờ thăm nuôi, anh thảng thốt kể về cái chết của vợ mình. Theo lời anh, chị đã tự tìm đến cái chết do phẫn uất trước sự “hứa lèo” của người bố là một cán bộ thâm niên. Anh còn kể là anh đã trừng mắt, giận dữ nhìn những người thân khi họ “khoe” với anh rằng trong đám tang vợ anh, một số giới chức địa phương đã đến chia buồn và đưa tiễn.
Người vợ vắn số của C. là em gái một nhà văn nổi tiếng, là nhân vật chính trong một truyện ngắn mà nhà văn đã gửi vào đó tình yêu thương đằm thắm. Có điều là trong truyện này, nhà văn đã thay tên và địa vị xã hội trước năm 1975 của người em rể, song với những ai là bạn của C. đều nhận ra anh.
Hiện nay, nhà văn kể trên đang sống tại Mỹ. Những người con của C. cũng đang sống ở Mỹ, song không cùng một nơi với người cậu ruột của họ. C. qua đời cách nay mấy năm, hi vọng anh đã gặp lại người vợ thương yêu ở một cõi giới an lành nào đó, không có kỳ thị, chẳng có hận thù.
8.2. Với những cựu viên chức dân sự tại trại cải tạo Long Thành, trước 1975, cuộc sống của họ gắn liền với đời sống gia đình. Phụ cấp gia đình vợ 1.600đ/ tháng, phụ cấp mỗi đứa con 1.000đ/tháng, không hạn chế số con, cho phép người phụ nữ an phận trong đời sống gia đình, lo chuyện nội trợ và giáo dục con cái.
Bản thân mình cũng vậy, hầu như chưa có bao giờ mình sống xa gia đình đến quá 3 ngày. Nói như thế để thấy rằng việc phải xa gia đình, hoàn toàn không thấy mặt người thân trong thời gian hơn 1 năm trời là một sự chịu đựng… khủng khiếp. Cũng may là nghịch cảnh diễn ra tuần tự, có lớp lang, từ 30 ngày lên 1 năm, từ 1 năm lên 3 năm, rồi từ 3 năm lên 5 năm, 10 năm, 15 năm…, tâm hồn con người như được rèn luyện dần sự chịu đựng để mỗi ngày một thích nghi với sự khắc nghiệt của cuộc sống hơn.
Dẫu vậy, tin tức về sự thăm nuôi lần đầu tiên sau hơn một năm trời khắc khoải cũng trở thành một quả bom nổ tung và lóe sáng trong đêm hôm tăm tối. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của những giờ phút ấy!
Mình còn nhớ cảm giác xúc động, lâng lâng của buổi sáng đó, chân bước ra cổng trại cơ hồ như bước trên mây. Vừa ra khỏi cổng trại, nhìn về hướng nhà thăm nuôi lố nhố hàng trăm người, nước mắt mình chảy tràn trên đôi má, như một phản xạ không sao kìm giữ được.
Bạn Nguyên My và những bạn từng có dịp thăm nuôi thân nhân mình lần đầu tiên chắc còn nhớ những cảm xúc đó. Hai cô con gái của mình thì khi xa nhau, đứa nhỏ chưa đầy 3 tuổi, chưa biết nhiều, còn đứa lớn, 6 tuổi, từng lăn lóc với mình từ Côn Đảo về đến Bình Dương, đã biết nhắc lại những kỷ niệm đầu đời. Mình tưởng tượng khi gặp nhau, nó sẽ ôm mình và khóc như chưa bao giờ được khóc.
Mình cố bước chậm trên con đường từ cổng trại ra nhà thăm nuôi, cách nhau chừng 30-40 mét, lau vội những giọt nước mắt còn vương, cố chuẩn bị một vẻ mặt bình tĩnh để đón chờ cuộc gặp gỡ đầy xúc động.
Mình ngồi xuống chiếc băng ghế trong căn nhà thăm nuôi chật kín, vang lên đủ thứ âm thanh khóc cười lẫn lộn. Đúng là hình ảnh của câu hát “vui sao nước mắt lại trào”. Tuy nhiên, mình đối mặt với một bất ngờ lớn: cả hai đứa con gái đều không có đứa nào khóc cả! Nhất là đứa lớn theo sát mình từ những ngày sống ở Côn Đảo và chưa bao giờ xa nó quá 2 ngày. Nó liếc mình rồi nhìn vào đám đông, gương mặt không biểu lộ một dấu hiệu buồn vui nào rõ nét. Sao lạ vậy? Chả lẽ chỉ sau hơn một năm xa cách mà chúng đã thay đổi hẳn như thế sao?
30 phút thăm gặp trôi nhanh, giờ chia tay cũng đã đến. Trong nỗi ngạc nhiên và đau buồn, mình tìm thấy chút an ủi khi kịp nhìn thấy trong đôi mắt của hai cô con gái, những tia nhìn chan chứa yêu thương.
Khi vừa về đến nhà ở Sài Gòn, mẹ chúng cật vấn liền: sao tụi con gặp ba mà không đứa nào khóc cả? Đứa lớn trả lời không suy nghĩ: trước khi đi, mẹ dặn con lúc gặp ba không được khóc, khóc người ta sẽ bắt ba học tập lâu hơn, vì thế khi gặp ba, con muốn khóc lắm, mà không dám khóc. Hóa ra, trong lần thăm nuôi đầu tiên đó, nó không dám khóc vì sợ mình ở tù lâu hơn. Ở tuổi lên 7, nó đã biết nuốt nước mắt vào lòng!
Lê Nguyễn
18.4.2024
Đăng lại từ Facebook Lê Nguyễn
Đăng tải theo sự cho phép của tác giả
Kỳ sau: Ăng-ten, họ là ai?
Xem thêm: