Một chút với Huế
- Vũ Thế Thành
- •
Tôi đến Huế lần đầu vào năm 80 hay 81 gì đó, tạm dừng ở ga Huế thì đúng hơn vì điểm đến của tôi là Hà Nội. Chuyến tàu hỏa hồi đó cọc cạch, trễ cả vài tiếng đồng hồ vì ngập lụt, chờ ở ga Huế. Từ ga Huế nhìn ra, vài bóng người nón lá, áo mưa đang đạp xe trong mưa gió mịt mù. Hình ảnh “face-to-face” đầu tiên của tôi về Huế buồn như thế đó.
Tôi yêu Huế từ hồi tiểu học, có lẽ đến từ những câu chuyện ngắn về Huế trong sách giáo khoa như chuyện Gia Long tẩu quốc, hay vua Tự Đức ham vui săn bắn, sang hầu thái hậu Từ Dụ dâng roi nằm sấp chờ mẹ phạt. Vua mà cũng bị đòn, ấn tượng trong đầu tuổi thơ nhiều lắm. Nhà tôi ở đường Hiền Vương, Tân Định, cứ thắc mắc hoài, Hiền Vương là ông nào? Sau này lên trung học tôi mới biết thêm về vị Chúa Nguyễn tài ba này. Có thắc mắc thì có tìm hiểu.
Ở tuổi mới lớn thì mê sông Hương núi Ngự, mê giọng Huế nhè nhẹ dù chẳng hiểu gì cả. Đến khi đọc văn bà Túy Hồng nói về chị em Huế nhà bà thì tôi… “lạnh” cả người. “Lạnh” mà vẫn thích! U mê và tỉnh thức lẩn quẩn như có chu kỳ, chỉ khác nhau biên độ.
Lần sau tôi đi với vài người bạn đến Huế vào đầu thập niên 90. Đỉnh đèo Hải Vân vừa hùng vĩ vừa bí ẩn. Đi qua cầu Trường Tiền, nhớ chiếc cầu đã gãy. Thấy miếu âm hồn, nhớ Hạnh Thục Ca. Vào Tử Cấm Thành chỉ là nền gạch bỏ hoang cỏ mọc, tôi còn nhặt được quả lựu đạn hoen rỉ nơi tường thành xiêu vẹo, loang lổ vết đạn. Lăng Tự Đức còn khá nguyên vẹn, đẹp nên thơ, nhưng lại chạnh lòng nhớ câu ca Vạn Niên, câu thơ Cung Oán, “…Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
Vì là đi thăm Huế lần đầu, tôi chỉ mải mê đi tìm di tích, những địa danh lịch sử từng đọc, từng nghe… Cảm giác như năm 75, tôi đạp xe trên đường Hồng Thập Tự, ngang qua Dinh Độc Lập nhìn thấy trong đó nhiều cây khoai mì mới trồng. Bể dâu trên một bàn cờ!
Chuyến đi đó tôi không nhớ mình đã ăn món gì ở Huế, không ấn tượng gì cả. Ấn tượng nếu có, thì dưới chân cầu Trường Tiền có chợ bán đồ sida (quần áo cũ), sơ mi, áo len, áo pull, đồ đầm, quần tây đủ cả,… nhưng những con phố tôi đi qua, không thấy o Huế nào diện mini jupe. Huế dường như vẫn kín đáo như những gì tôi từng đọc.
Những lần sau tôi đến Huế đa phần là đi công việc. Xong việc thì cũng 7-8 giờ tối. Sau giờ này tôi mới lang thang phố xá một mình ăn thử các món địa phương. Vỉa hè xứ Huế càng về khuya càng gần gũi, vừa ăn vừa hỏi chuyện đủ thứ, từ chuyện ẩm thực cho đến chuyện đời của Huế. Tôi thấy mình là chính mình, khác với vài tiếng trước ở trong quán ăn sang trọng với đối tác.
Huế là xứ sở của thông tin… gia truyền. Hỏi chuyện nguồn gốc món ăn, nấu nướng ra sao, bà hàng nào cũng khởi đầu, bà nội tui nói, mệ ngoại tui kể… Tôi hỏi, sao gọi là “bà nội” mà không gọi “bà ngoại”, mà lại gọi là “mệ ngoại”. – Biết chi mô! Huế còn không biết, làm sao tôi biết?
Giọng Huế không dễ nghe với dân Sài Gòn, lại thêm từ địa phương mô tê răng rứa nữa thì đúng là khổ sở. Lạ một điều dân Huế ở Sài Gòn nói chuyện lại dễ nghe, thậm chí để ý lắm mới biết họ gốc Huế. Đang nói với mình một giọng, quay sang đồng hương lại líu lo giọng Huế. Người Huế có biệt tài nhái đủ giọng Bắc, Nam. Ca sĩ Hà Thanh nói chuyện với khán giả với giọng Huế nhẹ nhàng, nhưng hát “Hoa Xuân” của Phạm Duy đố ai biết bà là người Huế. Ở tuổi 70 giọng hát Hà Thanh vẫn nhẹ nhàng, trong trẻo không kém gì Thái Thanh.
Dù khả năng nghe tiếng Huế “ba rọi” nhưng tôi vẫn hiểu được mấy bà quán vỉa hè xứ Huế nói. Dĩ nhiên phải vận “nội công” vừa nghe, vừa đoán. Tôi nếm đủ thứ, tối nay bún bò Huế, cháo bò, hôm sau bánh khoái, gỏi gà… Thậm chí những món ở Sài Gòn tôi rất ít khi ăn như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc… cũng nếm chơi cho biết. Những bánh này ăn với loại nước mắm có mùi vị là lạ, khác với những loại nước mắm tôi thường ăn ở Sài Gòn. Sau này tôi mới biết đó là nước mắm ruốc. Dân Huế thường ăn nước mắm ruốc thay vì nước mắm cá biển.
Tôi ăn đủ thứ món như thế để xem cùng món ăn, thì ở Huế và Sài Gòn khác nhau thế nào. Sài Gòn không có món ăn nào là đặc sản cả. Sài Gòn là tập hợp dân tứ xứ đến, từ Nam ra, từ Bắc, Trung vào. Những lưu dân đó mang theo món ăn quê nhà vào đất Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề hàng rong, quán xá với những món ăn đó. Cũng phải chiều khách mà chỉnh sửa mùi vị món ăn chứ. Khẩu vị dân Sài Gòn lại rất tạp, dễ dung nạp thành thử chỉ riêng bún bò Huế ở Sài Gòn đã có vài chục phiên bản. Tôi biết lấy phiên bản bún bò Huế nào ở Sài Gòn làm chuẩn mực để so sánh với bún bò Huế thứ thiệt ngay tại Huế đây?
So sánh? Nói thế cho vui thôi. Tôi chỉ dùng khẩu vị của mình để cảm nhận, dĩ nhiên tôi không đại diện cho khẩu vị của dân Sài Gòn, mà chỉ là khẩu vị của riêng tôi để cảm nhận về món ăn Huế.
Tôi không chỉ thưởng thức món ăn Huế vỉa hè về khuya. Cũng vài lần đến Huế, xong việc tôi kiếm cớ ở lại Huế thêm vài ngày. Hàng rong ở Huế vào những sáng tinh mơ như bún bò Huế, cơm hến… rất đậm chất Huế. Trưa chiều, những món này dường như phôi pha đi ít nhiều.
Vũ Thế Thành
Trích ”Ẩm thực ven đường Huế”, xuất bản 2024
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:
- Pepper VP: https://www.facebook.com/peppervp.shopping/
- Email: [email protected]
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa Vũ Thế Thành