Một chuyện cổ kỳ lạ về tiếng đàn siêu phàm thoát tục
- Mục Dao
- •
Âm nhạc là một loại giai điệu, một loại ngôn ngữ và còn được ví là một loại tâm tình. Hết thảy những sung sướng, bi ai, u buồn, hài hước hay phẫn nộ… của con người đều có thể dùng nó mà bày tỏ ra. Sức hấp dẫn mạnh mẽ của nó có thể chạm được đến tâm linh và thể xác của con người. Nhưng rốt cuộc thì âm nhạc có thể được vận dụng xảo diệu đến mức độ nào? Câu chuyện cổ kỳ lạ về tiếng đàn siêu phàm thoát tục dưới đây được ghi lại trong sách “Cổ kim quái dị tập thành”.
Trong thời kỳ vua Văn Tông và Mục Tông của nhà Thanh, ở huyện Ninh Quốc thuộc phía đông nam tỉnh An Huy có một người tên là Lưu Duy Tính. Khi còn trẻ, anh ta học ở trường tư thục, được vài năm thì bỏ học đi ngao du sơn thủy.
Huyện Ninh Quốc có ngọn núi nổi tiếng, gọi là núi Cao Phong. Trên núi có một ngôi chùa, trong chùa có mấy chục tăng nhân, trụ trì là Phương trượng Thái Nguyên. Phương trượng Thái Nguyên nổi tiếng tinh thông âm luật, tiếng đàn siêu phàm thoát tục.
Lưu Duy Tính ngưỡng mộ tài chơi đàn của Phương trượng, liền đến chùa bái Sư. Phương trượng Thái Nguyên nói với anh ta: “Học đàn cũng không khó, chỉ cần có thể tĩnh tâm là được.” Vậy nhưng ông nói tĩnh tâm là công phu của bản thân, không ai có thể dạy được. Lưu Duy Tính từ đó trở về phòng ở của mình, ngày đêm ngồi thiền trên giường. Phương trượng thường tới đánh đàn, mà anh ta lại không nghe thấy.
Một hôm, Lưu Duy Tính đang ngủ đột nhiên cảm thấy trong nháy mắt có cơn mưa lớn đổ xuống, xen lẫn sấm to gió lớn, tiếng vượn kêu lạnh lùng, ma núi gào thét, ánh đèn nhỏ như hạt đậu. Anh ta liền mở cửa sổ nhìn ra ngoài, nhìn một cái liền giật mình, thì ra bầu trời không một gợn mây, cũng không có gió. Tiếng gió, tiếng mưa, vượn kêu, quỷ khóc đều đến từ phòng của Phương trượng Thái Nguyên.
Lưu Duy Tính biết Phương trượng đang chơi đàn, liền lặng lẽ đi tới ngoài cửa sổ lắng nghe. Vừa nghe một chút bỗng nhiên thấy buồn thảm chua xót không thể nhịn được, thất thanh kêu lên: “Đệ tử nguyện ý trở về!” Sau đó, anh ta tông cửa xô vào.
Phương trượng xoa nhẹ cây đàn, im lặng ngồi ở đó, không một tiếng động. Một lát sau, ông hỏi: “Con nguyện ý trở về sao? Nhưng mà con đã học thành rồi. Tiếng đàn của ta nhỏ nhẹ êm tai, mấy chục tiểu hòa thượng đều không nghe thấy, mà duy chỉ có con nghe được. Là tâm có tĩnh được hay không thôi!”
Phương trượng lại nói tiếp:
Người tầm thường dùng tai để nghe, người tĩnh tâm được thì dùng tâm để nghe. Người dùng tâm nghe có thể nghe được âm thanh ngoài mấy dặm. Còn nói về đàn, kẻ học thức nông cạn dùng ngón tay chơi đàn, người tĩnh tâm dùng tâm chơi đàn. Người dùng tâm chơi, liền đắc được đạo chơi đàn. Tâm con đã tĩnh được, có thể đàm luận về đàn cho con nghe.
Chơi đàn cần thần chí an tường, hơi thở êm đềm, thần trí đi vào vong ngã, nội tâm cảm ứng hài hòa, tay gảy đàn, tâm và tay trở thành nhất thể. Điều này chỉ có thể dựa vào tự mình lĩnh hội, dùng ngôn ngữ rất khó nói ra một vài điều trong đó. Đây chính là cái mà các “Đàn gia” đời trước khi đàm luận kỹ xảo và tâm pháp nói: nhạc phổ có thể truyền mà điều tuyệt vời của tâm pháp không thể truyền, đọng vào tai người ta, Thiện học giả tự có thể đắc.
Học đàn cũng không phải là lấy học kỹ thuật làm mục đích, lúc đánh đàn nội tâm yên tĩnh hài hòa, không bị bên ngoài can nhiễu, mới có thể đạt đến cảnh giới tự do. Bởi vì tĩnh lặng hài hòa là biểu lộ của nội tâm, tiếng đàn là do trong tâm linh sinh ra, nếu như trong tâm có tạp niệm can nhiễu, vậy thì ngón tay giống như có cái gì ngăn trở, dùng ngón tay đánh đàn như vậy, làm sao có thể khiến tiếng đàn có được cái đẹp của tĩnh lặng? Chỉ người có tâm tính rất tốt, thanh bạch tĩnh lặng, lòng vô tục niệm, ngón tay ung dung không vội vã, mới có thể nắm được đạo lý của việc đánh đàn, tâm tĩnh lặng tới cực điểm và tương thông với trình độ tuyệt mỹ, cứ thế từ vạn vật tiến vào hư vô, du ngoạn vào cảnh giới tinh thần ôn hòa.
Ví như học đàn có thể phân làm ba loại: một gọi là “Học đàn”, hai gọi là “Tập đàn”, ba gọi là “Tài đàn”. Ca phải có giọng điệu, ngón đàn phải thành thục, dây đàn phải trong âm, phím đàn đòi hỏi trong tiết, thanh đòi hỏi hoà hợp âm luật. Đây mới được gọi là “Học đàn”, chưa thể gọi là “Tập đàn”.
Tay theo tâm, âm theo tay, trong đục nhanh chậm có quy tắc, gảy đàn kỹ thuật bình thường, tấu nhạc có niềm vui bình thường, đây chính gọi là “Tập Đàn”, nhưng vẫn chưa được gọi là “Tài đàn”.
Tay có thể khống chế làm chủ được dây đàn, tai có thể thẩm duyệt âm luật, trong tâm không có tư dục (ham muốn cá nhân), âm dương cảm ứng, hoá vật thông Thiên, là có thể gọi là “Tài đàn rồi”.
Thày trò hai người trắng đêm luận về đàn, bất tri bất giác thâu đêm suốt sáng, không mấy ngày nữa, Lưu Duy Tính lại tới chỗ của Phương trượng. Phương trượng giảng cho anh ta bí quyết của ngũ âm, truyền dạy các kỹ xảo, Lưu Duy Tính lĩnh hội từng cái, tiện tay gảy đàn, âm thanh do tâm xuất ra, đều là những âm tuyệt diệu. Phương trượng nói: “Con có thể học đàn rồi.”
Từ đó về sau, Lưu Duy Tính đánh đàn mô phỏng mọi âm thanh, đều giống như đúc. Có lúc, Lưu Duy Tính thậm chí cũng không dùng tay đánh, chỉ cần nghĩ một chút, nghĩ tới đâu, tiếng đàn liền thuận theo tự nhiên mà khởi lên, vô cùng siêu phàm.
Lưu Duy Tính sau 3 năm nỗ lực học tập, trở về quê hương. Anh ta tự xưng là “Đàn khách”, không đánh đàn cho người phàm tục, có lúc anh ta chơi đàn, thanh âm ấy cũng hết sức nhỏ nhẹ, người không tĩnh tâm cũng không nghe thấy.
Lúc này, binh sỹ Thái Bình Thiên Quốc xâm chiếm An Huy, một số quân binh cổ động cướp bóc, từng có người xông vào chỗ ở của Lưu Duy Tính, chợt nghe sau núi có tiếng trống khua phát ra tiếng kim khí, thì hoảng sợ chạy trốn. Về sau điều tra ra là Lưu Duy Tính đang gảy đàn, phiến quân liền dùng dao kê vào cổ anh ta, bức bách anh ta gảy đàn. Lưu Duy Tính liền tấu nhạc khúc thê lương bi thảm, phiến quân nghe rồi sợ hãi, trong lòng nguội lạnh, hai tay run rẩy, mã tấu rơi xuống đất, liền cho rằng tiếng đàn của Lưu Duy Tinh thông với quỷ thần, siêu phàm thoát tục, sợ không dám đả thương anh ta, bèn thả Lưu Duy Tính.
Lúc này mọi người mới biết tài đánh đàn của Lưu Duy Tính đã là “ngoại thiền nội định tâm pháp, giống y như quỷ thần khóc”. Nhưng mà không lâu sau, Lưu Duy Tính cũng rời vợ rời nhà ra đi, không biết đi đâu. Có người nói: “Lưu Duy Tính có lẽ lại đến núi Cao Phong rồi, đễn chỗ của Phương trượng Thái Nguyên.” Nghe nói những năm Quang Tự thời vua Đức Tông, còn có người đã gặp mặt anh ta.
Theo Vision Times tiếng Trung
Mục Dao
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa âm nhạc truyền thống