Sự hưng suy của các triều đại trong lịch sử đã diễn ra không biết bao nhiêu lần, lưu lại cho hậu thế rất nhiều kinh nghiệm và giáo huấn. Người hưng quốc, nhất định phải hưng nhân nghĩa, hưng nhân nghĩa rồi mới có thể đắc được lòng dân, mới có thể khiến vận nước trường cửu, quốc thái dân an. Trái lại, người thực hành dối trá và bạo lực nhất định sẽ tiến tới diệt vong.

Đạo trị quốc: Muốn hưng quốc nhất định phải hưng nhân nghĩa
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Bậc Đế Vương thời cổ đại nều hiểu đạo lý chăm lo dân chúng, yêu thương dân chúng và thi hành nền chính trị nhân từ thì quốc thái dân an, vận mệnh quốc gia cũng được lâu dài.

Thi hành nhân nghĩa thì tai họa không phát sinh

Vào năm Trinh Quán thứ nhất, Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Trẫm nhận thấy Đế Vương thời cổ đại, phàm là người dùng nhân nghĩa thống trị quốc gia thì vận mệnh quốc gia được lâu dài. Còn người dùng hình phạt nghiêm khắc, pháp luật tàn bạo để cai trị nhân dân thì mặc dù có thể giải quyết được những tệ nạn nhất thời nhưng quốc gia sẽ rất nhanh chóng bị diệt vong. Chúng ta đã thấy được phương pháp mà các bậc Đế Vương trước kia đã làm vậy hãy lấy đó làm gương”.

Năm Trinh Quán thứ tư, Tể tướng Phòng Huyền Linh tấu lên Hoàng đế: “Gần đây, thần kiểm tra binh khí áo giáp trong kho thấy đã vượt xa triều nhà Tùy rồi!”

Hoàng đế Đường Thái Tông nói: “Tu sửa binh khí phòng ngừa bạo loạn và xâm lược, tuy là việc quan trọng nhưng Trẫm yêu cầu các khanh trong tâm phải luôn có đạo trị quốc, nhất định phải dốc lòng trung thành khiến dân chúng an cư lạc nghiệp. Đó mới là binh khí áo giáp của Trẫm. Tùy Dạng Đế chẳng lẽ là bởi vì áo giáp binh khí không đủ mà bị diệt vong sao? Chính là bởi vì ông ta không tu nhân nghĩa, quần thần mới có thể oán hận mà phản bội ông ta. Các khanh nên hiểu điều này!”

Năm Trinh Quán thứ 13, Hoàng đế Đường Thái Tông nói với các thị thần: “Rừng cây tươi tốt, chim chóc sẽ sống ở đó. Mặt nước rộng lớn thì con cá mới có chỗ bơi lội. Khi nhân nghĩa tích tụ đủ thì dân chúng tự sẽ quy thuận. Mọi người đều biết sợ hãi, tránh né tai họa nhưng lại không biết rằng thi hành nhân nghĩa thì tai họa sẽ không phát sinh. Cho nên chuẩn tắc nhân nghĩa, người làm quan phải ghi lòng tạc dạ, thường xuyên hành theo, không được một khắc nào buông lơi.”

Đại thần Vương Khuê nghe xong lời của Hoàng đế liền dập đầu đáp: “Bệ hạ biết được những đạo lý này, dân chúng thiên hạ thực sự là quá may mắn!”

Đạo trị quốc trước hết là chăm lo dân chúng

Năm Thiệu Hy thứ hai triều đại Nam Tống, Hoàng đế Tống Quang Tông đã hạ chiếu: “Trẫm cho rằng đạo trị quốc, đứng đầu là chăm lo dân chúng. Cho nên từ khi lên ngôi đến nay, Trẫm đã cắt giảm thuế , ban hành các điều lệ hoãn nộp thuế cho dân, hy vọng dân chúng cả nước đều có thể đạt được hoàn cảnh sống an khang, sung túc. Quan lại địa phương các phủ, châu, huyện là những người gần dân nhất, nếu thực sự làm được trấn an dân chúng, tạo điều kiện thuận lợi, yêu thương dân chúng, đồng thời thực thi nền chính trị nhân từ thì sẽ đạt tới chính trị thanh minh, từ đó tự nhiên đạt hiệu quả dẹp loạn, thiên hạ yên ổn thái bình”.

Hoàng đế Tống Quang Tông còn nói: “Hiện tại Trẫm nghe mọi người phản ánh rằng quan lại thu thuế trước thời hạn, thi nhau trưng thu tài vật của dân mà căn bản không suy xét đến khả năng của dân chúng. Người truy thúc thuế má dân chúng kéo đến nườm nượp, hối thúc không ngừng, các quan lại tùy ý bóc lột, áp bức dân chúng, căn bản không để tâm đến sự an nguy của dân chúng. Điều này là trái với bản ý mà Trẫm ủy nhiệm cho quan viên. Từ nay về sau, các quan lại phải có tâm thương xót dân chúng, lấy việc trông coi chăm lo dân chúng làm nhiệm vụ hàng đầu. Nếu ai có thể khiến dân chúng an cư lạc nghiệp thì Trẫm sẽ ban thưởng.”

Tiết kiệm là hậu đãi dân chúng

Trong cuốn “Trương Văn Trung công toàn tập” có ghi lại lời tiến gián của danh thần triều Minh là Trương Cư Chính với Hoàng đế như sau:

Tài phú mà thiên hạ sản sinh ra đều nằm ở quan phủ hoặc trong dân gian, số lượng tài phú chỉ có chừng ấy. Con người cũng tương tự, thể chất trời sinh mạnh yếu, vốn là đã được định trước. Người được gọi là giỏi về dưỡng thân chỉ là họ biết chú ý tiết chế và quý trọng thân thể, không ham thích quá mức để tổn hại bản thân, cũng vì thế mà họ phòng ngừa được bệnh tật, thọ mệnh được lâu dài.

Trước đây, bởi vì lúc còn tại vị, Hán Vũ Đế liên tục nhiều năm chinh chiến nên khi Hán Chiêu Đế lên kế vị thì thực lực kinh tế đất nước gần như bằng không. Về sau, Hoắc Quang được phong làm Đại tư mã kiêm Đại tướng quân, phò tá Vua quản việc triều chính. Ông ta thi hành chính sách triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí, để cho dân chúng nghỉ ngơi lấy lại sức. Sau mấy năm thi hành chính sách ấy, cuộc sống của dân chúng yên ổn và sung túc hơn. Tài chính của quốc gia cũng theo đó mà dồi dào hơn.

Cho nên, dùng trăm phương ngàn kế trưng thu thuế má, từ trong khối tài phú hữu hạn ấy mà không ngừng tận thu thì chỉ khiến dân chúng bị tổn hại, lòng dân ai oán. Chi bằng hãy chú ý tiết kiệm, cắt giảm chi phí để dân chúng được nghỉ ngơi dưỡng sức. Hy vọng Hoàng thượng thương cảm cho nỗi khổ của dân chúng, ban ân cho họ, phàm là những công trình không cấp bách hay những điều động vô ích thì nên dừng lại và miễn cho dân. Chủ trương tiết kiệm, giản dị, làm gương cho dân chúng thiên hạ.

Về vấn đề thu thuế, Hoàng Đế Đường Thái Tông cũng từng nói: “Cũng giống như kẻ phàm ăn ăn thịt của chính mình, ăn hết rồi nhất định sẽ chết. Nhà Vua không ngừng thu thuế, bách tính bị áp bức quá, thì nhà Vua sẽ diệt vong”. Quả đúng là như vậy, ở một đất nước mà người cai trị xem dân chúng như máu thịt của mình thì nền chính trị nhân từ sẽ được thực thi, dân chúng được chăm lo mà sung túc.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Quốc gia bất nghĩa, dẫu mạnh cũng sẽ sụp đổ