Người xưa có cách nói “khai môn thất kiện sự”, tức là bảy thứ không thể thiếu để duy trì cuộc sống hàng ngày. Bảy thứ này là củi, gạo, dầu, muối, tương, giấm, trà. Tuy rằng thời hiện đại đây không phải là những thứ cơ bản để duy trì cuộc sống, nhưng dù có thay đổi thì tất cả những thứ này đều không tách rời khỏi vấn đề kinh tế. Thời nay, suy nghĩ một cách kỹ lưỡng, cho dù là ở nhà hay ở trường học, có bao nhiêu trẻ đã từng được giáo dục về quản lý tài sản tiền bạc? Và ai là người thiết lập một quan niệm đúng đắn về tiền tài cho các con?

Robert Kiyosaki, tác giả nổi tiếng của cuốn sách bán chạy “Cha giàu cha nghèo”, từng nói đại ý rằng giáo dục quản lý tài sản và quan niệm tiền bạc là “giáo dục trên bàn ăn” và không thể học được ở trong trường. Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ không đảm nhận trách nhiệm giáo dục mà yêu cầu con mình có quan niệm đúng đắn về tiền bạc và kỹ năng quản lý tài chính, thì tất nhiên trẻ con khi lớn lên sẽ thiếu hẳn kỹ năng quan trọng này.

Chúng ta biết rằng vào thời xưa, trong gia đình, người chồng thường là người ra ngoài kiếm tiền, người vợ thường là người lo lắng cho gia đình con cái. Điều này cũng có nghĩa là việc “quản lý tài chính” trong gia đình sẽ được giao cho người vợ. Nhưng người con gái khuê các thời xưa thường là hạn chế ra khỏi nhà, vậy họ có được giáo dục quản lý tiền bạc hay không?

Ngẫm chuyện người xưa dạy con gái "quản lý tài chính"
(Tranh minh họa: Họa sĩ Chu Văn Củ, thời Ngũ Hồ Thập Quốc, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Nếu như lật lại các cuốn sách cổ như “Nữ nhi kinh” hay “Nữ giới”, chúng ta sẽ thấy có rất ít hướng dẫn về quản lý tài chính và quản gia. Trong sách “Nữ giới” về cơ bản là không có nhắc đến. Còn trong “Nữ nhi kinh” thì có đưa ra mấy câu:

“Tha gia phú, mạc nhãn nhiệt, hành tật đố, tổn liễu tâm, cần trì gia, quá quang âm”: Thấy người khác giàu, đừng thèm muốn và ghen tị, nếu ghen tị người khác thì tâm của bản thân sẽ trở nên xấu. Quản lý việc nhà phải chăm chỉ, cần cù, sống phải giản dị, tiết kiệm.

“Du diêm sài mễ đương ái tích, châm tuyến miên hoa mạc khán khinh”: Phải quý tiếc dầu, muối, củi, gạo, cũng không được xem nhẹ bông vải và việc may vá.

Trên thực tế, trong giáo dục khuê các có giáo dục về quản lý tài sản và quan niệm đúng đắn về tiền tài, nhưng nó không được viết ra thành văn. Phần này cũng là phần giáo dục do cha mẹ trực tiếp dạy dỗ cho con gái từng chút từng chút một. Bởi vì nữ nhân thời cổ đại kết hôn sớm cho nên loại giáo dục này cũng được thực hiện từ rất sớm. Thông thường, trước 15 tuổi, nữ nhân sẽ được phép thử quản lý tài chính và quản lý gia đình.

Đối với việc quản lý tài chính và quản gia, vì mỗi gia đình đều có khối tài sản cần quản lý khác nhau nên con gái phải học những điều khác nhau. Nhưng cho dù là nhà giàu hay nhà nghèo thì đều có chi tiêu cho việc mua đồ ăn bếp núc. Cho nên, việc đầu tiên mà nữ nhân cần phải học được là cách lựa chọn, kiểm tra, so sánh giá cả, với quy tắc “lượng nhập vi xuất”, liệu cơm gắp mắm, tùy theo mức thu mà chi tiêu. Điều này có nghĩa là phải căn cứ vào mức thu nhập của mình mà xác định mức chi tiêu, chi tiêu một cách có kiểm soát hợp lý, sống trong khả năng của mình.

Liệu cơm gắp mắm thậm chí còn là một môn học quan trọng hơn trong thời hiện đại ngày nay, khi mà nơi nơi đều có quảng cáo tràn lan và hoạt động tiếp thị đang rất thịnh hành. Không ít người khi đi siêu thị, rõ ràng họ muốn mua một thứ, nhưng khi về đến nhà thì túi xách của họ lại chứa đầy những món không cần thiết khác, hoặc mua các mặt hàng giảm giá mà chưa có nhu cầu sử dụng…

Ngoài ra khi dạy con quản lý tài chính, cần phải bắt đầu từ đạo nghĩa. Nói hình tượng như thế này, trong tự nhiên nước thường chảy về nơi thấp hơn. Muốn tích nước thì cần phải xem xét sự thay đổi về địa hình, thế nước, đào ao hồ ở chỗ trũng. Một khi mưa đến, tự nhiên nước chảy thành sông. Đây chính là một loại “Đạo”. Nếu như nghịch với đạo lý này thì sẽ khó có thể thành công đến cuối cùng.

Người xưa giảng rằng: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”. Của cải và địa vị là thứ mà mọi người mong muốn có được, nhưng nếu như không hợp với đạo nghĩa, thì người có giáo dục sẽ không muốn nhận. Bần cùng và thấp hèn là thứ mà mọi người chê ghét, nhưng nếu không phải là dùng cách có Đạo mà thoát khỏi, thì người có giáo dục cũng sẽ không làm.

Ghen tị là điều thường xuất hiện ở phụ nữ. Ghen tị lại có thể dẫn đến rất nhiều việc lầm lạc khác. Nếu như trong lòng không có một tiêu chuẩn đạo nghĩa, thì sẽ rất dễ bị lạc lối rong việc theo đuổi của cải vật chất. Bởi vậy người làm cha mẹ thời nay cũng cần giáo dục con. Nếu con muốn mua một món đồ gì, hãy dạy chúng cách làm việc chăm chỉ và tiết kiệm theo từng giai đoạn cho đến khi đạt được mục tiêu, không được làm những việc thương thiên hại lý, trái luân thường đạo lý để đạt được thứ mình muốn, đây chính là “Đạo”.

Ngoài ra, những quan niệm sai lầm về tiền bạc và thái độ quản lý tài chính sai lầm thường xuất phát từ sự đối đãi sai lầm với “thời gian”. Bởi vì không hiểu được sự tốt đẹp của sự nhẫn nại đợi chờ, nên trẻ con thường hay muốn có “ngay bây giờ, ngay lập tức”, thỏa mãn cảm xúc nhất thời.

Cha mẹ thông minh sẽ không mù quáng ngăn cản mong muốn về vật chất của con gái, mà sẽ hướng dẫn con gái, trợ giúp con suy nghĩ rõ ràng về việc con có thực sự yêu thích thứ đó hay không và làm thế nào để có được điều bản thân mình thực sự yêu thích.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: