Nghĩa trang quốc gia Arlington và ý nghĩa của sự hòa giải đích thực
- Lê Nguyễn
- •
Nghĩa trang quốc gia Arlington là một trong những công trình đồ sộ nhất ở nước Mỹ dành cho những người đã nằm xuống vì sự An bình, Công bằng và Nhân ái. Nghĩa trang trải dài trên một diện tích 624 mẫu tây, tương đương 2,62 triệu m2, với những bãi cỏ xanh mượt mà và những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Người binh sĩ đầu tiên được an táng tại đây là binh nhì William Christman, vào ngày 13.5.1864, cách nay 150 năm. Từ ấy đến nay Nghĩa trang Quốc gia Arlington trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 400 ngàn người gồm quân nhân tại ngũ, cựu quân nhân, và thân nhân của họ, trong đó có những người đã tham gia vào cuộc nội chiến Nam-Bắc 1861-1865. Họ được an táng tại 70 khu khác nhau, trong đó có Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh của cuộc nội chiến thập niên 1860 (khu 26), Cây tưởng niệm chiến tranh Việt Nam cùng nơi an táng hơn 3.800 người nô lệ đã được giải phóng và được ở lại canh tác tại đây trong thời gian giữa những năm 1863 và 1883 (khu 27), Cây tưởng niệm Thế chiến thứ 2 (khu 36)…
Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh trong cuộc nội chiến (Civil War Unknown Monument) vào thập niên 1860 là công trình tưởng niệm đầu tiên được dựng lên vào năm 1866 tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Nơi đây chứa hài cốt của 2.111 chiến sĩ vô danh của cả hai miền Nam – Bắc Mỹ, phần lớn được phát hiện khi không còn nhận dạng được nữa. Tại đài tưởng niệm, người ta đọc thấy những dòng chữ sau: “Bên dưới tảng đá này là hài cốt của 2.111 chiến sĩ vô danh được đưa về từ các chiến trường Bull Run và trên đường dẫn đến Rappahanock, sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt của họ không thể xác định được. Nhưng tên và cái chết của họ được ghi nhận trong văn khố nước Mỹ, và đồng bào của họ vinh danh họ với lòng biết ơn như đối với các liệt sĩ. Cầu mong cho họ yên nghĩ trong sự bình an. Tháng 9.1866”. Những người được vinh danh không phân biệt Bắc-Nam, cho dù họ từng là kẻ thù của nhau khi còn sống, điều này nói lên tính cao thượng của dân tộc Mỹ từ cách nay gần 150 năm, người chiến thắng không cư xử vô nhân với kẻ chiến bại.
Năm 1901, thân nhân của khoảng hơn 260 binh sĩ phía Nam (phe chiến bại) được phép khai quật và cải táng hài cốt họ tại một khu vực rộng 14 ngàn mét vuông ở phía Tây Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Lễ tưởng niệm binh sĩ thuộc Liên minh phương Nam (Confederate Memorial Day) đã diễn ra lần đầu tiên vào ngày 7.6.1903 và sau nhiều cuộc vận động, quyên góp, ngày 12.11.1912, người Mỹ đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài tưởng niệm Liên minh phương Nam (Confederate Memorial), nhằm tưởng nhớ những người thuộc phe chiến bại đã ngã xuống trên các chiến trường trong cuộc nội chiến Nam-Bắc những năm 1861-1865.
Đài tưởng niệm nằm trong khu 16 của Nghĩa trang Quốc gia Arlington, được tổng thống Mỹ Woodrow Wilson khánh thành ngày 4.6.1914 và từ đó, khu này tiếp tục dành an táng những cựu chiến binh thuộc Liên minh phương Nam đã từ trần. Ngày nay, nhiều tiểu bang phía Nam của nước Mỹ đều có đài tưởng niệm riêng (Confederate Monument) dành cho những chiến sĩ của họ tham gia đội quân phương Nam trong cuộc nội chiến. Hàng năm, họ được quyền cử hành ngày lễ mà họ gọi là Lễ tưởng niệm Liên minh phương Nam (Confederate Memorial Day) hay Ngày lễ các anh hùng Liên minh phương Nam (Confederate Heroes Day). Đó là hành động hòa giải đích thực của dân tộc Mỹ, cùng nhau quên quá khứ tương tranh để chung lòng xây dựng một đất nước an bình và thịnh vượng.
Công trình kỷ niệm đáng chú ý không kém là Ngôi mộ các Chiến sĩ Vô danh (Tomb of Unknown Soldiers) tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Cuộc chiến tranh nào cũng có những chiến sĩ vô danh, là những người ngã xuống trên các chiến trường trong những sứ mạng cao cả, nhưng người đời không biết họ là ai. Ngôi mộ Chiến sĩ Vô danh nằm trên một đỉnh đồi nhìn xuống thủ đô Washington, ngày 4.3.1921, Quốc hội Mỹ chấp thuận an táng tại đây một chiến sĩ vô danh tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Từ ấy, tại đây còn có thêm 3 hầm mộ dành chôn 3 chiến sĩ vô danh Mỹ trong Thế chiến thứ 2, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, song đến năm 1998, người chiến sĩ trong chiến tranh Việt Nam được nhận diện và hài cốt được đưa về an táng ở quê nhà tại thành phố St. Louis.
Ngày nay Mộ Chiến sĩ Vô danh là một trong những địa điểm được thăm viếng nhiều nhất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington của nước Mỹ. Trung đoàn Bộ binh thứ 3 có nhiệm vụ canh giữ nơi này, và tùy theo thời điểm trong năm, cứ mỗi nửa giờ hay một giờ lại có một phiên đổi gác. Suốt ngày, suốt tháng, mỗi lần như thế, luôn có hàng trăm người đứng theo dõi nghi thức trong tư thế thành kính và trang nghiêm.
Tôi đã chứng kiến nghi thức thay đổi phiên gác và thay vòng hoa tại đây trong tư thế như vậy. Khi người lính đứng nghiêm trước ngôi mộ, dõng dạc truyền rao mệnh lệnh, mọi người nín lặng lắng nghe, và khi nghi thức đặt vòng hoa vừa được các em nữ sinh thực hiện xong, tiếng kèn đồng vang lên, trầm buồn, thê thiết, cô gái đứng sau tôi đã bật khóc. Bàn tay cầm chiếc smartphone của tôi hướng về quang cảnh buổi lễ cũng run lên. Có tận mắt chứng kiến cảnh tượng uy nghiêm này mới thấy được hết sức lan tỏa của cảm xúc.
Xin những ai có dịp đến thủ đô Washington D.C. của nước Mỹ, hãy vào thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington để nhận thức sâu sắc lòng biết ơn của người dân Mỹ đối với những chiến sĩ đã xả thân vì nước, và đặc biệt hơn nữa, để trực tiếp cảm nhận được tinh thần mã thượng của kẻ chiến thắng, tinh thần hòa giải dân tộc đích thực của một xứ sở văn minh.
Lê Nguyễn
Kentucky – 20.11.2014
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
- Quan hệ giữa triều Nguyễn và Mỹ – Một cơ hội bị bỏ lỡ
- Ngoại giao của triều Nguyễn với các lân bang
- Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ I)
- Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ II)
- Quan hệ Việt – Nhật thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (Kỳ III)
- Tây Sơn có phải là “phong trào nông dân” không?
- Một chút quan hệ của người phương Tây với phong trào Tây Sơn
- Chút suy nghĩ về chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh – Gia Long
- Những ngộ nhận về mối quan hệ giữa vua Gia Long – Nguyễn Ánh và người Pháp
- Trả lại vai trò thật sự của giám mục Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn
Mời xem video:
Từ khóa Văn hóa Mỹ Đạo đức chiến tranh hòa giải dân tộc