Ngọc Quan: Ngôi làng có nhiều người đỗ đạt nhất xứ Kinh Bắc
- Trần Hưng
- •
Kinh Bắc được xem là đất học với nhiều làng và dòng họ nổi tiếng về khoa bảng, trong đó không thể nhắc đến làng Ngọc Quan. Đây là ngôi làng duy nhất vẫn giữ được “văn chỉ” ở Bắc Ninh.
Làng Ngọc Quan thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, là chiếc nôi ươm mầm tài năng. Có thể nói chưa có làng nào có nhiều người đỗ đạt như làng Ngọc Quan. Có những kỳ thi mà làng có đến 2 người đỗ ở vị trí cao thứ nhất và thứ nhì.
“Văn chỉ” của làng có 6 tấm bia sơn màu vàng ghi lại 46 vị khoa bảng được lưu danh, trong đó rất nhiều người giữ trọng trách lớn như Tể tướng, Thượng thư, Ngự sử, Bộ thị lang.
Trong 46 vị đỗ khoa bảng thì có đến 43 người là họ Vũ, đây là dòng họ nổi tiếng nhất làng vì có nhiều người đỗ đại khoa. Theo tộc phả họ Vũ của làng thì vào cuối thế kỷ 16, cụ tổ họ Vũ làng Ngọc Quan là Phúc Học rời khỏi làng Mộ Trạch đến làng Ngọc Quan an cư lập nghiệp.
Thời kỳ đầu họ Vũ ở làng Ngọc Quan lập nghiệp rất vất vả, đến đời thứ 5 thì ông Vũ Xuân trở thành điền chủ nổi tiếng trong vùng. Ông có 2 người con trai thi đỗ Hương cống và được Triều đình bổ nhiệm làm quan.
Từ đó họ Vũ thế hệ nào cũng có người đỗ đạt làm quan to trong Triều. Ví như tiến sĩ Vũ Miên đỗ đầu kỳ thi Hội dưới thời Lê Trung Hưng, nổi tiếng học giỏi và kiến thức uyên thâm, làm quan đến chức Nhập thị hành Tham tụng (tức Tể tướng), kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông góp công lớn cho đất nước, tham gia biên soạn các bộ sách như Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên, Đại Việt lịch triều đăng khoa…
Hoặc như Vũ Trinh (cháu nội của Vũ Miên) vốn nổi tiếng từ nhỏ, 14 tuổi đã thi đỗ đầu xứ, 17 tuổi đã đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên. Sau ông được Triều đình bổ nhiệm làm Tri phủ Quốc Oai (bao gồm rất nhiều huyện thuộc Sơn Tây). Dưới thời Tây Sơn, Vũ Trinh ở ẩn tại Hồ Sơn. Tại đây ông đã viết truyền kỳ “Lan Trì kiến văn lục” nhằm nối tiếp mạch truyền kỳ “Lĩnh Nam chích quái” và “Truyền kỳ mạn lục”. Khi vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn đã mời ông ra làm quan.
Một người khác là đốc học Vũ Quyền, là thầy dạy nổi tiếng, kiến thức uyên thâm, góp công đào tạo ra lứa học trò xuất sắc, nhiều người đỗ cao phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Cũng cần kể tới Vũ Phúc Bình (tự Thông Mẫn) là tấm gương kiên trì vượt khó để học thành tài. Ông học tập kiên trì nhẫn nại. Cảm thấy thời gian không đủ, để có thêm thời gian học, ông quyết định bớt thời gian ngủ, trên bàn học luôn có chiếc dùi gỗ duối, khi nào buồn ngủ lấy dùi gõ vào trán. Ông làm quan đến Tri phủ sau thăng Hiến sát sứ. Ông là chí sĩ uyên bác có phẩm hạnh trong sáng.
Trong khuôn viên của “văn chỉ” làng Ngọc Quan, ngoài 6 tấm bia ghi danh 46 vị thi đỗ, còn có có nhà thờ Khổng Tử, trong đó có một hộp gỗ lớn sơn màu đỏ là quỹ khuyến học của làng. Hàng năm học sinh trong làng được thắp hương dâng Khổng Tử cùng các vị đỗ đại khoa trong làng.
Ngày nay người dân làng Ngọc Quan dù cuộc sống có phần khá giả hơn nhưng vẫn rất hiếu học, cha mẹ luôn giành thời gian và đầu tư cho cái học học hành rất tốt. Người làng Ngọc Quan khi nói chuyện không khoe của cải giàu có, mà thường tự hào về thành tích và đỗ đạt.
Hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, làng Ngọc Quan lại tổ chức hội làng, giúp lớp trẻ ôn lại truyền thống cha ông, tự hào về truyền thống của làng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng làng Việt Giáo dục