Người trí tuệ quý tiếc phúc, không tận hưởng phúc
- An Hòa
- •
Người xưa nói: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa”. Vì vậy, cổ nhân đề cao nguyên tắc sống “phúc bất tận hưởng”, quý tiếc phúc, không được mặc sức hưởng thụ phúc, tránh để tiêu hao hết phúc báo của bản thân.
Học giả Tiêu Đạm Viên triều Minh cho rằng phúc báo của con người như cơm áo tài lộc trong cuộc đời đều đã được định trước, phải bảo lưu chứ không thể dùng tận. Tiết kiệm, không tham thì có thể kéo dài thọ mệnh, còn nếu như xa xỉ quá phận, phúc báo hưởng hết thì phúc tận mà chết.
Trong “Độc dị chí” ghi lại một câu chuyện như vậy. Vào thời Đường Văn Tông Lý Ngang tại vị, tể tướng Vương Nhai sống vô cùng xa xỉ, phô trương và hoang phí. Lúc còn làm tể tướng, ở trong hoa viên của phủ Vương Nhai cho đào một cái giếng. Toàn bộ lan can xung quanh cái giếng này được làm bằng vàng và ngọc thạch. Sau mỗi lần sử dụng đều được khóa kín lại và có người canh giữ nghiêm ngặt. Toàn bộ những món đồ quý hiếm, châu báu ngọc thạch mà Vương Nhai cướp đoạt được trong thiên hạ đều được ông ta cất trong cái giếng này. Vương Nhai còn thường sai nô bộc trong nhà múc nước trong cái giếng này cho ông ta uống. Tuy nhiên kết cục của Vương Nhai lại không có gì tốt đẹp. Vì phạm pháp, Vương Nhai bị chặt đầu trước dân chúng. Hơn nữa, toàn bộ gia tộc đều bị tru di. Quả thực là ứng với câu “phúc tận thì họa tới”.
Trong lịch sử có không ít người cả đời đều giữ nguyên tắc sống quý tiếc phúc, tích phúc, ít hưởng phúc, nhờ vậy mà con cháu đời sau hiển đạt. Đại thần Phạm Trọng Yêm triều Tống là một ví dụ điển hình. Ngay khi còn đi học, Phạm Trọng Yêm đã có tâm niệm cứu tế dân chúng. Về sau, khi làm tể tướng, ông đã đem hết tiền tài bổng lộc của mình để mua ruộng đất, nuôi dưỡng mấy trăm hộ dân nghèo khổ.
Các con của Phạm Trọng Yêm từng thỉnh cầu ông mua một mảnh đất làm vườn. Phạm Trọng Yêm nói: “Trong kinh thành có nhiều lâm viên của các quan lớn, chủ nhân của nó lại không thường xuyên đến dạo chơi, ta có thể đến đó dạo chơi. Đâu cứ phải bản thân mình có hoa viên mới là có thể hưởng lạc?”
Khi về già, Phạm Trọng Yêm đã tu sửa nơi ở của mình thành Thiên Bình tự, dùng để quảng truyền và sùng kính Phật giáo. Mấy người con trai của Phạm Trọng Yêm chỉ có chung một bộ quần áo đẹp và thay phiên nhau mặc khi ra ngoài.
Trong mấy chục năm làm quan, Phạm Trọng Yêm đều sống tiết kiệm giản dị, để dành bổng lộc bố thí giúp đỡ người nghèo. Chính vì thế, lúc ông mất, ngay cả tiền để mai táng cũng không đủ. Bốn người con trai của ông đều làm quan. Mỗi người đều kế thừa chí hướng của cha mình, bố thí cứu giúp dân chúng. Các cháu chắt đời sau của dòng họ Phạm cũng vô cùng hiển đạt.
Những người tu đạo thời xưa cũng thường nhắc nhở rằng vinh hoa phú quý trong đời có quan hệ mật thiết với phúc phận của bản thân. Một khi đã hưởng hết phúc phận thì sẽ phải lấy mạng để đổi. Vì vậy, những người tu đạo thường sống thanh bần và cũng thường chỉ bảo thế nhân như vậy.
Có một câu chuyện kể rằng, vào thời nhà Đường, một lần thiền sư Tuyết Phong và thiền sư Khâm Sơn đang rửa chân ở bên bờ suối thì thiền sư Khâm Sơn nhìn thấy có lá rau đang trôi trong nước. Ông vui mừng nói với thiền sư Tuyết Phong: “Trong núi này nhất định có đạo nhân, chúng ta có thể đi dọc dòng suối này tìm kiếm bái phỏng”.
Thiền sư Tuyết Phong đáp: “Người không tiếc phúc như vậy thì sao lại là đạo nhân được?”
Hai người đi vào trong núi tìm kiếm thì quả nhiên không có một đạo nhân hay danh tăng nào sinh sống trong đó cả.
Trong cuộc sống ngày nay, không ít người có quan niệm rằng sống trên đời phải biết hưởng thụ, nếu không thì sống không có ý nghĩa. Một số người khi nắm giữ quyền thế trong tay, có nhiều tiền của, thì sống theo chiều hướng phóng túng, xa xỉ. Không ít người cho rằng phải dùng đồ xa xỉ, ăn những món sơn hào hải vị, chơi những thú chơi khác người mới thể hiện được đẳng cấp của mình. Trong lịch sử cũng có những nhân vật như thế, Giả Tự Đạo, Thái Kinh triều nhà Tống hay Hòa Thân triều nhà Thanh. Khi còn tại vị, họ đều ra sức hưởng thụ vinh hoa phú quý, làm rất nhiều việc ác và kết cục của họ đương nhiên cũng không tốt đẹp.
Ngày nay, trẻ em được hưởng thụ những điều tốt nhất ngay từ tấm bé. Nhiều bậc cha mẹ quan niệm rằng thà mình chịu khổ một chút chứ không thể để con khổ, thua kém bạn bè. Vì thế, không ít trẻ từ bé đã dưỡng thành thói quen ngạo mạn và xa xỉ. Bởi vì ngạo mạn và xa xỉ nên sinh ra nhiều dục vọng ham muốn, nhiều dục vọng tất sẽ vô đức. Những đứa trẻ ấy sau này lớn lên rất dễ trở thành người không có đủ phẩm hạnh. Từ góc độ này mà xét thì đây không phải là bảo vệ con mà là hại con.
Cổ nhân chú trọng việc dạy con trẻ phải biết quý trọng phúc, tiếc phúc, vun đắp phúc, tích đức, thủ đức. Những điều này quả thật rất có đạo lý. “Chu Tử gia huấn” viết: “Nhất chúc nhất phạn đương tư lai xử bất dịch; nhất ti nhất lũ, hằng niệm vật lực duy gian”, ý tứ rằng khi ăn một bát cháo một hạt cơm phải nghĩ rằng kiếm được nó không dễ, khi có một sợi tơ một tấm vải phải nghĩ rằng làm được rất khó. Phải biết trân quý thì mới kéo dài được phúc báo của mình, sống một cuộc đời bình yên.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân Phúc báo phúc họa