Gia bại bởi xa xỉ, nhân bại bởi an dật
- An Hòa
- •
Vấn đề lớn nhất đời người không phải là vượt qua người khác mà là vượt qua chính mình. Bởi vậy, trong phạm vi nhỏ như bản thân, lớn hơn là gia đình hay quốc gia, mấu chốt thành công đều là vượt qua chính bản thân mình, tu sửa bản thân mình. Trong “Gia thư”, nhà Nho lỗi lạc triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, viết: “Một gia đình lụn bại không tách khỏi nguyên nhân xa xỉ, một người thất bại không tách khỏi nguyên nhân an dật.”
Nhân bại bởi an dật
Cổ huấn có câu: “Sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn”. Nguyên nhân căn bản khiến một người thất bại thông thường không phải bởi người ấy không đủ thông minh mà là vì họ không muốn chịu gian khổ.
Thời Xuân Thu, vị tể tướng kiệt xuất của nước Tề là Quản Trọng thường khuyên vua: “Chơi bời hưởng lạc khác nào uống rượu độc tự sát”. Người xưa coi việc ham muốn hưởng lạc an nhàn còn độc hại hơn cả rượu độc, bởi vì nó từng giờ từng phút gặm nhấm mất ý chí của con người. Một tể tướng kiệt xuất khác là Phạm Trọng Yêm lại nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Đây được xem là hình ảnh mẫu mực của đạo làm quan cũng như đạo làm vua.
Rất nhiều khi, sự nhàn hạ trong thời gian ngắn ngủi sẽ khiến chúng ta được thư giãn, nghỉ ngơi. Nhưng sự an nhàn lâu dài thì quả thực lại giống như địa ngục vậy, nó sẽ dần dần giết chết ý chí cùng nhiệt tâm của chúng ta, thậm chí biến chúng ta thành một người có xác mà không có hồn.
Trên đường đời của bất kỳ ai đều có rất nhiều trạng thái “an toàn giả dối”. Thời điểm sắp chạm đến thành công, nhất định không nên đánh mất sự tập trung, buông lơi bản thân, rơi vào an dật, nếu không rất có thể sẽ biến thành công thành thất bại. Mỗi bước đi trong đời người đều phải nhớ kỹ: “Đắp một núi đất, chỉ thiếu một sọt đất mà không thể hoàn thành”, “con đê ngàn dặm sụp đổ vì một lỗ kiến hổng”.
Cho nên, là một cá nhân mà nói, lúc nào cũng phải nên suy xét lại bản thân mình, tìm ra những nguy hiểm tiềm ẩn bên trong, bù đắp lại những thiếu sót của bản thân, làm được “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà làm” mới có thể sống bình an thực sự.
Gia bại bởi xa xỉ
Từ xưa đến nay, người đứng đầu một gia đình, một đất nước mà đạt được thành công thì không một ai là không phải dựa vào cần kiệm, tiết chế. Còn “vong quốc bại gia” thì hầu hết đều là vì xa xỉ, buông thả dục vọng, thuận theo ham muốn bản thân mà thành.
Trong lịch sử, rất nhiều vương triều hưng thịnh nhưng vì xa xỉ mà bị diệt vong. Triều nhà Thương là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian kế vị, Trụ Vương tăng thuế cao đối với dân chúng, sưu tập rất nhiều ngựa và đồ vật mới lạ quý báu. Đồng thời, ông ta tiến hành xây dựng thêm nhiều cung thất, lầu gác, lâm viên để vui chơi ngắm cảnh cùng Đát Kỷ. Trụ Vương cho bắt rất nhiều dã thú và chim muông để nuôi thả trong lâm viên của mình. Để Đát Kỷ được vui, Trụ Vương dùng rượu làm ao, treo thịt thành rừng, coi là nơi để nam nữ trần truồng đùa giỡn đuổi nhau, uống rượu hoan lạc suốt ngày đêm.
Thói quen xa xỉ ấy thực ra chỉ bắt đầu ở một đôi đũa bằng ngà voi. Bấy giờ, thấy Trụ Vương thích thú khi nhận được cống vật này, hiền thần Cơ Tử trong lòng đã biết nhà Thương sắp sửa diệt vong:
“Đũa ngà voi chắc chắn không thể phối với đồ gốm, mà phải phối với bát làm bằng sừng tê giác, chén mài từ ngọc trắng. Có chén ngọc rồi, bên trong chắc chắn không thể đựng canh rau dại và cơm nấu bằng gạo thô, mà phải là đựng sơn hào hải vị mới tương xứng.
Ăn sơn hào hải vị rồi thì sẽ không muốn mặc áo quần thô, cũng không muốn ở nhà tranh đơn sơ, mà phải mặc quần áo gấm vóc, ngồi xe sang trọng, ở nhà cao phòng rộng. Nếu cứ như vậy thì phẩm vật của thương nhân trong nước chúng ta sẽ không thể thỏa mãn dục vọng của vua, mà còn phải đi thu gom mọi vật trân quý của các nước phương xa. Từ đôi đũa ngà voi, ta thấy được kết quả của tương lai sau này. Thật không thể không lo lắng vì nhà Vua được.”
Việc Trụ Vương xa xỉ khiến cho dân oán dân than, dẫn đến Chu Vũ Vương khởi binh phạt Trụ. Sau khi Trụ Vương bại trận, ông đã tự thiêu mình trong ngọn lửa cháy rừng rực tại Lộc Đài.
Trong rất nhiều gia đình ngày nay, mặc dù người chồng hay vợ có sự nghiệp hưng thịnh, nhưng cảnh nhà lại lục đục, không hòa thuận, thậm chí ly tán, một nguyên nhân chính là vì sự an dật xa xỉ, không biết tiết chế, khiến cho dục vọng của mỗi thành viên càng ngày càng tăng, cuối cùng kéo cả gia đình tụt dốc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tình cảm gia đình Thành công Tăng Quốc Phiên Lời dạy cổ nhân