Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của câu “Đàn gảy tai trâu”
- An Hòa
- •
Trong cuộc sống hàng ngày, khi nói một vấn đề nào đó cho người khác nhiều lần mà họ không thể tiếp thu thì người ta thường hay than rằng: “Đúng là đàn gảy tai trâu!” Chúng ta thường cho rằng câu thành ngữ chỉ nhắm đến khả năng tiếp thu của người nghe, nhưng kỳ thực nó cũng nhắm đến trí tuệ của người nói.
“Đàn gảy tai trâu” (Đối ngưu đàn cầm) cũng có ý nghĩa tương tự với câu “Nước đổ đầu vịt” hay “Nước đổ lá khoai” để ví trường hợp những lời dạy bảo, khuyên can đều chỉ là hoài công, không có tác dụng gì. Liên quan đến câu thành ngữ này, trong cuốn “Hoằng Minh Tập. Lý hoặc luận” có ghi chép lại câu chuyện như sau:
Vào thời Chiến Quốc có một âm nhạc gia nổi tiếng tên là Công Minh Nghi. Ông vừa có thể soạn ra các bản nhạc hay lại cũng có thể diễn tấu thất huyền cầm một cách điêu luyện. Các ca khúc mà Công Minh Nghi đàn đều tuyệt hay và êm tai, rất nhiều người thích được nghe ông gảy đàn và đều kính trọng, ngưỡng mộ ông. Công Minh Nghi thường ngày gảy đàn ở nhà, nhưng gặp khi thời tiết đẹp, ông lại đến vùng ngoại ô chơi đàn, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên.
Một lần, Công Minh Nghi đi đến vùng ngoại ô chơi, cảnh sắc tươi vui, tràn đầy sức sống, gió thổi nhè nhẹ làm rung động những hàng liễu rủ bên đường. Cảnh đẹp nhưng không có một ai, chợt ông nhìn thấy trên thảm cỏ xanh mướt có một con trâu già đang ăn cỏ. Công Minh Nghi nhất thời hứng thú đi đến bên cạnh con trâu già, cầm đàn lên và gảy một ca khúc. Khúc nhạc mà ông gảy cho con trâu già thưởng thức có tên là “Thanh giác chi thao”, là khúc nhạc rất cao nhã. Nhưng con trâu già cứ thờ ơ, vẫn tiếp tục cúi đầu gặm cỏ như không hề nghe thấy gì.
Công Minh Nghi nghĩ rằng có thể khúc nhạc này cao nhã quá nên đã đổi sang gảy một làn điệu khác. Con trâu già vẫn không có phản ứng gì, tiếp tục thong dong gặm cỏ. Công Minh Nghi xuất ra hết bản lĩnh mình có, tấu một ca khúc là sở trường của mình cho con trâu già thưởng thức nhưng con trâu già vẫn không có phản ứng gì cả.
Cuối cùng, Công Minh Nghi đã sử dụng đàn để tạo ra âm thanh của ruồi muỗi vo ve và tiếng nghé con kêu mừng rỡ. Con trâu dừng lại không gặm cỏ nữa mà dỏng tai chăm chú lắng nghe, lúc lắc cái đuôi của nó, và thậm chí ve vẩy cái tai như thể để xua đuổi muỗi đi.
Lúc này, Công Minh Nghi nhận ra rằng bản nhạc dù có hay đến mấy thì con trâu cũng không thể hiểu được, đơn giản là vì nó không thể nhận thức được, chỉ có thể chơi một cái gì đó gần với hiểu biết của nó thì mới có thể khiến nó chú ý.
Về sau, “Đối ngưu đàn cầm” (Đàn gảy tai trâu) được sử dụng như một thành ngữ để lý giải về những người không có khả năng tiếp thu, hoặc nói về vấn đề gì mà họ không quan tâm hoặc họ không hiểu biết những vấn đề ấy, hay giảng đạo lý cao thâm cho người không hiểu đạo lý là chuyện phí công vô ích.
Ngoài ra, câu thành ngữ này cũng có ý khuyên răn đối với người nói. Chúng ta làm bất kỳ sự tình nào cũng cần phải xem đối tượng. Khi chúng ta muốn đối phương có thể tiếp thu được điều mình mong muốn thì trước hết lời nói và việc làm của chúng ta phải phù hợp với đối phương. Chúng ta phải dùng phương cách phù hợp để có thể câu thông với họ.
Ở bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu, chúng ta cũng đừng xem thường, hạ thấp bất kỳ ai. Bởi vì trình độ kiến thức, chuyên môn của mỗi người là không giống nhau cho nên đối với cùng một sự tình sẽ có những cái nhìn khác nhau. Có thể ở phương diện này chúng ta giỏi nhưng không nhất định là giỏi ở phương diện khác. Trong cuộc sống, khi không thể khiến người khác hiểu được lời nói và việc làm của mình, người ta thường dùng câu “đàn gảy tai trâu” với thái độ xem thường đối phương. Kỳ thực, điều này là tuyệt đối không nên.
Tác giả của cuốn “Mưu tử lý hoặc luận”, Mưu Dung khi giảng về Phật gia cho các nho sinh thì thường trích dẫn các kinh điển của Nho gia như “Thượng Thư”, “Kinh Thi” để giảng giải và cắt nghĩa điều mà mình muốn nói. Bởi vì Nho và Phật trong quá khứ đã phát sinh tranh chấp, các Nho sinh tò mò hỏi ông vì sao lại làm như vậy, thì ông thường dùng câu chuyện “Đàn gảy tai trâu” này kể cho Nho sinh nghe.
Sau đó, Mưu Dung nói: “Các ngươi có thể thông hiểu kinh điển Nho gia cho nên ta cần dùng những lời nói của Nho gia để giảng giải. Các ngươi vốn không hiểu về Phật, nếu ta dùng kinh điển Phật gia để giảng trực tiếp, các ngươi nghe không hiểu, thì chẳng phải cũng giống như không giảng gì hay sao?”
Từ góc độ giáo dục mà xét thì điều này cũng giống với đạo lý dạy học “Tùy theo tài năng đến đâu mà dạy”. Cùng một đạo lý nhưng với những người nghe khác nhau thì không thể dùng cùng một cách nói để giảng giải được. Người dạy giỏi sẽ biết cách tùy thuộc vào đối tượng cụ thể mà dùng cách nói phù hợp để đối phương tiếp thu được. Đây cũng là một yêu cầu tương đối cao về sự khéo léo và trí tuệ đối với người nói.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục trí tuệ Đạo lý Năng lực Câu chuyện thành ngữ đạo lý nhân sinh