Nhận rõ chính mình là một loại trí tuệ
- An Hòa
- •
Trên đời này, không thiếu những người luôn tự cho mình là đúng, tự cao tự đại, nhưng lại khuyết thiếu người thực sự nhận rõ được chính mình. Người càng có trí tuệ lại càng có thể nhận biết được sự vô tri của mình, trong khi những người tự cho rằng mình điều gì cũng biết thì thường lại hoàn toàn không biết gì cả.
Trong “Đạo Đức Kinh” viết rằng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, tức là người có thể hiểu biết người khác là người có trí tuệ, người có thể hiểu biết chính mình là người cao minh. Một người có thể làm được “hiểu rõ người khác” thì không quá khó nhưng “hiểu rõ được chính mình” là điều rất không dễ dàng. Đó là vì con người thường hướng con mắt ra bên ngoài để soi xét mà không hay hướng vào bản thân mình.
Trong sách “Đại Học” viết: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tu thân được đặt ở vị trí đầu là bởi vì một người chỉ khi đã tu tốt bản thân mình thì mới làm tốt được những việc còn lại “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu một người mà ngay cả chính bản thân mình còn chưa hiểu rõ, không nhận rõ mình thì rất khó để làm tốt những việc khác.
Bởi vậy, cả đời của một người, điều trọng yếu nhất là hiểu rõ những gì thuộc về bản thân mình. Một người có thể hiểu rõ chính mình thì nhất định cũng là người minh bạch. Cái gọi là hiểu rõ ở đây chính là nhận rõ năng lực của bản thân, nhận rõ ưu khuyết điểm của mình, hiểu rõ được suy nghĩ và quy phạm hành vi của mình.
Thừa nhận những điều mình không biết
Điều khó nhất đối với mỗi người là dám thừa nhận những điều mà bản thân mình không biết. Bởi vì một khi đã thừa nhận những điều mình không biết thì chính là thể hiện ra những điểm yếu của mình trước mặt người khác. Khi đó, người ấy cũng đã phải buông bỏ thể diện, buông bỏ tâm tự cao tự đại, vị tư của chính mình rồi. Cho nên, một người bình thường khó làm được điều này, càng khó đối với người có tâm kiêu ngạo hay người có danh tiếng.
Một người có thể thừa nhận những điều mình không biết thì tiến tới mới biết rõ thiếu sót và điểm mạnh của mình, thấy rõ được chính mình. Đây cũng là mấu chốt thay đổi đời người.
Người không hiểu rõ bản thân thì không thể nhận thức được bản thân có những gì, hơn nữa còn dễ bị nhầm lẫn bởi những lời khen sai lầm của người khác. Người khác khen càng nhiều, tâm ngạo mạn của người này càng phồng to lên, cuối cùng ắt sẽ tự đưa mình vào con đường diệt vong.
Thời Chiến Quốc có một người tên là Triệu Quát, là con của danh tướng Triệu Xa lừng lẫy nước Triệu. Triệu Quát từ nhỏ đã đọc và ghi nhớ nhiều binh thư, có tài tranh luận về việc dùng binh, nhưng thực tế không hề có kinh nghiệm điều binh khiển tướng. Triệu Quát được nhiều người biết đến và ca ngợi, anh ta tự mãn nói rằng: “Ta đây đánh trận là thiên hạ đệ nhất”.
Khi trở thành một đại tướng quân, bản thân anh ta không hề biết rằng kinh nghiệm thực tế trên chiến trường của mình chưa đủ, cũng không nghe theo lời khuyên của những tướng lĩnh dưới trướng của mình, tất cả đều làm theo lý thuyết trong những cuốn sách quân sự. Kết quả là Triệu Quát bị lão tướng Bạch Khởi của nước Tần vây khốn, cuối cùng đội quân của Triệu Quát bị quân Tần giết sạch.
Nhận rõ bản thân quyết định độ cao của nhân sinh
Mỗi người đều có một đôi mắt, đôi mắt này có thể quan sát hiện tượng thiên văn, quan sát địa lý hay xã hội nhưng lại không thể nhìn thấy được hàng lông mi của chính mình. Cho nên, thi nhân triều Đường, Đỗ Mục đã cảm thán viết rằng: “Tiệp tại nhãn tiền trường bất kiến” (Mắt không nhìn thấy được lông mi).
Quá trình trưởng thành của con người là quá trình không ngừng tự nhận thức chính mình. Người ở tầng thứ càng cao thì càng nhận thức rõ được những thiếu sót của mình. Trái lại, người ở tầng thứ thấp thì càng là không biết trời cao đất dày. Muốn phát hiện khuyết điểm và tình thế không tốt của người khác là điều không quá khó. Nhưng muốn tìm ra khuyết điểm và tình thế không thuận lợi của mình thì lại khó khăn như “mắt không nhìn được thấy lông mi”.
Quá trình nhận thức rõ bản thân cũng là một quá trình thống khổ. Đặc biệt là đối với những người trong quá trình trưởng thành đã bị ngoại lực ảnh hưởng nhiều. Nhưng một khi có thể thực sự làm được thì độ cao nhân sinh sẽ bắt đầu thay đổi.
Mỗi người khi nhìn người khác thì đều có biểu hiện giống như một vị triết gia có cái nhìn toàn diện. Nhưng khi chính mình gặp khó khăn thì lại có biểu hiện giống như một đứa trẻ vụng về. Nguyên nhân chủ yếu chính là vì người ta thường không nguyện ý đối mặt với chính mình, sợ nhìn thấy điểm thiếu sót của mình, sợ thừa nhận yếu kém của mình.
Những gì mà bạn nhìn thấy ở người khác thật ra chính là bản thân bạn. Mọi mối quan hệ của bạn đều là một tấm gương, thông qua chúng, bạn có thể thật sự hiểu được chính mình. Nếu bạn cảm thấy người khác đang kiêu căng ngạo mạn, thì có thể là bạn đang đố kỵ. Nếu bị kẻ khác chọc ghẹo, thì có thể bạn đang muốn khoe khoang sắc đẹp của mình. Nếu bạn cảm thấy người bạn đời mất đi tình yêu thương, thì có thể là bạn đã không còn nhiệt tâm với họ nữa.
Chỉ khi một người nguyện ý nhìn thẳng vào chính mình mà soi xét, mà sửa đổi thì tâm tính của người ấy mới đề cao lên và cảnh giới nhân sinh của người ấy cũng thăng hoa lên theo.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Nhận rõ chính mình là một loại trí tuệ
Từ khóa Lão Tử Khổng Tử trí tuệ tu thân Đạo Đức Kinh