Những cái chết bất ngờ: Số phận hay sự xuống cấp của xã hội?
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Mỗi ngày, khi bạn mở tờ báo ra hoặc vào các trang báo điện tử, mạng xã hội, không khó để bắt gặp những thông tin về các vụ chết người tại Việt Nam. Con người chết đi mỗi ngày, chuyện bình thường, nhưng có những cái chết theo cách thật lãng xẹt và bất hợp lý đến không tưởng tại đất nước hình chữ S này.
Bạn cứ search google, sẽ cho ra một đống kết quả: Trộm chó, đánh chết. Trộm vặt, lột quần áo, trói quỳ gối, đánh hội đồng. Nhìn đểu, đâm. Hái trộm ớt, đánh. Va quẹt xe cộ, đâm. Xin lửa châm thuốc, đâm. Nói đụng chạm nghề nghiệp, đâm. Không được yêu, đâm. Ngồi nhầm bàn, đâm. Ghé nhầm phòng hát karaoke, đâm. Vào đồn công an, chết hoặc trọng thương. Công an đánh chết người vi phạm luật giao thông. Thậm chí người giao cơm từ thiện bị người xin cơm từ thiện đâm chết…
Bởi vì đâu???
Có người nói, những cái chết bất ngờ này là do số phận. Tôi không tin vào số phận. Khi nói đến hai từ số phận, tôi thường nghĩ đến một cái gì đó trừu tượng, mơ hồ và không rõ nghĩa, không thể xác định. Trong khi những cái chết bất ngờ, những hành vi đánh giết người man rợ là những hành vi có thể giải thích nguyên nhân. Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thử nêu vài nguyên nhân như sau:
Có lần tôi hỏi một anh bạn lớn tuổi, “Tại sao người Trung Quốc và người Việt Nam mình cái gì cũng ăn? Ăn không chừa thứ gì?” Anh bạn tôi bảo: “Việt Nam mình là nền văn minh lúa nước, lạc hậu, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên đời sống bấp bênh. Khi con người ta đói thì con heo, bò, gà, cá, tép hoặc con chuột, con chim,… người ta ăn không chừa, không bỏ thứ gì bởi trong mắt người đói những thứ đó đều là thịt.”
Cái đói làm cho con người có tâm lý tích trữ để dành. Khi miếng ăn bị đoạt thì người ta tức tối, hằn học, chửi bới và sẵn sàng xông vào nhau. Người ta không dám đợi cho trái chín cây mà vặt sớm để dấm bởi họ luôn sợ thằng hàng xóm ăn trộm mất. Tâm lý làng xã cục bộ, làng mình to nhất và không đâu hơn làng mình làm cho con người không nhìn qua khỏi lũy tre, không tiếp thu tiến bộ, bảo thủ và tụt hậu, dễ bị lừa gạt và cũng dễ bị khích động. Đất lề quê thói làm cho con người sẵn sàng manh động xử lý mọi cái, bất chấp và thách thức pháp luật. Tuy nhiên, con người ngày xưa vẫn còn tin vào quả báo luân hồi, tin vào Phật, Thánh Thần nên cái ác, cái man rợ, cái thú tính vẫn còn được người ta kềm nén, cũng chỉ vì sợ quả báo chứ không phải vì muốn cố gắng sống tốt và xây dựng xã hội tốt. Những điều tốt đẹp không được tạo môi trường thuận lợi cho nó bám rễ, ăn sâu và trở thành tư tưởng, triết lý, lẽ sống. Cái đẹp cái tốt luôn luôn bị thách thức và vùi dập, hiểu méo mó đi.
Cách mạnh vô sản nổ ra kèm theo đó là những chính sách sai lầm tệ hại. Người ta đốt chùa, phá đền, dẹp bỏ hết những đức tin để sống vô thần theo chủ nghĩa cộng sản. Thực hiện cải cách ruộng đất triệt để, đánh tư sản, đấu tố… những chính sách này buộc con người muốn tồn tại thì phải giết người khác, phải tố cả cha mẹ, họ hàng, người thân, hàng xóm của mình. Những cuộc thanh trừng đẫm máu tại chỗ trong tiếng reo hò của cả làng cả xã là một hành vi man rợ và mất nhân bản đến tột cùng. Người ơn từng nuôi dưỡng mình nhưng vẫn đem ra để tổng xỉ vả và bắn bỏ chỉ bởi vì người đó có tiền hơn người khác.
Chế độ tem phiếu bao cấp cào bằng, không tư hữu làm cho con người soi mói nhau, ganh tỵ nhau và thù hằn nhau chỉ bởi miếng ăn, mét vải. Người ta tổng xỉ vả nhau chỉ vì có tư tưởng khác, dám làm hoặc nói khác, chỉ vì người đàn bà chửa hoang, chỉ vì người đàn bà có chồng đi bộ đội chết dám đi lấy chồng khác… Con người bị dồn nén quá lâu, những ẩn ức trở thành ám ảnh và họ sống vật vờ trong một nỗi sợ hãi vô hình không lối thoát. Mọi giá trị nhân văn, nhân bản dần bị triệt tiêu. Con người trở nên ích kỷ và chỉ biết đến bản thân mình.
Cuộc chiến chấm dứt, Bắc Nam như nhau. Những chính sách sai lầm lại tiếp tục lặp lại. Cả nước đói hả họng như nhau. Lịch sử được viết nên bởi người chiến thắng được tô hồng, điểm son và che giấu sự thật. Những bài học trong học đường trở thành nơi để đào tạo con người xã hội chủ nghĩa với lòng sắt máu căm thù ngùn ngụt. Những sáo rỗng, mỹ từ và vô nghĩa chẳng giúp được gì cho lớp người kế tiếp trưởng thành nhưng lại biến họ thành những cỗ máy rập khuôn: không tư duy, không phản biện và cúi đầu, theo lệnh.
Từ ngày hết chiến tranh đến nay đã mấy chục năm, đất nước vẫn tụt hậu và ngày càng tụt hậu so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Lớp người giàu mới nổi nhờ bất động sản, nhờ câu kết dự án, lừa gạt, lợi ích nhóm và chiếm đoạt đất đai của nông dân thì không có văn hóa, không có tri thức nhưng lắm tiền. Đồng tiền của họ có thể lũng đoạn tất cả từ thị trường cho đến xã hội và hệ thống pháp luật.
Tham nhũng tràn lan. Mua quan bán chức. Chạy chọt đủ kiểu. Đi đến đâu cũng phải phong bì xòe tiền ra trước. Khi đồng tiền làm chủ thì trái tim và cái miệng buộc phải tắt tiếng và câm lặng. Ranh giới giàu nghèo trong xã hội hiện tại khốc liệt hơn bao giờ hết. Người lao động thật thà chân chất không bao giờ có cơ hội ngóc đầu. An sinh phúc lợi xã hội bị xâu xé tàn bạo. Tôn giáo không ra tôn giáo, vô thần không ra vô thần. Mọi giá trị đạo đức, thẩm mỹ bị đảo lộn. Con người chưa bao giờ lạc lối, ngơ ngác và tội nghiệp đến như thế.
Người ta dần trở nên thu mình lại, vô cảm, miễn nhiễm với mọi sự, bàng quan với tất cả. Những hành động tốt đơn giản thường ngày mà đúng lý ra bất cứ một người bình thường nào cũng có thể thực hiện bỗng trở thành tấm gương chói lọi, bóng bẩy với mỹ từ.
Những hành động tử tế bị nghi ngờ. Những người trong sạch trở thành lạc lõng và bị đào thải không thương tiếc. Những hành động nhân bản hoặc dũng cảm đấu tranh với cái xấu bị cười chê là ngu dốt. Những vụ án giết người với lý do vớ vẩn tràn lan trên mạng ngày càng nhiều. Người tốt không được pháp luật bảo vệ. Người xấu nhưng có tiền thì có thể mua được tất cả. Con người chưa bao giờ bất an và sợ hãi đến như thế.
Người ta giờ có thể đánh, giết nhau vì những va chạm nhỏ nhất bởi người ta chẳng còn sợ điều gì. Những ẩn ức dồn nén do xã hội gây nên nằm chực sẵn trong mỗi con người và chỉ chờ thời điểm đến là bùng phát một cách tàn bạo và man rợ. Khi con người có thể giết người đem đến miếng ăn (có thể gọi là người có ơn với mình) cho mình thì người đó có còn là người không? Điều này đứng riêng lẻ thì thấy nó là cá biệt, nhưng nhìn ở góc độ toàn cảnh của một xã hội thì nó phản ánh một xã hội thối nát đến tột cùng. Những người có lương tri đều trăn trở và đau lòng với điều đó.
Nếu cần phải phục hồi hệ giá trị nhân bản thì phải thay đổi cái gì, ra sao và khi nào? Liệu có thể thay đổi trong bối cảnh này hay không? Liệu cha mẹ thầy cô còn có thể dạy con cái, học trò những giá trị của Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín khi chính họ cũng không thể sống theo đạo lý…?
Nguyễn Thị Bích Ngà
11/08/2014
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thói xấu người Việt thực trạng xã hội Nguyễn Thị Bích Ngà