Sưu thuế thời quân chủ không hề lạc hậu
- Quang Minh
- •
Các chế độ xã hội sau này nhấn mạnh vào hình thức “Phúc lợi xã hội” bên cạnh hình thức thuế. Nhiều người cảm thấy một xã hội có phúc lợi cao thì là một xã hội tốt, và sưu thuế là thứ lạc hậu phong kiến, nhưng liệu có đúng không?
Sưu thuế ám chỉ đến các loại thuế nói chung dưới thời quân chủ (mà chúng ta quen gọi là thời phong kiến), bao gồm thuế thân (còn gọi là sưu), các loại thuế sản vật (khoáng sản, sắt), một số loại thuế liên quan đến ruộng đất, v.v. Bên cạnh đó, còn có khái niệm “tô”, chính là một phần sản phẩm do người nông dân làm ra, nộp lại cho chủ đất (địa chủ), “tô” không thuộc về thuế mà là thỏa thuận của bản thân nông dân và chủ đất. Nói về thuế thời quân chủ thì chủ yếu nhất chính là thuế thân và thuế ruộng đất.
Cách tính thuế cũng khá đa dạng và thay đổi theo từng chế độ quân chủ khác nhau. Ví dụ như ở Việt Nam, thời nhà Lý thì thuế đinh (sưu) được phân theo đinh bộ hay hộ tịch của mỗi làng. Thuế đinh thời này được tính căn cứ theo số ruộng của mỗi người, ai không có ruộng thì khỏi phải nộp. Cách làm này được kéo dài sang thời nhà Trần. Ngoại trừ khi có việc binh đao, thì các huyện mới phải thu bổ theo số ruộng. Như vậy cách tính thuế của những chế độ quân chủ này không hề bất hợp lý.
Tới cuối nhà Trần, rồi nhà Lê trở đi cho đến nhà Nguyễn thì sưu bắt đầu được tính theo đầu người, cũng có phân tuổi tác để thu cao hay thấp. Điều đáng chú ý là có lúc thuế chỉ được đánh trên mỗi nam giới trưởng thành, không tính vào phụ nữ hay trẻ em. Đồng thời khi có thiên tai thì có thể cắt giảm hay miễn trừ thuế. Ví dụ như nhà Nguyễn có quy định rằng:
Thuế lệ tuy định như vậy, nhưng năm nào ở đâu mất mùa, như là bị hoàng trùng, đại hạn hay là nước lụt, v.v… thì nhà nước chiếu theo sự thiệt hại nhiều ít mà giảm thuế cho dân. Lúa 10 phần thiệt hại tới 4 phần thì khoan giảm cho hai phần thuết; thiệt hại 5 phần thì giảm cho 3; thiệt hại 6 phần thì giảm cho 4; thiệt hại 7 phần thì giảm cho 5; thiệt hại 8 phần thì giảm cho 6; thiệt hại 9 phần thì giảm cho 7; thiệt hại hết cả thì giảm cả. Hoặc nhà nước có lấy dân đinh đi làm đường, đào sông, xây thành v.v… thì cũng được giảm thuế.
Như vậy ưu điểm của thuế thời quân chủ bao gồm:
- Thời Lý, Trần, thu thuế theo ruộng, người có của cải mới thu.
- Các thời sau này, có những lúc chỉ đánh thuế đối với nam giới trưởng thành, không đánh thuế phụ nữ trẻ em.
- Ngoại trừ các mặt hàng đặc biệt như khoáng sản, muối, rượu, v.v., các mặt hàng khác không thu thuế.
- Đánh thuế dựa theo sự thiệt hại nhiều ít của người dân trong thiên tai.
- Không đánh thuế các phường hội.
- Không có thuế thu nhập.
- Trong rất nhiều sản phẩm giao dịch không có thuế.
Chúng ta biết rằng thuế gắn liền với sự hình thành và phát triển của một chế độ. Ngay từ khi chế độ ra đời thì thuế cũng xuất hiện, nó là sản phẩm tất yếu từ sự xuất hiện chế độ, ngược lại nó cũng đảm bảo cho sự tồn tại và hoạt động của bộ máy quản lý của một triều đình hay một nhà nước. Nói ngắn gọn, thuế là để phục vụ bộ máy. Vậy thì chính sách sưu thuế của chế độ quân chủ Việt Nam phục vụ một bộ máy bao lớn?
Càng đi về trước, số lượng quan lại trong triều đình càng nhỏ hơn. Đơn cử như dưới thời Lê trung hưng, tùy theo quy mô, xã dưới 400 người thì đặt 8 xã trưởng và tướng thần, xã từ 400 – 1000 người đặt 18 xã trưởng và tướng thần; xã nhỏ chỉ có 70 người chỉ đặt 1 xã trưởng và tướng thần. Hay như dưới thời Nguyễn, quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện (dưới là châu, tổng, rồi mới đến xã), từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người của mình mà cử ra quản trị mọi việc tại địa phương.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam hiện đại thu thuế để phục vụ một bộ máy bao lớn?
Chúng ta biết rằng đã từng có thời điểm năm 2012, các báo đưa tin về một “xã điển hình” có 15 thôn, 2.000 hộ, 9.500 dân, mà tính ra khoảng 500 người tham gia vào công tác quản lý cho xã, thôn. Như vậy tức là tỉ lệ gấp nhiều lần thời xưa.
Còn ở mức tổng quan hơn, thì tính đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người. Về tỷ lệ công chức viên chức hưởng lương, thống kê trên 1.000 dân thì Việt Nam có 43 người chưa tính quân đội và công an. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines 1.000 dân chỉ có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người. Về chi thường xuyên, năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25% so với năm 2015.
Chỉ qua quy mô của bộ máy thôi cũng đủ hiểu rằng, cụm từ “sưu cao thuế nặng” đã bị lợi dụng để chê bai chế độ quân chủ như thế nào. Thực chất chỉ trong các thời điểm chiến tranh, bị đô hộ, hoặc khủng hoảng chính trị thì mới có sưu cao thuế nặng, nhưng nó không phải là đặc tính của một chế độ quân chủ. Thuế chính là một phương cách bình thường để một chế độ tồn tại, dù có phải quân chủ hay không.
Bên cạnh đó, sự phát triển về kinh tế của một đất nước, về mặt tổng thể, nằm ở sự tự do của công việc kinh doanh. Khi những công việc kinh doanh càng đeo nhiều cái cùm thuế khóa, thủ tục, thì kinh tế sẽ càng bị kìm hãm. Nói dễ hiểu hơn, nếu một con gà phải gánh hàng trăm thứ phí như hiện nay thì nó chỉ còn là “gân gà” (như Tào Tháo nói).
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa chính phủ Chính sách thuế