Phương châm sống của trí thức xưa: Lo trước cái lo của thiên hạ
- An Hòa
- •
Các bậc trí thức, thánh hiền và trung thần nghĩa sĩ thời cổ đại đều thông qua tu thân dưỡng tính mà nhân phẩm đạt tới cảnh giới tinh thần cao thượng. Họ đã vì hậu nhân mà để lại rất nhiều câu danh ngôn hàm chứa chân lý và đạo lý làm người, trải qua hàng ngàn năm đến nay vẫn là di sản tinh thần quý giá, nổi tiếng là câu nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.”
Danh thần triều nhà Tống, Phạm Trọng Yêm, trong “Nhạc Dương Lâu Ký”, đã để lại cho người đời sau một câu danh ngôn được tán dương hàng ngàn năm qua: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhạc nhi nhạc”, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.
Diễn giải về điều này, Phạm Trọng Yêm viết:
Đừng vì của cải vật chất ngoại thân mà tự hào, mừng rỡ. Cũng đừng bởi vì thất ý, thất vọng mà bi thương. Khi còn giữ chức vị cao trong triều đình thì lo cho dân, chỉ e sợ dân cơ hàn khổ cực. Khi rời xa việc triều chính thì vì đấng quân vương mà lo lắng, chỉ e quân vương có điều thiếu sót. Dù ở trong hay ở ngoài triều thì đều lo. Nếu được hỏi, vậy khi nào mới vui? Tất sẽ trả lời: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.
“Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” kỳ thực chính là phương châm sống của những trí thức tài đức thời xưa.
Thủa nhỏ, một vị thầy tướng từng xem bói cho Phạm Trọng Yêm, nghe thấy chí hướng của ông là nếu không làm được Tể tướng thì muốn làm thầy thuốc, nên lấy làm lạ. Phạm Trọng Yêm giải thích rằng: “Bởi vì Tể tướng lương thiện và Thầy thuốc lương thiện đều có thể cứu được người!”
Vị thầy tướng nghe xong, trong lòng vô cùng cảm động, liền nói với Phạm Trọng Yêm: “Cậu đã có một cái tâm của một vị Tể tướng chân chính, cho nên sau này, cậu nhất định sẽ làm Tể tướng!”
Quả thực về sau này, Phạm Trọng Yêm đã là một vị tể tướng tài đức vì dân vì nước.
Trong mấy chục năm làm quan, Phạm Trọng Yêm sống vô cùng đơn giản. Cho dù khi làm đến chức Tể tướng, ở trên vạn người, gia đình Phạm Trọng Yêm vẫn sống trong ngôi nhà đơn sơ, ăn uống đạm bạc.
Có người từng muốn xây cho ông một ngôi nhà mới khang trang, nhưng ông lại nói: “Điều con người nên theo đuổi là đạo nghĩa. Một người nếu trong lòng có đạo nghĩa thì vô luận là ở đâu thì trong lòng cũng luôn vui vẻ.”
Phạm Trọng Yêm không để lại tài sản, đất đai cho con cháu, thậm chí ông còn dùng toàn bộ tiền tiết kiệm của cả đời để mua đất mở trường dạy học, chia ruộng đất cho dân, và cứu tế người nghèo.
Cả đời ông vì lên tiếng cho việc chính nghĩa mà bị giáng chức mấy lần, có lúc bị điều đến nơi ngoại thành xa xôi, nhưng ông không vì điều đó mà cảm thấy bi thương, đau buồn, cũng không vì cái lợi của bản thân mà làm ngơ trước những điều bất nghĩa. Đó đều là bởi vì ông lo lắng cho cuộc sống của người khác, đúng với phương châm sống “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Lão Tử từng giảng: “Người phú quý tặng người của cải, người nhân ái tặng người lời nói”. Khổng Tử cũng nói: “Bất nghĩa mà giàu có, đối với ta cũng như phù vân”. Văn Thiên Tường còn để lại câu thơ: “Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son chiếu sử xanh”. Một đời của Phạm Trọng Yêm chính là cuộc đời của một người trí thức như thế.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Trí thức Phạm Trọng Yêm Lão Tử Khổng Tử