Quy tắc đặt tên cho các Hoàng tử nhà Nguyễn
- Trần Hưng
- •
Nhà Nguyễn gồm 9 đời chúa, 13 đời vua có công mở cõi và thực hiện cuộc di dân lịch sử về phương nam. Cách đặt tên cho các hoàng tử cũng tuân theo quy tắc của Hoàng tộc, vậy quy tắc này như thế nào?
Tên luôn được đặt là “Nguyễn Phước”
Sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các đời chúa Nguyễn và các vị Vua nhà Nguyễn sau này đều có tên lót là “Phước”. Tương truyền khi vợ của chúa Nguyễn Hoàng là bà Nguyễn Thị đang mang thai, một lần chiêm bao thấy có vị Thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phước”.
Khi tỉnh dậy bà kể lại cho mọi người giấc mơ của mình, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đặt tên đứa bé là Phước. Nhưng bà nói rằng nếu đặt tên là Phước thì chỉ mình đứa bé hưởng, nên bà muốn lấy chữ “Phước” làm tên lót ẩn chứa mong muốn rằng đứa bé sau này sẽ tạo phúc cho muôn dân, đồng thời để đời sau đều có được chữ “Phước” này.
Sau khi bà Nguyễn Thị sinh con, đặt tên là Nguyễn Phước Nguyên, từ đó các Hoàng tử nhà Nguyễn khi được sinh ra đều đặt tên lót là “Phước” với mong muốn tạo phúc cho dân chúng. Các đời chúa Nguyễn đã tạo ra kỳ tích mở rộng lãnh thổ và cuộc di dân lịch sử xuống tận phương nam, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng giúp Đàng Trong ổn định và phát triển cực thịnh.
Tên lót được đặt theo “Đế hệ thi”
Sau này đến đời vua Minh Mạng năm 1423, vua sai Khê Đình hầu Đinh Hồng Phiên (còn có tên gọi khác là Đinh Nguyễn Phiên) làm bộ thơ “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”. “Đế hệ thi” dùng để đặt tên cho con cháu vua Minh Mạng qua nhiều thế hệ, còn “Phiên hệ thi” dùng để đặt tên cho con cháu nhiều thế hệ của anh em vua Minh Mạng.
“Đinh Văn tộc gia phả” ở Kim Khê, Nghi Long, Nghi Lộc có ghi chép rằng: “Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên nhậm chức soạn định thể thức cáo văn, sắc văn, tu soạn Liệt Thánh Thực lục, đồng thời được giao việc hệ trọng là sáng tác Đế hệ thi và Phiên hệ thi”.
“Châu bản triều Nguyễn” tập 2 cũng có ghi chép lại rằng: “Bề tôi Đông các học sĩ Nguyễn Đình Phiên cúi đầu, rập đầu trăm lạy kính tâu về việc: Nay kính vâng chủ kiếm soạn các chữ trong Ngọc Phổ. Hãy kính đấy. Kinh cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, cộng 220 chữ kính cẩn trình bày theo thứ tự. Kính chờ Thánh thượng xét đoán”.
Sau khi “Đế hệ thi” trình lên, vua Minh Mạng cùng các Hoàng tử Miên Thẩm, Miên Trinh xem xét để chọn lấy một bài. Thơ được làm theo thể “ngũ ngôn tứ tuyệt” như sau:
綿洪膺寶永
保貴定隆長
賢能堪繼述
世瑞國嘉昌
Dịch Hán – Việt:
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Nghĩa là:
Huân nghiệp lớn do Tổ Tiên gây dựng,
Gắng giữ gìn cho xứng ân sau, phồn vinh thịnh đạt dài lâu,
Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.
Đời đời nối nghiệp tiền nhân, nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy.
Các Hoàng tử được sinh ra đều phải đặt tên theo “Đế hệ thi”, như các Hoàng tử do vua Minh Mạng sinh ra đều phải có tên lót là “Miên”: Nguyễn Phước Miên Tông (vua Thiệu Trị), Nguyễn Phước Miên Thẩm (Tùng Thiện vương), Nguyễn Phước Miên Định (Thọ Xuân vương).
Đến khi các Hoàng tử này sinh con, tức thế hệ cháu của vua Minh Mạng thì đều lấy tên lót là “Hồng”: Nguyễn Phước Hồng Nhậm (vua Tự Đức), Nguyễn Phước Hồng Y (Thoại Thái vương), Nguyễn Phước Hồng Cai (Kiên Thái vương).
Đến thế hệ tiếp theo lấy chữ “Ưng” làm tên lót: Nguyễn Phước Ưng Chân (vua Dục Đức), Nguyễn Phước Ưng Đăng (vua Kiến Phúc), Nguyễn Phước Ưng Lịch (vua Hàm Nghi).
Đến thế hệ tiếp theo lấy “Bửu” làm tên lót: Nguyễn Phước Bửu Đảo (vua Khải Định), Nguyễn Phước Bửu Lân (vua Thành Thái).
Thế hệ tiếp theo các Hoàng tử con vua Khải Định và Thành Thái sẽ lấy chữ “Vĩnh” làm tên lót như Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại).
Con của vua Bảo Đại lại đặt tên lót là “Bảo”, đó là Hoàng tử cuối cùng Nguyễn Phước Bảo Long.
“Đế hệ thi” được khắc vào cuốn sách bằng vàng với tên chính thức là “Thánh chế mạng danh kim sách”. Kim sách này được lưu trữ ở Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam và được công nhận là bảo vật quốc gia.
Khi ban bố cách đặt tên này vua Minh Mạng đã nói rằng:
“Trẫm không dám so sánh với nhà Chu xưa ở Trung Nguyên bói năm được 700 năm, bói đời được 30 đời. Nhờ các tiên đế ta tích nhân đức, chính sự ân huệ tốt họ Nguyễn Phước được cội sâu gốc bền, nghiệp lớn tốt thịnh. Trẫm chỉ giơ tay lên trán cầu trời cho từ nay về sau con cháu ta nhận nối cơ đồ lớn, hưởng được 500 năm, tức là hơn 20 đời, chẳng dám mong nhiều hơn.”
(Theo “Các triều đại Việt Nam Thế hệ đầu theo Đế hệ”)
Như vậy vua Minh Mạng muốn nhà Nguyễn kéo dài khoảng 500 năm, sau mình sẽ kéo dài thêm 20 đời nữa từ “Nguyễn Phước Miên” đến ”Nguyễn Phước Xương”.
Tuy nhiên thực tế nhà Nguyễn sau vua Minh Mạng chỉ kéo dài thêm 5 đời từ “Nguyễn Phước Miên” đến “Nguyễn Phước Vĩnh”. Vị Vua cuối cùng là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện Chúa Nguyễn chọn dùng Phật Pháp trị quốc
- Thiên Mụ: Ngôi chùa chứng kiến sự thịnh suy của Đàng Trong
Mời xem video:
Từ khóa nhà Nguyễn