Sĩ tử học trường Quốc Tử Giám được ưu ái như thế nào?
- Trần Hưng
- •
Quốc Tử Giám được các Triều đại ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nhằm có được các bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc sau này, vì thế mà sĩ tử vào học cũng nhận được nhiều ưu ái.
Trường Quốc Tử Giám
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu, đây được xem là trường đại học đầu tiền của Việt Nam, rất nhiều nhân tài giúp Giang Sơn Xã Tắc giàu mạnh đều xuất thân từ ngôi trường này.
Vào thời Lý, Trần chỉ có các hoàng tử, hoàng thân quốc thích và con cái quan lại trong Triều mới được học tại trường Quốc Tử Giám.
Đến thời Lê Sơ cầu hiền, xuống chiếu tuyển chọn học trò ưu tú vào học tại trường Quốc Tử Giám. Học trò phải qua một kỳ thi sát hạch, những ai đỗ cao mới được nhận vào học, những người được nhận vào học trong trường Quốc Tử Giám gọi là Giám sinh.
Sau này nhà Lê Sơ quy định những ai vượt qua tứ trường kỳ thi Hương (tương đương cử nhân), rồi vượt qua được kỳ thi sát hạch của bộ Lễ mới được nhận vào học tại trường Quốc Tử Giám.
Các Giám sinh vào học sau này sẽ tiếp tục phải qua các kỳ thi Hội và thi Đình. Quốc Tử Giám là nơi tâp trung các thầy giỏi nên khả năng các Giám sinh đỗ đạt là rất cao, vì thế mà được xem là tương lai của đất nước.
Các Triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn đều chú ý đầu tư cho các Giám sinh trường Quốc Tử Giám, nhằm bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho Triều đình.
Nhận học bổng cùng nhiều ưu ái
Các Giám sinh có xuất thân từ các thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng đã vào trường thì không có phân biệt đối xử, đều được Triều đình cấp cho học bổng, lương thực cùng các dụng cụ sách vở để phục vụ việc học tập.
Nhà Trần chia các Giám sinh làm 3 hạng theo trình độ để áp dụng chế độ giảng dạy, 3 hạng là hạ trại, trung trại, thượng trại.
Sau khoa thi năm 1442 thời vua Lê Nhân Tông, Triều đình chia các Giám sinh làm 3 xá: Hạ xá là những ai vượt qua nhất trường kỳ thi Hội, trung xá là những ai vượt qua nhị trường kỳ thi Hội, thượng xá là những ai vượt qua tam trường kỳ thi Hội. Việc chia ba xá theo trình độ để thuận tiện giảng dạy, các giám sinh của cả ba xá đều nhận được học bổng như nhau là 9 tiền/tháng.
Đến năm 1484 thời vua Lê Thánh Tông thì việc phát học bổng có khác nhau, thượng xá nhận được 10 tiền tức tương đương 1 quan tiền cho một tháng, trung xá vẫn nhận 9 tiền, còn hạ xá nhận được 8 tiền. Lệ này kéo dài đến mãi thời nhà Mạc và thời Lê Trung Hưng, có lúc học bổng thay đổi nhưng không nhiều.
Thời nhà Nguyễn học bổng còn cao hơn lương đi làm
Đến thời nhà Nguyễn, cùng với việc chuyển Kinh đô từ Thăng Long đến Huế, trường Quốc Tử Giám cũng được dời đến Huế. Nhà Nguyễn không cấp học bổng cho các Giám sinh theo 3 xá, mà là theo kết quả học tập, ngoài cấp tiền còn cấp cho gạo và dầu làm đèn học.
Ban đầu mỗi tháng Triều đình sẽ cấp cho mỗi Giám sinh 2 quan tiền, 2 phương gạo, 2 cân dầu. Đến năm 1823 vua Minh Mạng cho phân Giám sinh theo kết quả học tập thành 5 hạng là hạng ưu, hạng ưu thứ, hạng bình, hạng bình thứ, hạng thứ. Năm hạng này hàng tháng được nhận 3 mức học bổng như sau:
- Hạng ưu (tức hạng giỏi nhất) nhận học bổng 3 quan tiền, gạo 2 phương, 5 cân dầu (để thắp đèn học).
- Hạng ưu thứ và hạng bình được 2 quan tiền, 1 phương rưỡi gạo, 4 cân dầu.
- Hạng bình thứ và thứ được 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo, 3 cân dầu.
Đến năm 1835 vua Minh Mạng nhận thấy các Giám sinh rất nhiều là từ nơi xa đến học, hoàn cảnh khó khăn, lại là nhân tài tương lai của đất nước, nên quyết định chia làm 3 hạng tăng học bổng như sau:
- Hạng ưu được 4 quan tiền, 3 phương gạo, 5 cân dầu.
- Hạng bình được 3 quan tiền, 3 phương gạo, 4 cân dầu.
- Hạng thứ được 2 quan tiền, 2 phương gạo, 3 cân dầu.
Đối với các quan đầu triều được ưu tiên có con theo học Quốc Tử Giám nhưng cũng phải qua một kỳ sát hạch dành riêng cho con quan, các con quan được học trong Quốc Tử Giám được gọi là Ấm sinh.
Các Ấm sinh chia làm 3 hạng và nhận học bổng thấp hơn các Giám sinh:
- Hạng nhất mỗi tháng mỗi người được 2 quan tiền, 2 phương gạo, 3 cân dầu.
- Hạng nhì được 1 quan 5 tiền, 1 phương 15 đấu gạo, 2 cân dầu.
- Hạng ba nhận 1 quan tiền, gạo 1 phương, dầu 1 cân.
Thời nhà Nguyễn các sĩ tử được nhận vào Quốc Tử Giám còn một loại nữa gọi là “Tôn sinh” – đây là con cái của các hoàng thân tôn thất. Các Tôn sinh này hàng tháng đã được nhận lương hay bổng lộc của Triều đình rồi, nếu vào trường học thì được nhận thêm học bổng mỗi tháng 2 quan tiền, 2 phương gạo.
Thời vua Minh Mạng quy định “lấy khóa hạch bốn tháng trọng [bốn tháng trọng này gồm: tháng trọng đông (tháng 11), trọng xuân (tháng 2), trọng thu (tháng 8), trọng hạ (tháng 5)] để tổ chức thi một lần nhằm phân loại các Giám sinh”.
Đến thời vua Tự Đức các Giám sinh và Ấm sinh trước đó đều phải qua được kỳ sát hạch, mức học bổng cũng tăng lên một chút so với trước đó.
Vua Tự Đức ra lệ cứ 3 tháng một lần sẽ có một kỳ thi sát hạch nhằm phân loại lại các Giám sinh. Nhưng đến năm 1853 vua Tự Đức cho giảm xuống mỗi năm chỉ có một kỳ thi sát hạch vào tháng trọng xuân.
Tuy nhiên sau đấy nhận thấy các Giám sinh hạng thứ từ nơi xa đến học rất cần học bổng, nếu muốn lên hạng ưu thì phải chờ 1 năm để thi thì lâu quá, nên đến năm 1858 tổ chức mỗi năm 2 kỳ thi sát hạch vào tháng trọng xuân và trọng thu.
Mức học bổng của nhà Nguyễn trả cho các Giám sinh như vậy là rất cao, thậm chí học bổng còn cao hơn lương của một người đi làm. Mức lương đi làm của một người bình thường ở lục bộ là 2 quan tiền, 2 phương gạo.
Tiền thưởng cùng nhiều đặc ân khác
Không chỉ mức học bổng hàng tháng rất cao, mà tiền thưởng tết các Giám sinh cũng nhận được rất cao. Năm 1825 khi duyệt thưởng tết cho các quan, vua Minh Mạng đã thưởng cho các Giám sinh đến 10 quan tiền.
Quan hộ Bộ là Nguyễn Hữu Thận cho rằng mức thưởng này là quá hậu, vua Minh Mạng nói rằng: “Cho con hát đàn bà hầu hạ thì không nên hậu, chứ học trò của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng, há chẳng nên hậu hay sao?”
Năm 1825 vua Minh Mạng ban lệnh: “Quốc Tử Giám là nơi chứa nhân tài, gần đây đặt sinh viên, cho ăn lương hậu, bồi dưỡng gây dựng đã chu đáo lắm; các Giám sinh tọa Giám trước sau, đến nay thấm nhuần ân trạch giáo hóa, cũng đều đã có thành tài. Vậy hạ lệnh Tế tửu, Tư nghiệp lấy công bằng kén chọn lấy 30 người học vấn rộng văn chương hay có thể dùng được mà tâu lên”.
Từ đó các đời Vua sau này như Thiệu Trị, Tự Đức cũng theo đó mà bổ nhiệm các Giám sinh vào các chức vụ quan lại.
Ngoài ra các Giám sinh trường Quốc Tử Giám còn nhận được ân điển khác của Triều đình. Mỗi dịp lễ về quê nhà đều được chu cấp tiền bạc đủ để làm lộ phí.
Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có ghi chép trường hợp anh em Bùi Văn Đỗ được cấp mỗi người 10 quan tiền để về nhà thăm và chăm sóc mẹ già đau yếu trong 3 tháng liền.
Giám sinh Tạ Đăng Đoài mắc bệnh rồi mất, vua Minh Mạng xuống chiếu cấp cho gia đình 50 quan tiền, 5 tấm vải để đưa tiễn, tỏ lòng thương tiếc.
Bên cạnh “thưởng” thì “phạt” cũng rất nghiêm như: Cứ ba ngày quan nhà Giám kiểm xét một lần khu ở của Giám sinh. Nếu có người bỏ buồng đi, qua ngày không về đến 1 lần, 2 lần thì quan nhà Giám mắng bảo làm răn, nếu đến 3 lần thì quan nhà Giám xét nêu ra để trị tội, thậm chí đuổi học.
Nhờ được rèn dũa trong môi trường tốt, nhiều Giám sinh đỗ đại khoa trong các kỳ thi Hội, thi Đình, trở thành trụ cột của đất nước sau này.
Tuy nhiên không phải thời kỳ nào Trường Quốc Tử Giám cũng đứng đầu số người đỗ đại khoa, có những thời điểm mà các trường tư ở bên ngoài mới là nơi tạo ra nhiều bậc hiền tài nhất. Ví như thời nhà Lê Sơ có thầy giáo Trần Ích Phát đào tạo ra 74 người đỗ đại khoa (gồm 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 10 Hoàng giáp, 51 tiến sĩ). Vượt trội cả so với trường Quốc Tử Giám cùng thời.
Trần Hưng tổng hợp
Tham khảo:
- Quốc sử quán triều Nguyễn
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ
Xem thêm:
- Trần Ích Phát: Người thầy của 3 Trạng nguyên, 74 tiến sĩ
- Đào Toàn Bân: Thầy dạy của tam khôi khoa thi 1374
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng Quốc Tử Giám