Tạo phúc không gì tốt hơn là quý tiếc phúc báo
- An Hòa
- •
Cổ nhân nói: “Ai trân quý phúc sẽ được phúc, ai không trân quý phúc sẽ gặp tai họa”. Cho dù cuộc sống hiện tại của một người có giàu sang, đầy đủ đến đâu cũng không nên tùy ý phung phí, mặc sức tận hưởng. Bởi vì hết thảy những thứ mà một người có được trong cuộc đời đều là phúc báo của người ấy, tùy tiện lãng phí chính là lãng phí phúc báo của chính mình. Một khi phúc báo hưởng hết thì tai họa sẽ ập đến tức thì.
Trong văn hóa truyền thống, cả Nho gia, Đạo gia và Phật gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của “tích phúc”, trân quý, quý tiếc phúc. Mỗi người đều phải biết ơn tất cả những gì mà mình có được, mà thiên nhiên ban tặng cho. Mỗi một cái cây ngọn cỏ, một bát cơm bát cháo đều là chúng sinh, và con người phải luôn ghi nhớ rằng nguồn vật chất rất hữu hạn. Ở Nhật Bản có câu nói rằng: “Trên mỗi hạt gạo đều có 7 vị Thần Tiên”. Thi nhân Lý Thân thời nhà Đường cũng viết rằng: “Có ai biết được cơm trên mâm, từng hạt từng hạt biết bao cay đắng”.
Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện về tể tướng Nghiêm Tung nhà Minh để cảnh tỉnh và khuyên nhủ con người phải biết trân quý, quý tiếc phúc của mình.
Năm Gia Tĩnh nhà Minh, có một vị tể tướng tên là Nghiêm Tung, con trai là Nghiêm Thế Phiên cũng là quan lớn trong triều. Hai cha con họ kết bè kết cánh, lũng đoạn triều đình, giết hại trung lương. Nghiêm Tung cậy mình quyền cao, vơ vét tiền của, sinh hoạt vô cùng xa hoa và lãng phí. Lúc ấy, người đến bái phỏng Nghiêm Tung nối liền không dứt, trong nhà ngày nào cũng làm tiệc đãi khách. Từ trong khe cống ngầm ở nhà bếp của gia đình Nghiêm Tung thường thải ra rất nhiều đồ ăn, gạo cũng bị đổ bỏ.
Gần phủ Nghiêm Tung có một ngôi chùa. Trong chùa có một lão hòa thượng hàng ngày thường dẫn tiểu hòa thượng đi nhặt gạo từ khe cống ngầm, sau đó rửa sạch và phơi khô. Tích lũy lâu ngày, cuối cùng cả gian phòng đã chất đầy gạo trắng.
Vào năm Gia Tĩnh thứ 41, Hoàng đế trở nên chán ghét Nghiêm Tung. Nghiêm Tung bị các đại thần khác luận tội, bị cách chức, còn con trai ông là Nghiêm Thế Phiên bị chặt đầu, người trong nhà bị lưu đày và toàn bộ tài sản bị tịch thu.
Nghiêm Tung không ngờ rằng những năm cuối đời mình lại không chỗ nương tựa. Bởi vì đã làm rất nhiều điều ác và không được lòng dân, khi Nghiêm Tung mất đi quyền lực, cũng không có ai thông cảm và thương xót cho ông ta. May mắn là lão hòa thượng trong ngôi chùa gần nhà của Nghiêm Tung đã thương xót mà thu nhận.
Một hôm Nghiêm Tung nói với lão hòa thượng rằng: “Sư phụ! Khi xưa, nhà của tôi tài sản vô số, nhưng tôi lại chưa từng bố thí một chút nào cho nhà chùa cả. Bây giờ sư phụ lại vô tư tiếp tế cho, tôi thực sự cảm thấy rất hổ thẹn.”
Lão hòa thượng an ủi Nghiêm Tung: “Tướng gia, ông không cần phải phiền lòng. Thức ăn mà ông đang ăn bây giờ không phải của tôi, mà là của chính tướng gia. Hơn nữa, trong hơn chục năm cũng không thể ăn hết”.
Nghiêm Tung rất ngạc nhiên hỏi: “Thức ăn của tôi?”
Lão hòa thượng bình thản đáp rằng: “Nếu như ông không tin thì để tôi dẫn ông đi xem.”
Thế là lão hòa thượng dẫn Nghiêm Tung đến nhà kho. Ông chỉ vào một đống gạo lớn trong kho và nói với Nghiêm Tung: “Đây đều là gạo lấy ra từ khe cống ngầm của phủ tể tướng. Nhà chùa đã vớt lên, rửa sạch sẽ, sau đó phơi khô và cất giữ ở đây”.
Nghiêm Tung nghe xong liền bật khóc. Đây là hậu quả của việc không biết quý trọng phúc báo.
Khi có phúc, không nên tùy ý phung phí. Bởi vì bất cứ hình thức phung phí nào cũng đều mang lại hậu quả không tốt đẹp. Nếu một người phung phí tiền bạc, dù giàu đến đâu thì người ấy cũng sẽ trở nên nghèo khó. Nếu một người phung phí tình cảm thì người yêu thương người ấy đến đâu cuối cùng cũng sẽ rời đi. Nếu một người phung phí sức khỏe thì cơ thể người ấy sớm muộn cũng sẽ suy sụp.
Trong cuộc đời này, người mà chúng ta gặp, của cải mà chúng ta có, đều là phúc báo của chúng ta, chúng ta càng nên trân trọng. Người trân trọng phúc thì phúc sẽ thường ở lại, chỉ có ai trân trọng phúc mới có được phúc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phúc báo tích phúc Trân quý phúc