Học suốt 12 năm, thậm chí thêm 4 năm học đại học mà không có thói quen hay thú vui đọc sách đã là một thất bại. Tuy nhiên, thất bại nặng nề hơn nữa là thái độ coi thường giá trị của trí tuệ và văn hóa. Cái sau mới là cái nguy hiểm hơn và cái này có không chỉ ở những người ít học, không có bằng cấp.

Nhân tài, thiên tài tạo ra những thành tựu lớn không phải chỉ vì họ có những phẩm chất, năng lực nổi trội hơn người. Họ có được như vậy là vì họ được sinh ra, lớn lên, được “nhúng” trong một môi trường khát khao khám phá, khát khao hiểu biết và sự kính trọng đến mức sùng kính vẻ đẹp, giá trị của trí tuệ.

Thiên tài, nhân tài, người có tài năng đặc biệt có thể chịu đựng được sự cô đơn giữa đồng loại, cộng đồng vì họ hiểu thực tế và biết mình nhưng họ không thể thăng hoa được trong cộng đồng đó.

Đấy là một nỗi đau cho họ và sự thiệt thòi cho chính cộng đồng xung quanh.

Vậy nên, câu chuyện không làm được cái này cái kia cũng đáng sợ nhưng không đáng sợ bằng câu chuyện người ta không coi cái đó có giá trị gì.

Tôi biết nhiều câu chuyện khá buồn, ở đó có những người ra ngoài xã hội, thế giới hay ở trong một cộng đồng nhỏ được coi là người rất đáng trọng, có tài năng nhưng trong chính gia đình mình hay cộng đồng họ ở thì họ được nhìn nhận như một kẻ chập cheng, ngớ ngẩn hoặc vô dụng.

Sự “vô dụng” này trong nhiều trường hợp không thuộc về cá nhân đó vì họ chỉ có thể làm được vài việc, phát huy được tài năng của họ trên một nền tảng hỗ trợ tốt với sự tham gia của nhiều người khác. Không có nền tảng đó họ vô dụng thật sự.

Đó là lý do khi người Việt làm được điều gì dù nhỏ tôi rất trân trọng vì để làm được điều đó họ phải nỗ lực rất nhiều, phải làm rất nhiều thứ hầm bà lằng trong đó có nhiều thứ họ vừa làm vừa cảm thấy khổ tâm. Trong khi nếu ở môi trường thuận lợi, họ chỉ phải làm duy nhất một việc họ thạo nhất, mạnh nhất, có tài năng nhất mà thôi.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: