Văn Bích (1470 – 1559) là họa sĩ, thư pháp gia nổi tiếng nhất thời trung kỳ nhà Minh, tự là Trưng Minh, sau lại đổi thành Trưng Trọng, sau trung niên lại lấy tự là Hành, hiệu Hành Sơn cư sĩ, Đình Vân Sinh. Văn Trưng Minh xuất thân trong gia đình quan lại, là người tài hoa xuất chúng nhưng con đường làm quan không thuận lợi suôn sẻ, nhiều lần thi nhưng không đỗ. Ông giỏi cả về văn thơ thư họa, nổi danh lúc bấy giờ, được xưng là “Văn bút biến thiên hạ”, người đương thời thừa nhận ông là “tứ tuyệt toàn tài”. Ông cùng với Thẩm Chu, Đường Dần, Cừu Anh hợp thành “Minh tứ gia” (bốn nghệ thuật gia nổi tiếng của nhà Minh). Ngoài thành tựu nghệ thuật, Văn Trưng Minh là người có tính cách khoan dung độ lượng, xem nhẹ danh lợi. Cả đời ông sống thanh cao, hào hiệp, không bám víu quyền thế cũng không đàm tiếu thị phi.

Van Trung Minh 02
Chân dung Văn Trưng Minh. (Tranh: Public Domain)

Tôn sư trọng đạo, thành tựu nghệ thuật trác tuyệt

Văn Trưng Minh xuất sinh trong một gia đình có truyền thống học tập. Cha của ông là tri phủ Ôn Châu. Lúc còn nhỏ tuổi, Văn Trưng Minh tương đối chậm chạp, lớn lên mới hiểu biết hơn và có trí nhớ rất tốt. Mỗi ngày ông đều có thể ngâm rất nhiều thơ văn. Ông được xem là người “đại khí vãn thành” (thành đạt muộn). Lúc 19 tuổi, bởi vì ông viết chữ xấu nên không được tham gia thi hương. Nhưng chính điều này lại mở ra cơ hội để ông cố gắng học tập thư pháp. Lúc 20 tuổi, bởi vì không thích trình tự quy tắc nghiêm khắc của thi cử nên ông đã cùng với nhóm người Đường Dần, Chúc Doãn Minh… khởi xướng sáng tác văn từ cổ.

Sau đó, Văn Trưng Minh bái Thẩm Chu làm thầy. Được thầy dốc lòng dốc sức truyền thụ cho nên thi họa của Văn Trưng Minh càng ngày càng thâm hậu. Văn Trưng Minh cả đời đều tôn kính Thẩm Chu vô cùng. Những năm cuối đời, tác phẩm của Văn Trưng Minh được xếp ngang bằng với sư phụ Thẩm Chu, nhưng ông luôn cho rằng thành tựu hội họa của mình không thể vượt qua sư phụ.

Văn Trưng Minh có tài năng và học vấn phi thường cũng như thành tựu nghệ thuật xuất sắc. Ông cũng muốn đáp ứng mong đợi của gia đình và tham gia các kỳ thi, nhưng ông dự thi chín lần đều không đỗ đạt. Mãi đến năm 54 tuổi, ông mới được Hình bộ thượng thư Lâm Tuấn và Công bộ thượng thư Lý Sung tiến cử, được trao tặng chức Hàn lâm viện đãi chiếu.

Dù ở vị thế khiêm tốn nhưng Văn Trưng Minh chưa bao giờ cạnh tranh với người khác. Tuy nhiên, vì nổi tiếng nên ông bị một số người trong triều đình ghen tị và xa lánh. Văn Trưng Minh không thích chốn quan trường nên đã có ý định từ chức ngay từ năm thứ hai sau khi nhậm chức. Ông liên tục trình đơn từ chức nhưng mãi đến năm 57 tuổi mới được chấp nhận cho từ quan về Tô Châu sinh sống. Ông không thích kết giao với những người quyền quý mà chỉ chuyên tâm sáng tác thi văn thư họa.

Thành tựu nghệ thuật của Văn Trưng Minh vừa sâu vừa rộng. Thư pháp của ông thanh tao nho nhã, có ý vị nghệ thuật sống động. Ông giỏi ở tất cả các thể chữ, nhưng xuất sắc hơn cả là chữ Khải thư, Hành thư và am hiểu chữ Tiểu khải. Ông được công nhận là giỏi nhất thời nhà Minh về phương diện này. Còn về phương diện hội họa, ông có lối vẽ tỉ mỉ và vẽ giỏi ở tất cả các chủ đề sơn thủy, hoa cỏ, lan trúc, nhân vật. 

Van Trung Minh 03
(Tranh: Văn Trưng Minh, Public Domain)

Không bám víu quyền thế, tu khẩu đức mà tránh được họa

Văn Trưng Minh cả đời đều chú trọng tu khẩu đức. Ông không bao giờ nói lời thị phi, đàm luận về người khác. Ông không chỉ không chỉ trích thiếu sót của người khác mà còn có thói quen không nghe lời bán tán của người khác. Nếu như có người nào đó muốn vạch trần khuyết điểm của người khác trước mặt mình, ông sẽ khéo léo dùng chủ đề khác để dẫn dắt họ. Chính phẩm chất tốt đẹp này đã bảo vệ được thanh danh và mạng sống của gia đình ông trong cuộc nổi loạn của Ninh Vương Chu Thần Hào.

Vào năm Chính Đức thứ 7 (năm 1512) đời Minh Võ Tông, Ninh Vương Chu Thần Hào đã chiêu mộ nhân tài dưới quyền chỉ huy của mình. Vì ngưỡng mộ tài năng và học vấn của Văn Trưng Minh nên Ninh Vương đã nhiều lần mời ông ra làm quan, còn sai sứ giả mang số tiền lớn và thư của Ninh Vương đến thăm hỏi. Nhưng Văn Trưng Minh lấy cớ là bị bệnh nặng không thể dậy nổi, cũng cự tuyệt nhận quà tặng khiến sứ giả đành phải quay trở về.

Vào thời điểm đó, Đường Dần, Tạ Thời Thần và những người khác đều được mời làm quan. Bạn bè thắc mắc tại sao Văn Trưng Minh lại từ bỏ cơ hội tốt, đều khuyên bảo ông đừng làm trái tâm ý của Ninh Vương. Nhưng Văn Trưng Minh không động tâm cũng không đàm luận khuyết điểm của Ninh Vương. Ông dùng thơ để tỏ rõ ý chí của mình, tự so sánh mình với chim hồng nhạn bay cao hàng ngàn dặm tận trời xanh, không muốn bị thu nạp.

Năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519), Ninh Vương đầy tham vọng đã phát động phản loạn ở Nam Xương, bị đánh bại và bị xử tử. Tất cả những người nhận lời mời của Ninh Vương đều bị liên lụy, chỉ có Văn Trưng Minh cáo ốm không tiếp là tránh được kiếp nạn. Khi đó mọi người mới nhận ra tầm nhìn sâu sắc phi thường cũng như cách cư xử cao thượng và tự giữ mình của Văn Trưng Minh.

Van Trung Minh 01
(Tranh: Văn Trưng Minh, Public Domain)

Rộng lượng, không lam lam, nghiêm khắc giữ mình

Cha của Văn Trưng Minh là Văn Lâm qua đời vì bệnh tật khi đang giữ chức tri phủ Ôn Châu. Theo luật lệ thì địa phương sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho tang lễ và quan phủ địa phương cũng đã mang tiền phúng viếng đến, tổng cộng mấy ngàn lượng bạc. Số tiền hợp tình hợp lý này như một cơn mưa kịp thời. Có thể nói rõ rằng cha Văn Trưng Minh làm quan không tham lam nên gia đình mới không đủ tiền lo tang lễ. Nhưng Văn Trưng Minh lại xin miễn nhận.

Ông viết một lá thư đáp tạ: “Cha tôi làm quan đường đường chính chính, chưa bao giờ tham lam một phân tiền. Nếu tôi nhận số tiền này thì sẽ cô phụ sự thanh liêm của cả đời cha tôi. Tôi không thể lợi dụng danh tiếng của cha mà mưu lợi, không muốn thanh danh của cha bị phủ vết nhơ”Vì thế, người dân Ôn Châu đã dùng số tiền này xây dựng “Khước kim đình” để khen ngợi hai cha con Văn Trưng Minh là người ngay thẳng và không tham lam.

Văn Trưng Minh tính cách chất phác, nghiêm khắc với bản thân, vừa không uống rượu lại không gần nữ sắc. Có một lần, Đường Dần muốn trêu chọc ông nên đã hẹn với những người bạn văn chương khác để đi chèo thuyền. Khi mọi người đã uống rượu say, Đường Dần mới cố ý để cô kỹ nữ xinh đẹp ẩn náu trong khoang thuyền bước ra. Cô gái vừa rót rượu vừa muốn quyến rũ Văn Trưng Minh, nhưng Văn Trưng Minh vội vàng muốn rời đi. Mọi người đành phải thuê một chiếc thuyền nhỏ khác để cho ông rời đi. 

Cừu Anh, một nghệ thuật gia nổi tiếng thời kỳ này, là bạn của Văn Trưng Minh. Thời trẻ Cừu Anh làm nghề sơn và là họa sĩ nên ông sơn nhà và bán tranh để kiếm sống. Tuy rằng ông vẽ tranh rất đẹp nhưng thư pháp thì lại không được đẹp. Vì thế, Văn Trưng Minh luôn viết lời tựa hộ cho bức tranh của Cừu Anh. Nhờ vậy mà tranh bán được giá rất cao, cải thiện được cuộc sống gia đình Cừu Anh. Văn Trưng Minh cũng ca ngợi các tác phẩm của Cừu Anh nên chúng rất nổi tiếng vào thời điểm ấy.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tĩnh Dung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: