Trường trung học cơ sở của xã nằm trước mặt trường tiểu học. Hai trường cách nhau theo đường chim bay khoảng hơn một cây số. Nếu đi thẳng thì chẳng mấy nhưng đường đi lại vòng vèo.

Chúng tôi quen gọi trường trung học cơ sở nằm trên thôn Lãn Tranh là trường Am. Có lẽ vì cánh đồng ở đó có tên Đồng Am từ xưa. Sân của trường trung học cơ sở cũng là sân sỏi nhưng lớp học khá hơn, được xây bằng gạch, đổ mái bằng. Trường nằm ở sát đồng và đường lớn. Ra khỏi trường đi một đoạn là đến sông Thương.

Bao quanh trường là một con hào đào rộng khoảng 2m. Dãy nhà văn phòng xây một tầng, nhỏ xíu nằm sát đường. Ở đó có một cái giếng rất nhiều nước. Nhà thầy hiệu trưởng cũng nằm ở gần đó. Chúng tôi chơi trên khoảnh sân rộng trước cửa lớp: đá bóng, đá cầu, vật nhau… Xem lại bức ảnh chụp cả khối lớp 9 trước khi tốt nghiệp thấy ngày đó trường sao mà xập xệ, học sinh, thầy cô sao mà quê mùa đến thế. Nhìn rõ quần áo thầy cô và bạn bè cũ kĩ, có người còn mặc áo vá. Dưới chân cũng là những đôi dép vá. Thầy cô tiếng là cầm phấn, cầm bút nhưng có khi lên lớp chân vẫn dính bùn hoặc tay còn vương mùi cám lợn. Thầy cô nào cũng vừa dạy vừa làm ruộng, nuôi lợn để sống và nuôi con. Có thầy cô vừa làm ruộng, nuôi lợn vừa nấu rượu.

Có một thầy dạy vật lý, người gầy như cái que chuyên nghề nấu rượu. Có khi tôi thấy thầy đèo cả hai can trắng đựng rượu lớn đến trường giao cho ai đó. Trong các thầy cô có lẽ thầy này hiền nhất hoặc cũng có thể là biết buông bỏ nhất. Học sinh nhà quê, lớn lên như cỏ dại, vào lớp vừa nghịch vừa gây ồn khủng khiếp. Lớp hơn 20 người chỉ có 5-7 thằng có khả năng hiểu những gì thầy nói và viết, còn lại chúng hoặc là ngủ gật hoặc ngồi nghịch phá đủ trò. Có những thằng táo tợn còn ném cả giấy vo tròn và đủ thứ lên bục giảng, thậm chí có thằng còn đánh rắm rất to trong lớp. Mặc kệ! Thầy vẫn giảng như thường. Hết giờ thì thầy ra. Lũ học sinh làm gì thầy mặc kệ. Hồi đó chỉ thấy sao mà thầy hiền thế, không nổi cáu, không quát mắng, cũng không dỗi.

Nghỉ hưu vài năm thầy mất vì bệnh.

Bây giờ, sau khi cũng có hơn 10 năm làm thầy rồi bỏ mới thấy thương thầy biết bao nhiêu.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: