Tôi đến thị xã Quảng Trị hai lần. Lần đầu vào năm 2018, cách nay 7 năm, và lần hai vào đầu năm nay (2025). Hai lần, hai cảm giác khác nhau về thị xã.

Thị xã Quảng Trị trước đây là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Sau năm 75, thủ phủ tỉnh dời qua thành phố Đông Hà, cách thị xã khoảng 15km về hướng (Tây) Bắc. Trong thị xã này có một cổ thành xây từ thời nhà Nguyễn. Năm 1972 nơi đây xảy ra trận đánh ác liệt, giành giật cổ thành, mà chu vi chỉ khoảng 2.000 mét.

Đầu tháng 4/72, Bắc quân vượt sông Bến Hải đánh xuống phía Nam, và một cánh quân khác từ phía Tây (Hạ Lào), đánh qua con đường số 9. Nam quân rút lui về sông Thạch Hãn (nơi có cổ thành), rồi tiếp tục lui quân từ thị xã về phía nam sông Mỹ Chánh (cực nam của tỉnh Quảng Trị). Chỉ trong vòng tháng 4/72, hầu hết tỉnh Quảng Trị rơi vào tay Bắc quân.

Cuối tháng 6/72, Nam quân bắt đầu phản công từ sông Mỹ Chánh, đánh ngược lên phía Bắc, mục tiêu là chiếm lại cổ thành. Trên đường phản công theo quốc lộ 1, khi qua cầu Bến Đá, một phóng viên nhiếp ảnh, Ngy Thanh tìm thấy nhiều xác chết ngổn ngang, thường phục nhiều hơn sắc phục. Họ bồng bế, dắt nhau chạy loạn từ cổ thành về phía Nam theo quốc lộ 1, và nằm trong tầm tác xạ pháo kích. Ngy Thanh đã đặt tên đoạn đường dài hơn chục cây số này là đại lộ kinh hoàng.

Trận chiến ác liệt nhất diễn ra ở cổ thành. Nam quân bao vây cổ thành ở phía Nam và Đông, một phần phía Tây. Bắc quân tiếp quân và vũ khí băng qua sông Thạch Hãn, cách cổ thành chừng vài trăm mét về phía Bắc. Trận chiến kết thúc giữa tháng 9/72, sau 81 ngày chết chóc khủng khiếp. Mạng người quá bèo!

Sau cùng, sông Thạch Hãn trở thành dòng sông giới tuyến thay cho sông Bến Hải, nơi mà sau đó hai bên trao đổi tù binh.

Tôi chỉ tóm tắt trận đánh ở thị xã Quảng Trị này để hiểu vì sao tôi lại tìm đến nó hai lần. Tôi không có ý định mô tả, hay giải thích ý nghĩa cuộc chiến này. Ai muốn biết có thể tìm tài liệu mà đọc. Về sách, phía Nam có “Mùa hè đỏ lửa”, bút ký của đại úy nhảy dù Phan Nhật Nam xuất bản năm 1972. Về phía Bắc, hơn 30 năm sau có sách “Mùa hè cháy” của đại tá pháo binh Nguyễn Quý Hải, người chỉ huy trận pháo kích của chiến dịch. Về số liệu cuộc chiến, kể cả tổn thất nhân mạng có thể tìm trên mạng, tốt nhất là tài liệu nước ngoài, nếu muốn tiếp cận sự thật.

Thị xã Quảng Trị dân số chưa tới 25.000, thỉnh thoảng mới có đoàn khách đến thăm di tích rồi về nghỉ ở Huế hoặc Đông Hà. Tôi đến thị xã Quảng Trị để thăm cổ thành, tìm dấu vết những mảng tường thành còn sót lại, hơn là xem những hiện vật trưng bày nặng phần trình diễn, hay ngắm nhìn cổ thành đã được xây dựng lại, khang trang đẹp đẽ.

Tối ra bờ sông Thạch Hãn ngồi uống bia. Gió lạnh từ sông thổi vào, lạnh da thịt thì không, lạnh trong lòng thì có. Đoạn sông tôi ngồi uống bia cách quốc lộ chừng 1 km. Đi dọc bờ sông hướng vào thị xã thêm 1km nữa, khúc sông này cách cổ thành chừng 200 mét. Tôi đã đi dọc bờ sông này, ngày đó thật vắng vẻ và buồn.

Trên đường về nhà trọ tôi ghé quán cháo bột cá lóc. Quán vắng vẻ, tôi là người khách duy nhất. Nói là cháo, nhưng giống như món bánh canh ở Sài Gòn. Bánh canh được làm từ bột gạo (?), nhồi, ép mỏng và cắt sợi ngay tại quán. Nước lèo và cá lóc ngon hơn các quán ở Sài Gòn nhiều lắm. Tôi hỏi chủ quán, bà nói, học được cách làm từ quê chồng ở Hải Lăng.

Buổi sáng vào chợ ăn bún nghệ xào lòng. Tôi viết trong sách “Ẩm thực ven đường Huế” xuất bản năm ngoái thế này:

“…Tôi nhớ tô bún 5.000 đồng ở chợ, nhớ thái độ niềm nở, chất phác của bà bán bún, nhớ đôi mắt dò hỏi của bà nhìn khách Sài Gòn ăn xem họ có hài lòng không… Cám ơn bà bún nghệ ở thị xã buồn thiu đã cho tôi một chút niềm tin về vẻ đẹp con người. Nếu có dịp, tôi sẽ quay lại thị xã ăn bún nghệ xào lòng.”

Lần thứ hai, tôi quay lại thị xã Quảng Trị vào đầu năm nay (2025). Thị xã đã lột xác, nhộn nhịp, ánh đèn… Dọc bờ sông Thạch Hãn cả hơn cây số, đầy nghẹt quán xá, ồn ào náo nhiệt. Khúc sông cách cổ thành vài trăm mét, vài bạn trẻ, uống bia, ca hát nhảy múa. Chợ được xây cất lại, khang trang hơn. Tôi không vào chợ nên không biết bà bún nghệ có còn bán không. Tôi cũng không tìm thấy quán cháo cá lóc trên đường chính dẫn vào thị xã nữa.

Tôi nhớ mang máng hai câu thơ của người lính bên thắng cuộc khi quay trở lại đây, nhớ đồng đội năm xưa đã viết thế này:

“…Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”

Khi viết về món ăn ở Quảng Trị trong sách Ẩm thực Huế xuất bản năm ngoái, tôi dựa vào ký ức của mình về thị xã của 7 năm trước. Tôi không ngờ thị xã thay đổi nhiều quá. Tôi viết sai rồi. Thị xã này không còn buồn hiu, và cũng không còn khoảng không gian nào cho những nỗi buồn tưởng nhớ, và để gió lạnh từ sông Thạch Hãn luồn vào da thịt. Thị xã Quảng Trị bây giờ là của giới trẻ, không phải của những người già lẩm cẩm. Tôi sẽ không bao giờ quay lại thị xã Quảng Trị nữa.

Quang Tri 01
Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam.
Quang Tri 02
Mùa hè cháy của Quý Hải, nxb Hội Nhà Văn.
Quang Tri 03
Cổng vào cổ thành được xây dựng lại, bên trong khang trang và đẹp như một công viên.
Quang Tri 04
Bên bờ sông Thạch Hãn. Khúc sông này cách cổ thành khoảng 300 mét.
Quang Tri 05
Dấu vết tường thành đổ nát.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm: